BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quy định mang khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm công cộng:

Tự giác cũng nhiều, thờ ơ không ít 

Cập nhật ngày: 18/03/2020 - 00:16

BTN - Theo ghi nhận của Báo Tây Ninh, trong những ngày đầu tiên thực hiện quy định này, bên cạnh những người tự giác chấp hành, không ít người thờ ơ.

Đoàn viên Thành đoàn TP. Tây Ninh tặng và hướng dẫn người dân đeo khẩu trang đúng cách.

Dịch Covid-19 tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để phòng chống dịch lây lan trong cộng đồng, từ ngày 16.3, người dân phải thực hiện ngh,iêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng có tập trung đông người (như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng...). Theo ghi nhận của Báo Tây Ninh, trong những ngày đầu tiên thực hiện quy định này, bên cạnh những người tự giác chấp hành, không ít người thờ ơ.

Bảo vệ cho bản thân là góp phần bảo vệ cộng đồng

Sau gần 3 tháng “sống chung”  với Covid-19, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh tập cho mình thói quen mang khẩu trang khi ra khỏi nhà hoặc đến nơi làm việc. Do đó, đối với họ, quy định bắt buộc mang khẩu trang khi đến nơi công cộng, chỗ đông người là việc bình thường. Không chỉ vậy, họ còn tự trang bị thêm nước sát khuẩn khô để rửa tay.

Trong ngày đầu thực hiện quy định, tại các khu chợ truyền thống, nhiều tiểu thương và người đi chợ đeo khẩu trang khi buôn bán, mua sắm. Bà Nguyễn Thị Thuý Nga (sinh năm 1965)- tiểu thương chợ phường IV (thành phố Tây Ninh) cho biết, từ ngày xảy ra dịch Covid-19, bà luôn được người thân nhắc nhở đeo khẩu trang khi đi ra đường, nơi đông người.

Ở chợ, tiếp xúc nhiều người, bà Nga đặc biệt chú trọng đến việc phòng bệnh bằng cách mang khẩu trang, trao đổi với khách ở khoảng cách nhất định. Mỗi ngày, bà sử dụng 2 chiếc khẩu trang để thay đổi, bảo đảm vệ sinh, đồng thời luôn chuẩn bị sẵn nước sát khuẩn tay. Theo bà Nga, việc đeo khẩu trang nơi đông người là rất cần thiết vì bảo vệ cho bản thân cũng chính là bảo vệ cho cộng đồng.

Tại siêu thị Co.opMart Tây Ninh, trong ngày đầu thực hiện quy định, nhằm bảo đảm an toàn cho khách  hàng, siêu thị đã triển khai chương trình “Chung tay giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cùng Saigon Co.op”. Khách hàng được yêu cầu đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch diệt khuẩn khi vào và ra khỏi siêu thị.

Đồng thời, siêu thị còn khuyến khích khách hàng nên sử dụng dịch vụ đặt hàng qua điện thoại và giao hàng tận nhà để hạn chế đến nơi đông người. Theo ghi nhận, hầu hết khách hàng đến mua sắm tại siêu thị Co.opMart Tây Ninh đều vui vẻ thực hiện quy định. Nhân viên siêu thị nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang trước và trong khi mua sắm tại siêu thị.

Ông Trần Minh Chiến, ngụ phường 3, TP. Tây Ninh cho biết: “Tối 16.3, khi vào khu mua sắm của siêu thị, tôi được nhân viên siêu thị yêu cầu phải mang khẩu trang mới được vào. Tôi khá bất ngờ nhưng thấy đây là một hành động thiết thực và văn minh nên vui vẻ chấp hành”.

Để phòng, chống dịch bệnh, thời gian qua, ông Chiến và người thân luôn mang theo khẩu trang khi đi đến nơi đông người. Theo ông Chiến, việc đeo khẩu trang nơi đông người là trách nhiệm của mỗi người dân. Vì vậy, người dân nên chấp hành tốt quy định này giúp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Trong thời điểm khẩu trang y tế khan hàng và đội giá ngất ngưởng- 340 ngàn đến 400 ngàn đồng/hộp 50 cái, khá nhiều người đã chọn khẩu trang vải thay thế, vừa tiết kiệm lại có thể tái sử dụng nhiều lần. Một tiểu thương bán khẩu trang trong chợ phường IV cho biết, trong thời gian gần đây, khẩu trang vải được khách tìm mua nhiều hơn, giá thành vẫn giữ nguyên như cũ, không tăng.

Vẫn còn nhiều người thờ ơ

Bên cạnh những người chấp hành tốt việc đeo khẩu trang, không ít người dân vẫn còn thờ ơ khi không mang khẩu trang nơi công cộng. Họ đưa ra nhiều lý do: “chưa cập nhật kịp thông tin quy định mang khẩu trang nơi công cộng”; “Tây Ninh chưa có ca nhiễm (!?)- nên đeo khẩu trang làm gì?”; “đeo khẩu trang khi ăn uống rất bất tiện và không thoải mái”; “tìm mua khẩu trang y tế rất khó nên hạn chế sử dụng (!?)”…

Điển hình, tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Trãi (thành phố Tây Ninh), chiều 16.3 vẫn tấp nập khách và tất nhiên không ai mang khẩu trang. Anh P.A.N (sinh năm 1982) - chủ quán cho biết, do bận kinh doanh nên anh chưa cập nhật thông tin về việc đeo khẩu trang nơi tập trung đông người. Khi biết được quy định này, anh N. cho biết, quán sẽ lập tức trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn, đồng thời yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc, giao tiếp với khách.

Một trong những địa điểm tập trung đông người nữa là Công viên tượng đài 30.4 ở phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh. Hiện đang vào mùa thả diều nên xế chiều, rất đông người đến vui chơi, thả diều, tập thể dục… Kéo theo đó là một số quầy bán hàng ăn uống, trò chơi để phục vụ người dân đến công viên, trong đó có rất nhiều trẻ em. Từ khi có công viên, những đứa trẻ tại khu vực xung quanh có thêm nơi để vận động, vui chơi.

Chị Phương, một người dân gần đó cho biết, tối nào chị cũng đưa con ra đây để con vận động, giải trí sau một ngày ở suốt trong nhà. Được hỏi có lo lắng khi đưa con đến nơi đông người trong mùa dịch không, chị Phương cho biết có lo nhưng ra công viên cũng không thấy ai mang khẩu trang nên chị cũng không mang cho con, những đứa trẻ không thích mang thường xuyên vì khó chịu.

Chị Vân, một người bán hàng rong trong công viên cho biết, do dịch bệnh nên người ra công viên không còn đông như trước nhưng vẫn buôn bán được. Các hoạt động ngoài công viên vẫn được duy trì mỗi khi đêm về. Chị mong dịch bệnh mau qua để mọi việc lại bình thường như trước.

Công việc buôn bán thường xuyên tiếp xúc đông người nên chị cũng rất lo, song, nghỉ ở nhà thì lại không có thu nhập trang trải cuộc sống, nên vẫn phải chọn cách sống chung với dịch bằng cách luôn đeo khẩu trang. Theo chị, bản thân mỗi người nên tự giác trang bị khẩu trang khi đến nơi đông người để tự phòng bệnh cho bản thân và gia đình. Khi mọi người, mọi nhà đều có ý thức chấp hành tốt thì số ít người kia sẽ trở nên cá biệt và phải thay đổi nhận thức, thực hiện.

Chị Vân cũng như những người sống dựa vào ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Dịch bệnh, lo sợ nhưng không thể đóng cửa, ngưng buôn bán vì ảnh hưởng đến thu nhập hằng ngày. Một chủ quán ăn cho biết, việc mang khẩu trang nên là sự tự giác của mỗi người khi đến các hàng quán, vì người bán, nhân viên phục vụ đều đã tự trang bị cho mình. Các chủ quán không dám “làm căng” vì sợ mất khách.

Hơn nữa, ngành Y tế cũng đã khuyến cáo người dân nên sử dụng khẩu trang để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Công viên tượng đài đông người tập trung vào buổi tối.

Theo đó, người dân nên sử dụng khẩu trang đúng mục đích, yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Đối tượng sử dụng khẩu trang y tế gồm có: cán bộ y tế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm; người chăm sóc hoặc tiếp xúc gần với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, người trong diện cách ly; người đến cơ sở y tế, người thực hiện nhiệm vụ trong vùng có dịch bệnh. Những đối tượng khác có thể dùng các chất liệu khẩu trang khác để thay thế.

Khẩu trang y tế phải được đeo đúng cách mới có tác dụng phòng, chống dịch bệnh. Khẩu trang y tế chỉ dùng 1 lần; đeo mặt màu (xanh, xám) ra ngoài, mặt trắng vào trong, kẹp nhôm hướng lên trên, ấn kẹp nhôm ôm sát vào sống mũi che kín cả mũi, miệng; không sờ tay vào bề mặt khẩu trang trong suốt thời gian đeo; tháo khẩu trang bằng cách cầm vào dây đeo rồi bỏ ngay vào thùng rác; sau khi tháo khẩu trang phải rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng nước rửa tay có cồn.

Các loại khẩu trang khác dùng cho người khoẻ mạnh, không có các dấu hiệu bệnh về đường hô hấp như sốt, ho, khó thở, chảy nước mũi… khi đến các khu vực tập trung đông người như bến xe, nhà ga, sân bay, siêu thị… Khi đeo khẩu trang vải cần che kín cả mũi, miệng; không sờ tay vào bề mặt khẩu trang trong suốt thời gian đeo; chỉ cầm vào dây đeo khi tháo khẩu trang; giặt khẩu trang hằng ngày bằng xà phòng để sử dụng cho lần sau.

Lê Thuỳ - Ngọc Bích