Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tủ đựng công cụ hỗ trợ-Giải Nhì Hội thi sáng kiến cải tiến mô hình học cụ đồ dùng huấn luyện năm 2020 của Bộ CHQS tỉnh 

Cập nhật ngày: 20/11/2020 - 20:51

BTNO - Tổng chi phí thiết kế 1 cái tủ đựng công cụ hỗ trợ khoảng 2,5 triệu đồng. Với sự tiện ích trong sử dụng và bảo quản, sáng kiến cải tiến tủ đựng công cụ hỗ trợ của Thượng uý Đỗ Minh Hải đạt giải Nhì tại Hội thi sáng kiến cải tiến mô hình học cụ đồ dùng huấn luyện năm 2020 của Bộ CHQS tỉnh.

Thượng uý Đỗ Minh Hải–tác giả sáng kiến, cải tiến đủ đựng công cụ hỗ trợ.

“Trước đây, các công cụ hỗ trợ chủ yếu được cất giữ trong kho, trên 1 cái giá sắt. Việc cất giữ như vậy không bảo đảm. Sau đó, Bộ CHQS tỉnh cấp về cho mỗi phường, xã, thị trấn 1 tủ sắt để cất giữ tất cả công cụ hỗ trợ.

Tuy nhiên, qua sắp xếp, tôi nhận thấy tủ thiết kế chưa phù hợp dẫn đến khó khăn trong việc cấp phát và quản lý. Đa số các công cụ đều bằng nhựa, nếu xếp chồng lên nhau sẽ công vênh, không còn sử dụng được.

Từ đó tôi có ý tưởng thiết kế lại tủ, khắc phục nhược điểm hiện tại, vừa giúp cấp phát nhanh vừa bảo đảm chất lượng các công cụ hỗ trợ được lâu dài”, Thượng úy Đỗ Minh Hải - nhân viên quân khí của Ban CHQS thành phố Tây Ninh, tác giả thiết kế, cải tiến tủ đựng công cụ hỗ trợ cho biết.

Với chiếc tủ cũ có 3 ngăn ngang, dù sắp như thế nào, các đồ vật bắt buộc vẫn phải chồng lên nhau. Việc sắp xếp cũng phải tính toán cho hợp lý mới đủ diện tích chứa, như: ngăn thứ nhất xếp nón; ngăn thứ hai xếp ốp bảo vệ tay – chân, dùi cui điện, dùi cui sắt, máy bộ đàm, khoá số 8; ngăn thứ ba xếp áo giáp nằm chồng lên lá chắn, dùi cui cao su, găng tay bắt dao.

Để có thể bày trí dụng cụ ngay ngắn, thứ tự, đầu tiên, Thượng uý cắt bỏ hẳn 2 kệ bên trong. Sau đó, hàn 1 ngăn khác vào cao hơn kệ cũ để chứa mũ.

Ở ngăn thứ 2, anh thiết kế phía trên trong vách: 1 giàn móc treo để treo khoá số 8; 2 kệ để đèn pin, máy bộ đàm, dây lưng to, bình đựng nước uống; 1 nẹp để cố định ốp bảo vệ chân.

Phía trên là thanh treo hình chữ U gồm 10 thanh treo để treo áo chống đâm, băng tuần tra, dùi cui cao su, dùi cui thép. Ở giữa hai thanh chữ U là lá chắn; phía dưới giữa hai lá chắn được để ốp bảo vệ tay.

Một điểm sáng tạo khác, Thượng uý Đỗ Minh Hải thiết kế chiếc tủ đựng súng ngắn bắn đạn cao su. Tủ đựng súng có thể chứa được 4 khẩu súng ngắn bắn đạn cao su (kể cả hộp đựng của nhà sản xuất) hoặc 5 cây roi điện. Tủ có khoá, chỉ có Tiểu đội trưởng được giữ, nhằm bảo đảm tính an toàn, vừa quản lý được công cụ.

Do diện tích của tủ chứa công cụ hỗ trợ nhỏ, phải chứa nhiều đồ vật, nên khi lắp thêm 1 tủ đựng súng ngắn bên trong là điều không dễ tính toán.

“Cái khó ở đây là tủ phải có cửa, nhưng nếu cửa mở ngang ra hoặc mở lên lại đụng các công cụ khác. Do đó, chỉ còn một cách là cho cửa tủ trượt xuống khi mở và đẩy lên để khoá. Tuy nhiên, làm thể nào để đẩy lên, cửa không tuột xuống lại rất khó. Tìm nhiều cách không được, tôi mới nghĩ ra việc dùng nam châm vĩnh cửu và lẫy cửa tủ hồ sơ để gắn vào”, Thượng uý Đỗ Minh Hải cho biết.

Theo quy định biên chế sử dụng công cụ hỗ trợ, các chiến sĩ dùng dùi cui cao su; Tổ trưởng dùng dùi cui sắt và Tiểu đội trưởng dùng dùi cui điện (roi điện).

Do biên chế khác nhau, nên khi bố trí công cụ được sắp xếp theo tổ. Mỗi tủ chứa 10 bộ công cụ hỗ trợ được chia thành 3 tổ theo thứ tự: 2 chiến sĩ rồi đến 1 Tổ trưởng. Với cách bố trí này, khi sử dụng, các chiến sĩ sẽ lấy dụng cụ theo thứ tự từ trái qua phải, từ chiến sĩ đến Tổ trưởng và người cuối cùng là Tiểu đội trưởng. 

Tủ đựng súng ngắn và các công cụ hỗ trợ được sắp xếp ngay ngắn, thứ tự bên trong tủ.

Tổng chi phí thiết kế 1 cái tủ đựng công cụ hỗ trợ khoảng 2,5 triệu đồng. Với sự tiện ích trong sử dụng và bảo quản, sáng kiến cải tiến tủ đựng công cụ hỗ trợ của Thượng uý Đỗ Minh Hải đã đạt giải Nhì tại Hội thi sáng kiến cải tiến mô hình học cụ đồ dùng huấn luyện năm 2020 của Bộ CHQS tỉnh.

“Trước đây, mỗi khi cấp phát cũng như cất giữ công cụ hỗ trợ, anh em phải mất nhiều thời gian. Nhưng từ khi Thượng uý Đỗ Minh Hải có ý tưởng thiết kế lại tủ, đã khắc phục tất cả bất tiện đó, tạo thuận lợi cho anh em cấp Trung đội, Tiểu đội trong quản lý, giữ gìn công cụ hỗ trợ. Hội đồng sáng kiến của tỉnh đã công nhận đây là sáng kiến của Ban CHQS thành phố Tây Ninh.

Hiện tại, chúng tôi đang làm thủ tục để tham dự Hội thi sáng kiến cải tiến mô hình học cụ, đồ dùng huấn luyện năm 2020 cấp Quân khu. Còn về địa phương, chúng tôi đang cho triển khai mẫu thiết kế tủ này về các xã, phường trên địa bàn thành phố để sản xuất và đưa vào sử dụng đồng bộ”, Thượng tá Nguyễn Thành Đạt– Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố Tây Ninh cho biết.

N.D


Liên kết hữu ích