BAOTAYNINH.VN trên Google News

HTX trong giai đoạn xây dựng nông nghiệp công nghệ cao:

Tư duy phải mới 

Cập nhật ngày: 17/05/2017 - 04:00

BTNO - Thời gian qua, nông dân luôn “kêu ca” vấn đề không có đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp- trong đó có sản phẩm rau an toàn (RAT). Các ngành chức năng tỉnh đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ nông dân tìm thị trường tiêu thụ, nhưng tình hình vẫn chưa khả quan. Một trong những nguyên nhân là phía nhà nông chưa cung cấp sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Dù được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap từ năm 2013, nhưng đến nay ông Nguyễn Văn Ron- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX rau toàn Rỗng Tượng vẫn không dám ký kết cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp do quy mô sản xuất nhỏ.

SẢN PHẨM CHƯA ÐA DẠNG

Theo ông Nguyễn Văn Ron- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất RAT Rỗng Tượng (xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu), HTX được thành lập vào cuối năm 2009, đến năm 2013 được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận VietGAP. Hiện HTX có 10 thành viên, tham gia sản xuất trên diện tích 4 ha, sản lượng đạt bình quân 25 tấn/ha.

Từ khi thành lập đến cuối năm 2015, HTX sản xuất rau theo quy định, nhưng sản phẩm gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Năm 2016, HTX được UBND huyện Gò Dầu hỗ trợ một điểm kinh doanh RAT tại xã Phước Ðông. Sau đó, UBND huyện tiếp tục hỗ trợ cho HTX một điểm bán hàng tại thị trấn Gò Dầu, HTX chi hơn 100 triệu đồng để sửa chữa cửa hàng và đầu tư trang thiết bị phục vụ kinh doanh. 

Sau khi đưa vào hoạt động, bình quân mỗi ngày, tại hai điểm bán RAT, HTX tiêu thụ được khoảng 15kg rau ăn lá, 30kg rau ăn trái. Thế nhưng, hiện tại cả hai cửa hàng trên phải tạm thời ngưng hoạt động, do HTX không sản xuất được nhiều chủng loại rau để cung cấp ra thị trường. Cũng chính vì thế, HTX cũng không dám mạnh dạn ký hợp đồng với doanh nghiệp để cung cấp sản phẩm.

HTX đã có ý định liên kết với các HTX chuyên sản xuất RAT khác để hỗ trợ nhau, bảo đảm đầy đủ chủng loại cung ứng cho thị trường và cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Tuy nhiên, ý định trên đang “vấp” phải nhiều khó khăn- nhất là nguồn lực tài chính.

Ở huyện Hoà Thành, HTX RAT Long Mỹ (xã Long Thành Bắc) thời gian qua được UBND huyện hỗ trợ một cửa hàng bán RAT tại chợ Long Hoa, nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả, cũng do không có đủ nguồn hàng để cung cấp cho thị trường. Dù vậy, HTX này đã mở rộng quy mô sản xuất RAT với mong muốn ngành chức năng hỗ trợ đầu tư.

Người dân tìm mua sản phẩm tại cửa hàng của HTX RAT Long Mỹ chợ Long Hoa, huyện Hoà Thành.

PHẢI THAY ÐỔI TƯ DUY

Theo ông Lê Thành Công- Giám đốc Sở Công Thương, để chủ động đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, ngoài sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ngành chức năng, ngay chính người nông dân phải thay đổi tư duy trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, sản xuất RAT. Nông dân cần liên kết với nhau để có thể đáp ứng đầy đủ điều kiện khi ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp. Hiện nay, chưa có HTX hay tổ liên kết nào trong tỉnh có khả năng bảo đảm sản phẩm khi ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp.

Ông Công cho rằng, vấn đề cần đặt ra là người nông dân cần sản xuất cái gì để có hiệu quả, có thể tồn tại được trong nền kinh tế thị trường. Còn các HTX nông nghiệp thì cần tìm hiểu xem thị trường cần cái gì để tổ chức cho nông dân sản xuất, đồng thời phải có dịch vụ đáp ứng cho thị trường đó. Ðó mới là HTX kiểu mới.

Ông Lê Thành Công - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, mới đây, Sở đã giới thiệu 6 HTX sản xuất nông sản của tỉnh cho Liên minh HTX Sài Gòn Co.opMart. Theo đó, Co.opMart sẽ hỗ trợ các HTX về quy trình sản xuất, giống… theo tiêu chuẩn Co.opMart đưa ra và tiến tới ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các HTX trên.

Thời gian qua, Sở Công Thương cũng đã nỗ lực trong việc tìm đầu ra sản phẩm cho các HTX nông nghiệp trong tỉnh. Sở cam kết sẽ bảo đảm kết nối cung cầu, thông qua các chương trình hợp tác của tỉnh với thành phố Hồ Chí Minh. Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cam kết, bất cứ sản phẩm nông nghiệp nào có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP của Tây Ninh đưa xuống, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ đưa sản phẩm vào các siêu thị, chợ đầu mối nhà hàng… Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu rằng, Sở Công Thương chỉ có nhiệm vụ  kết nối cung cầu, còn sản xuất cái gì, chất lượng sản phẩm ra sao, sản lượng như thế nào… thuộc trách nhiệm của những HTX.

Thời gian qua, những chương trình kết nối cung cầu được tổ chức hằng năm tại thành phố Hồ Chí Minh, các HTX nông nghiệp trong tỉnh được mời, nhưng lại rất ít tham gia. Từ đó, nhiều HTX không nắm được nhu cầu của thị trường để tổ chức sản xuất, cung ứng cho phù hợp, hiệu quả. Vẫn theo ông Công, có thể nhiều HTX nông nghiệp trong tỉnh không nghĩ đến việc mở rộng thị trường, kết nối cung cầu. Nếu tích tực tham gia vào các chương trình kết nối cung cầu, các HTX nông nghiệp sẽ có dịp tiếp cận các doanh nghiệp, hình thành những mối quan hệ để có thể chào bán sản phẩm của mình, mở rộng quy mô sản xuất.

Thu mua nông sản.

Ðể cải thiện “đầu ra” sản phẩm nông nghiệp, các HTX nông nghiệp của tỉnh cần phải thay đổi tư duy theo hướng tiến bộ hơn mới có thể theo kịp với thị trường. Thành phố Hồ Chí Minh đang tiến tới dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Nếu không truy xuất được nguồn gốc hàng hoá, thì phải chấp nhận bán giá thấp hơn.

Do đó, các HTX nông nghiệp ngay từ bây giờ phải đổi mới sản xuất mới có thể cạnh tranh được với những thành phần kinh tế khác. Ðiển hình, một HTX nông nghiệp sản xuất RAT tại một tỉnh, mỗi xã viên phải có 2 ha đất và vốn, HTX có đội ngũ kỹ thuật, sản xuất theo đơn đặt hàng của các doang nghiệp, siêu thị lớn.

Ðồng thời, HTX quy định cho từng xã viên phải trồng loại rau gì để không bị “dội hàng” và có thể cung cấp hằng ngày cho những đơn vị đặt hàng với đa dạng sản phẩm, chủng loại.

Hiện nay, tỉnh đang xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đang kêu gọi nhà đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản. Sắp tới, hy vọng vấn đề “đầu ra” cho sản phẩm sẽ có hướng giải quyết. Tuy nhiên, để các HTX nông nghiệp trong tỉnh tồn tại và phát triểnthì không chỉ có sự hỗ trợ của nhà nước, mà tự bản thân các HTX phải có sự chuyển đổi- trước tiên là về tư duy sản xuất hàng hoá.

THIÊN TÂM - THANH NHI