Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Từ chuyện điểm chuẩn vào lớp 10 quá thấp

Cập nhật ngày: 24/07/2014 - 07:19

Thí sinh dự thi vào lớp 10.

Sở Giáo dục - Đào tạo đã chính thức công bố điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2014 - 2015. Căn cứ vào kết quả bài làm của thí sinh, hội đồng tuyển sinh quyết định điểm sàn trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay là 9 điểm. Đây là điểm số tối thiểu mà thí sinh phải đạt được nếu muốn trúng tuyển vào lớp 10 của một trong 22 trường tổ chức thi tuyển. So với năm trước và năm trước nữa, mức điểm sàn năm nay đã thấp hơn 1 điểm.

Theo quy chế tuyển sinh, trong số 3 môn thi vào lớp 10 thì 2 môn Ngữ văn và Toán được nhân đôi hệ số. Điều này có nghĩa, tuy chỉ thi 3 môn nhưng tổng điểm thi trên thực tế là của 5 môn. Lấy điểm sàn tối thiểu là 9 điểm, chia cho 5 môn thi thì bình quân mỗi môn chỉ cần… 1,8 điểm là thí sinh đã trúng tuyển. Trong số 22 trường tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển, có 10 trường THPT điểm chuẩn chỉ có 9 điểm gồm: Bình Thạnh, Lộc Hưng, Trảng Bàng, Trần Quốc Đại, Ngô Gia Tự, Nguyễn Thái Bình, Dương Minh Châu, Lê Duẩn, Trần Phú và Tân Hưng. Trong số những trường thi tuyển, không có trường nào lấy điểm chuẩn quá 25 điểm, cao nhất là Trường THPT Tây Ninh cũng chỉ lấy 24,25 điểm.

Ngoài điểm sàn thấp, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay còn “gây ấn tượng mạnh” với hơn 750 điểm 0. Theo quy chế tuyển sinh, điểm 0 là điểm liệt. Những thí sinh bị điểm liệt ở một môn thi nào đó sẽ không có cơ hội trúng tuyển vào những trường tổ chức thi tuyển, cho dù các môn thi còn lại đạt điểm cao. Riêng với Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, bài thi 2 điểm là bị rơi vào trường hợp điểm liệt. Trong kỳ thi vừa qua, trường này có hơn 630 thí sinh dự thi và có khoảng 100 thí sinh bị điểm liệt. Có những thí sinh bài thi môn không chuyên đạt hơn 9 điểm nhưng bài thi môn chuyên lại bị liệt. Để được dự thi vào trường chuyên, một trong những điều kiện bắt buộc là điểm tổng kết bình quân của môn chuyên mà học sinh đã học ở lớp 9 phải đạt loại giỏi, tức từ 8 điểm trở lên. Vậy mà nhiều thí sinh thi vào trường này lại bị điểm liệt môn chuyên (?!).

Chuyện điểm thi vào lớp 10 quá thấp và càng ngày càng thấp không phải là điều gì bất ngờ, bởi tình trạng này đã lặp đi lặp lại qua nhiều kỳ thi. Lý giải tình trạng này, nhiều giáo viên và cán bộ quản lý ở cấp THPT thường quy trách nhiệm cho các đồng nghiệp của mình ở cấp THCS. Và các giáo viên, cán bộ quản lý cấp THCS lại quy lỗi các đồng nghiệp ở cấp tiểu học. Một cán bộ quản lý trong ngành đặt vấn đề như chất vấn: “Nếu cứ đổ lỗi cho nhau như thế thì không lẽ cấp tiểu học lại đổ thừa cho cấp… giáo dục mầm non? Rồi đến lúc cô giáo mầm non sẽ lại đổ cho phụ huynh học sinh về cái lỗi… sinh con quá dốt?”.

Những ai am hiểu về giáo dục không thể không thừa nhận một điều hiển nhiên rằng, với việc đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục (trong đó Tây Ninh về đích trước 3 năm so với cả nước về phổ cập giáo dục THCS), người ta đã chỉ chú trọng lựa chọn số lượng chứ không phải chất lượng đào tạo. Để về đích đúng hoặc trước thời hạn, ngành giáo dục dù muốn hay không cũng phải “đẩy” học sinh lên lớp! Có thể chắc chắn rằng, hiện nay hầu như không có một học sinh THCS nào phải ở lại lớp. Nếu em nào có phải kiểm tra lại vài môn thì chẳng qua cũng chỉ làm chiếu lệ cho đúng quy định mà thôi. Do thực hiện chính sách, chủ trương chung nên chính bản thân thầy cô giáo, kể cả cán bộ quản lý cũng không có toàn quyền để đánh giá học sinh của mình xem các em có đủ điều kiện lên lớp hay không. Một khi nghị quyết đã được ban hành từ Trung ương cho đến địa phương, ngành giáo dục chỉ còn cách “nhất trí cao, miễn bàn!”. Trong những phiên họp hội đồng, họp chuyên môn ở các trường, hiệu trưởng, tổ trưởng thường xuyên phải “quán triệt” giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm: “Mục tiêu lớn nhất là phải duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục. Thầy cô làm sao thì làm, phải nỗ lực tối đa để duy trì sĩ số học sinh, không được để các em bỏ học, còn các em có học được hay không thì… tính sau!”. Cuối năm học, lớp nào có học sinh bỏ học hoặc thi lại nhiều thì chính giáo viên chủ nhiệm và có khi cả giáo viên bộ môn phải lãnh hậu quả bằng cách trừ điểm thi đua. Điểm thi đua thấp thì giáo viên thiệt thòi đủ đường, đó là còn chưa nói đến nguy cơ bị đổi đi trường khác! Những quy định hành chính có tính chất cưỡng bức, duy ý chí như thế khiến cho những giáo viên tâm huyết, chính trực cuối cùng cũng phải buông xuôi kiểu “người ta sao, mình vậy”. Tại một cuộc hội thảo về đánh giá kết quả giáo dục trong nhà trường phổ thông được tổ chức tại Tây Ninh cách nay ít hôm, nhiều chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực tâm lý giáo dục cũng đề cập đến thực trạng vừa nêu.

Nói cho công bằng, chất lượng học sinh thấp không phải chỉ do lối phổ cập giáo dục theo kiểu “tiến nhanh, tiến mạnh cho bằng được” gây ra. Thật khó để đưa ra con số chính xác nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là nhiều giáo viên rất yếu chuyên môn- nói thô thiển một tý là không có năng lực giảng dạy hoặc không đủ trình độ để dạy. Cứ nhìn điểm thi vào Trường Sư phạm là biết ngay chất lượng giáo viên. Mỗi môn thi tuyển đầu vào chỉ đạt được vài điểm, sau 3 - 4 năm học là trở thành thầy dạy của bao thế hệ học trò. Có một thời gian dài đã qua, trường sư phạm còn tuyển cả học sinh mới hết lớp 9 để đào tạo cấp tốc làm giáo viên. Thậm chí có năm trường sư phạm chỉ tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển, khỏi cần thi. Có lẽ trên thế giới hiếm có quốc gia nào lại dễ dãi trong đào tạo giáo viên như ở Việt Nam. Và hệ quả kéo theo, không nói ai cũng hiểu!

HOÀI PHƯƠNG