Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Từ góc sân nhà họ Dương làng Ninh Thạnh
Thứ tư: 16:22 ngày 26/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đấy là nơi có ngôi nhà xưa của cụ Dương Minh Đặng. Cụ là người thầy giáo có tiếng là mẫu mực và tấm lòng trắc ẩn với người nghèo.

Có thể cụ Dương Minh Đặng không nổi tiếng như cụ Trần Văn Giảng, cũng là một nhà giáo Tây Ninh, từng được suy tôn là “Linh Sơn phu tử”, từng được cả chính phủ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại lẫn hoàng gia Cambodia tặng huân chương; nhưng tên cụ lại được chọn đặt tên đường từ năm 1955.

Đấy là đường Dương Minh Đặng, kéo dài từ cầu Quan cho tới ngã ba đài anh hùng liệt sĩ ngày nay. Dưới thời Pháp thuộc, đường ấy mang tên là đường Địa hạt số 4. Còn ngày nay, đường này được đặt lại, thuộc vào đường Trần Hưng Đạo.

Cho tới nay, không có tài liệu, sách sử nào viết về cụ Dương Minh Đặng. Phần vì cụ mất sớm khi mới 44 tuổi; phần vì sau này các con cháu của cụ có nhiều người tham gia cách mạng. Trong số đó, nổi tiếng nhất là người con út- Anh hùng liệt sĩ Dương Minh Châu mà người Tây Ninh đều đã biết. Tên ông đã được đặt cho một vùng căn cứ địa nổi tiếng là Căn cứ Dương Minh Châu trong cả hai thời kháng chiến, nay là huyện Dương Minh Châu.

Ngay gia phả dòng họ Dương làng Ninh Thạnh (nay là phường 1, thành phố Tây Ninh) cũng chỉ có mấy dòng vắn tắt như sau: “Cụ Dương Minh Đặng- nhà giáo yêu nước/ Sinh năm 1878/ Nguyên quán xã Ninh Thạnh, huyện Châu Thành, Tây Ninh/ Từ trần ngày 29 tháng 01 âl (năm 1922)/…

Cụ Dương Minh Đặng là một nhà giáo yêu nước. Làm việc tận tuỵ có tài dạy rất giỏi. Ông sống thanh liêm, có đạo lý biết thương người, cung cách cư xử có tình nghĩa (có trước có sau). Ông được mọi người trong gia đình, xóm làng trong tỉnh quý mến, kính trọng, được các thế hệ học trò tôn vinh…

Đối với gia đình, ông dày công dạy dỗ con cháu mình có tấm lòng nhân ái, giữ kỷ cương phép nước, biết thương yêu mọi người, ra sức học tập để trở thành người có ích cho xã hội và cho đất nước. Nhờ đó mà con cháu họ Dương tồn tại và phát triển tốt đẹp…”.

Vợ cụ Dương Minh Đặng là bà Trần Thị Búp (1877- 1932). Gia phả chép: “Bà xuất thân trong một gia đình khá giả có học vấn. Bà rất thương chồng thương con, nguồn sống chính dựa vào đồng lương ít ỏi của ông cụ.

Bà sống với sức lao động của chính mình, cần cù làm vườn, nuôi học trò để tăng thêm thu nhập nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Bà là người có công rất lớn trong gia đình, dành cho tất cả con cháu một tình thương mênh mông…”.

Ông bà Dương Minh Đặng có 8 người con. Tất cả họ đều trưởng thành, đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước. Cụ Dương Minh Đặng là con trưởng của cụ Dương Văn Quới và Trần Thị Hoạnh, từ miền Trung vào khai hoang lập nghiệp tại làng Ninh Thạnh. Cụ Quới mất năm 1914, cụ Hoạnh mất năm 1915.

Như vậy, bà Trần Thị Búp không chỉ chăm sóc cho chồng và 8 người con, mà còn là dâu trưởng chăm lo phụng dưỡng ông bà. Thật là một việc quá sức người, nhất là khi đất nước còn bị giày xéo dưới gót giày thực dân và phong kiến.

Trong điều kiện ngặt nghèo ấy, nhà giáo thanh bần Dương Minh Đặng vẫn giữ tròn một nhân cách lớn lao. Cụ mất đã lâu, nhưng trước năm 1975, người ta vẫn còn thấy những nhóm học trò cũ đến viếng thầy vào ngày mùng 3 Tết. Họ đều là những ông bà sức yếu, tuổi cao hơn cả tuổi thầy lúc sinh thời.

Ngôi nhà của cụ Đặng nay nằm trong hẻm số 9 đường Trần Hưng Đạo đã không còn nữa. Giặc pháp đã đốt ngay sau ngày chúng tái chiếm Tây Ninh (8.11.1945). Đây cũng là tình trạng chung của những gia đình có con em tham gia kháng chiến chống thực dân.

Như gia đình cụ Lâm Văn Vĩnh ở Thanh Điền có con là Lâm Thái Hoà tham gia cướp chính quyền ở Tây Ninh ngày 25.8.1945. Gia đình cụ Dương Minh Đặng, ngoài con út Dương Minh Châu còn có rất nhiều người sớm hoà mình vào dòng chảy của Cách mạng tháng Tám.

Theo một thống kê của gia đình họ Dương, cả nhà chưa tới 50 người nhưng đã có tới 34 người tham gia cướp chính quyền từ tay Nhật - Pháp rồi tham gia kháng chiến. Nhà bị đốt, chỉ còn trơ lại cái nền nhà. Sau này, con cháu đã xây lên trên cái nền ấy một ngôi nhà 3 gian, mái ngói tường xây, có lẽ cũng “phỏng theo” hình dáng của nhà xưa.

Vậy nên vẫn có một khoảng sân và một khoảng vườn phía trước. Vườn cũng có một hàng cau theo kiểu “trước cau sau chuối” của vùng miền Bắc, miền Trung. Một chiếc hồ nhỏ lút dưới cỏ cây làm nơi cho lênh đênh hoa súng nở.

Có lẽ vẫn còn thiếu cái gì đó, như một bức tường thấp ngăn giữa sân vườn, hoặc một tấm tường bình phong có cái hồ nhỏ với hòn non bộ tựa vào như ta thường thấy ở những ngôi nhà cổ miền Trung. Nhưng cũng có vài cái mới như vài bộ bàn ghế xi măng đặt ở trong vườn, đặc biệt là có thêm một bụi cây sanh, rất có thể sẽ như một biểu tượng của dòng họ Dương. Bụi cây ấy rất sum suê, với vô số thân gốc đủ dáng hình quần tụ bên nhau. Chỉ một cây mà tưởng thấy một rừng.

Ở cuối sân vẫn còn một góc vườn um tùm cây lá. Có một ngôi nhà tưởng niệm gia tộc họ Dương, như ẩn hiện dưới rừng cây. Cửa chỉ khép hờ không khoá. Ngay trước mặt là ban thờ với đủ bình bông, đĩa trái cây tươi tắn mỗi ngày.

Trên bức tường sau ban thờ là tấm phù điêu đá mài gắn đủ chân dung các cụ trong gia tộc họ Dương của làng xưa Ninh Thạnh. Thật ngạc nhiên, không chỉ có những nhân vật tên tuổi đã vang danh như Dương Minh Đặng, Dương Minh Châu. Mà còn có các vị như Quốc biểu và Dương Văn Kim.

Theo Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh thì: “Quốc biểu Nguyễn Cư Hiến đã lập nên văn đàn Quốc biểu vào năm 1923” và thầy giáo Dương Văn Kim có tham gia văn đàn tiền bối ấy. Trên tấm phù điêu này còn có tên ông Dương Minh Huê, cũng là một tên tuổi trong số các chiến sĩ cách mạng Tây Ninh ngay những năm đầu kháng chiến chống Pháp.

Ngoài ra còn có các vị như Dương Thị Ngọc, Dương Văn Sỹ, Dương Văn Thời, Dương Văn Thạch. Họ đều là những người con của ông bà Dương Minh Đặng. Vậy là họ đã từng tập lẫy tập bò, rồi lớn lên, nhảy nhót, vui chơi ở góc sân này mà lớn lên.

Nói theo nhà thơ Trần Đăng Khoa- tác giả tập thơ "Góc sân và khoảng trời", thì ai cũng có một góc sân và khoảng trời thời thơ ấu. Nơi ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn để họ trưởng thành, đem tài năng ra giúp xã hội và đất nước. Những năm đầu thế kỷ 20, đường tỉnh lộ 4 còn thông thoáng, ít cửa nhà. Từ góc sân này, khoảng trời ấy chắc có bóng núi Bà lồng lộng giữa cao xanh.

TRẦN VŨ

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục