Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Từ cộng tác viên đến... cộng tác viên
Thứ bảy: 00:14 ngày 05/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Gần 30 năm trước, tôi từng là cộng tác viên (CTV) thường xuyên của Báo Tây Ninh. Gần một năm nay, tôi lại tiếp tục làm CTV thân thiết của bổn báo. Đọc đến đây chắc nhiều người không khỏi thắc mắc, điều gì đã khiến tôi làm CTV thường xuyên, rồi một vòng… gần 30 năm sau, khi mà “tay yếu, chân run, mắt mờ” lại trở về “ điểm xuất phát”?

Cố Tổng Biên tập Nguyễn Đức Tâm trò chuyện với PV, CTV. Ảnh: Tư liệu

Thưa rằng, từ trước đến nay tôi chưa hề ngoảnh mặt, quay lưng với tờ báo tỉnh nhà. Sở dĩ có một khoảng thời gian dài tôi “không” làm CTV nữa, vì tôi đã trở thành phóng viên chính thức của tờ báo địa phương. Trong gần 30 năm làm CTV, rồi phóng viên, giờ trở về vị trí CTV, tôi có biết bao nhiêu là kỷ niệm buồn vui với nghề cầm bút. Nhưng những kỷ niệm buồn tôi mau quên, chỉ nhớ những kỷ niệm vui vui.

Kỷ niệm vui và nhớ nhất trong cuộc đời làm báo của tôi là viết về một gia đình người Khmer ở xã Hoà Hiệp (Tân Biên) hiến đất xây trường học. Lúc ấy, tôi hoàn toàn không biết gì về gương điển hình này. Lần đó, tôi cùng với nhà báo Vũ Hoàng Trương (anh đã qua đời cách nay vài tháng) đến xã Hoà Hiệp để tìm hiểu một nữ dũng sĩ diệt Mỹ. Nhưng khi trao đổi với chính quyền địa phương, lãnh đạo ở đây đề nghị chúng tôi không nên viết bài về nhân vật này.

Hai anh em cất công đi mấy chục cây số từ cơ quan đến Hoà Hiệp, chẳng lẽ lại về không, chúng tôi hỏi lãnh đạo xã xem địa phương có gương điển hình nào giới thiệu cho chúng tôi viết bài. Được chính quyền địa phương giúp đỡ giới thiệu gia đình bà Mon Thêm, dân tộc Khmer hiến hơn 40 cao đất (4.000m2) xây trường. Thế là chúng tôi có bài về gương người tốt việc tốt.

Thật bất ngờ, khoảng một tuần, sau khi báo đăng bài viết về gia đình bà Mon Thêm hiến đất, Văn phòng Chủ tịch nước có thư gửi cho Tổng Biên tập báo (lúc ấy cố nhà báo Nguyễn Đức Tâm làm Tổng Biên tập) và UBND tỉnh đề nghị xác minh lại tính chính xác của bài báo để Chủ tịch nước khen thưởng.

Tất nhiên là báo viết đúng sự thật và Chủ tịch nước đã gửi thư khen và quà tặng cho gia đình bà Mon Thêm. Nhân kỷ niệm ngày thành lập Báo Tây Ninh, tôi xin thắp nén nhang lòng cho đồng nghiệp Vũ Hoàng Trương, người đã đồng hành cùng tôi đến Hoà Hiệp và giúp cho tờ báo tỉnh lẻ của mình được Văn phòng Chủ tịch nước chú ý.

Do “tay ngang” làm báo, hồi ấy chưa có máy chụp hình kỹ thuật số như bây giờ, phải chụp máy cơ (máy chụp phim), nên tôi rất lo khi phải chụp hình lãnh đạo. Có lần tôi được phân công dự đưa tin Bí thư Tỉnh uỷ đi bầu cử Quốc hội.

Khi ấy, đồng chí Nguyễn Thị Minh làm Bí thư Tỉnh uỷ (nhiều người thường gọi là cô Tư). Điểm bầu cử được tổ chức tại một trường tiểu học. Thùng phiếu đặt ở hành lang trường. Muốn chụp ảnh người bỏ phiếu phải đứng từ ngoài sân trường chụp vào. Khổ nỗi sáng hôm ấy trời mưa. Đã đến giờ bỏ phiếu, trong khi tôi đang lúng túng chưa biết xử lý tình huống như thế nào thì đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã đến thùng bỏ phiếu. Không còn cách nào khác, tôi đưa máy lên chụp đại.

Vừa bỏ phiếu xong, Bí thư Tỉnh uỷ vội vã ra xe tiếp tục đi công tác. Do máy cơ không thể xem hình vừa chụp liền như máy kỹ thuật số, nhưng đoán biết là hình không đạt, sau một thoáng lưỡng lự, tôi mạnh dạn chạy theo Bí thư Tỉnh uỷ, vừa chạy vừa gọi “Cô Tư” , “Cô Tư cứu con với” và xin phép dựng lại cảnh Bí thư Tỉnh uỷ bỏ phiếu để chụp lại. Nhờ vậy mà hình mới đạt yêu cầu. Ngày nay, chụp hình bằng máy kỹ thuật số thuận lợi hơn trước đây rất nhiều. Vậy mà không ít phóng viên trẻ còn ngại chụp hình nhiều, có khi hình ảnh không đạt làm cho người biên tập khó xử lý.

Nhớ lại có lần tôi tìm hiểu viết bài về gương điển hình trong công tác. Người tốt này là con một liệt sĩ. Khi hỏi về năm sinh của anh thì anh bảo sinh năm 1964. Khi hỏi về năm hy sinh của ba anh, anh cho biết hy sinh năm 1962. Tôi hỏi đi hỏi lại mấy lần anh cũng nói như vậy. Vì sao có chuyện lạ là cha anh hy sinh 2 năm, con mới sinh ra đời? Nhưng đúng anh là con liệt sĩ.

Thì ra khi làm giấy khai sinh anh đã hạ xuống 2 năm. Thực tế anh sinh năm 1962, cũng là năm cha anh hy sinh. Để khỏi gây thắc mắc cho người đọc, trong bài viết  tôi không nhắc gì đến năm hy sinh của cha anh. Mới đây trên báo mạng có đưa tin trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, người được trao sinh năm 1962! Còn trên báo in viết một khu di tích rộng gần 200km2 thuộc ấp... xã....

Trong khi toàn bộ diện tích của xã đó chỉ rộng hơn 58km2. Nói lên điều này để nhắc các bạn trẻ viết báo cần cẩn trọng, chú ý tính hợp lý về thời gian, không gian. Tránh trường hợp nghe người ta nói, hoặc đọc tài liệu thấy số liệu như thế nào lại “trung thành” sao chép lại mà không kiểm chứng...

Cố PV Hoàng Trương trong một lần tác nghiệp ở vùng sâu. Ảnh: Đ.H.T

Nhờ làm báo, dù là báo tỉnh lẻ, tôi có điều kiện được đi nhiều nơi trong nước, được quen biết nhiều người, từ quan chức đến thường dân. Nhờ quanh năm, suốt tháng “cặm cụi” làm báo, có thu nhập tốt mà cuộc sống gia đình tôi ổn định, con cái học hành nên người. Giờ tôi thật sự thanh thản khi nghỉ hưu.

Cảm ơn các bậc tiền bối đã có công sáng lập Báo Tây Ninh; các bậc cha chú, anh chị đồng nghiệp đi trước đã giúp tôi trưởng thành trong nghề làm báo. Nay dù đã hưu trí, nhưng ngày nào còn sức khoẻ, trí óc còn minh mẫn tôi vẫn còn tham gia viết báo. Dù là phóng viên hay CTV, tôi vẫn luôn cẩn trọng trong lúc viết, để hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót không mong muốn.

N.H

Tin cùng chuyên mục