BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tự hào một dải biên cương 

Cập nhật ngày: 30/03/2024 - 13:09

Mảnh đất biên giới Tây Ninh gian lao mà anh dũng, cũng là vùng đất xinh tươi, màu mỡ thích hợp du lịch và phát triển nông nghiệp xanh-sạch-bền vững. Trong những năm kháng chiến và bảo vệ biên giới, Tây Ninh được xem là tiền đồn của Đông Nam Bộ thì trong phát triển kinh tế xanh hiện nay, Tây Ninh là vùng đất đầy tiềm năng…

Một góc thành phố Tây Ninh. (Ảnh: ĐỨC AN)

Một thời khói lửa

Theo Lịch sử Đảng bộ Tây Ninh, thời điểm Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Tây Ninh thành công (25/8/1945), Đảng bộ Tây Ninh chỉ với 25 đảng viên đã đoàn kết, chấp hành nghiêm Chỉ thị của Xứ ủy, tập hợp được đông đảo các tầng lớp quần chúng, đứng lên giành chính quyền từ phát-xít Nhật.

Khi thực dân Pháp kéo từ Sài Gòn lên Tây Ninh, sau phát súng đầu tiên ở địa danh Suối Sâu, ngày 1/2/1946, dưới cờ đỏ sao vàng, 27 chiến sĩ cách mạng trang nghiêm đọc lời thề: “Độc lập hay là chết!”. Sau đó, họ đã gia nhập vào Đại đội 3, Chi đội 12 (thuộc Khu bộ 7, nay là Quân khu 7), trở thành đơn vị chủ lực của tỉnh Tây Ninh về sau.

Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1960), chính quyền Ngô Đình Diệm với những âm mưu thủ đoạn thâm độc nhất, ra sức đàn áp các lực lượng yêu nước. Nhưng tinh thần Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1/1959) đã mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên bằng chiến thắng Tua Hai-Tây Ninh (26/1/1960), khởi đầu cho phong trào Đồng Khởi vũ trang khắp Nam Bộ. Từ “phát súng lệnh” là chiến thắng Tua Hai, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Nam Bộ, cuối năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam ra đời, cả miền nam vùng lên dưới ngọn cờ Mặt trận nửa trên mầu đỏ, nửa dưới mầu xanh, ngôi sao vàng ở giữa.

Đồng chí Lê Thị Bân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh đã viết: Với ý nghĩa và tầm vóc lịch sử lớn lao của Căn cứ Trung ương Cục miền nam, trong những năm chiến tranh ác liệt, dù phải chịu đựng gian khổ hy sinh, thiếu thốn trăm bề, song quân dân Tây Ninh luôn đùm bọc, chở che, huy động sức người sức của, vận chuyển vũ khí đạn dược, thuốc men, chăm sóc thương binh, cung cấp lương thực… cho các lực lượng đứng chân tại Căn cứ Trung ương Cục miền nam. Người dân Tây Ninh cơm ăn chưa no, áo mặc chưa ấm, nhưng quyết không để cán bộ, chiến sĩ ở căn cứ ăn đói, mặc rách…

Tháng 10/1961, Hội nghị lần thứ I chính thức thành lập Trung ương Cục miền nam. Lễ công bố quyết định được tổ chức tại Mã Đà-chiến khu D. Ban đầu, khu căn cứ của các cơ quan Trung ương Cục đóng ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục, dần dần hình thành các ban, ngành, đoàn thể chung quanh Trung ương Cục như Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức, Ban An ninh, Mặt trận, Ban Thanh vận, Ban Dân y…

Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Sài Gòn cũng biết Trung ương Cục miền nam đóng căn cứ trên vùng bắc Tây Ninh chính là cơ quan đầu não của cách mạng miền nam, nên đã nhiều lần tổ chức hành quân càn quét để “tìm và diệt”. Trong đó, lớn nhất là cuộc hành quân Junction City được Mỹ huy động đến hơn 3 sư đoàn với hơn 45.000 quân.

Sau khi bị loại khỏi vòng chiến đấu 14.235 tên, bị phá hủy 992 xe (có 775 tăng, thiết giáp) và 112 pháo, cối, 160 máy bay, Mỹ phải rút quân, Trung ương Cục miền nam vẫn bảo toàn được lực lượng, giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng miền nam.

Những năm gần đây, Tây Ninh được xem là điểm đến được nhiều người yêu thích bởi có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các khu du lịch sinh thái, tâm linh.

Vươn lên từ hai bàn tay trắng

Sau ngày 30/4/1975, thực tế Tây Ninh đã mất gần 5 năm không có hòa bình trọn vẹn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh cùng một lúc, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cưu mang gần 3 vạn dân Campuchia tị nạn…

Thời kỳ 1975-1985, quân và dân Tây Ninh tập trung vào nhiệm vụ chính là cải tạo, xây dựng và phát triển nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội IV và V của Đảng đề ra, chủ yếu lấy sản xuất lương thực làm nhiệm vụ hàng đầu.

Sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025, toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 3.105 đảng viên, đạt 64,29% mục tiêu nghị quyết đề ra, nâng tỷ lệ đảng viên so với dân số toàn tỉnh lên 3,24% (Nghị quyết đặt mục tiêu đạt 3,4%); riêng 20 xã biên giới kết nạp mới 321 đảng viên, đạt 65,51% mục tiêu Nghị quyết, tỷ lệ đạt 2,18% so với dân số (Nghị quyết đặt mục tiêu đạt 2,1%).

Những năm gần đây, Tây Ninh được xem là điểm đến được nhiều người yêu thích bởi có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các khu du lịch sinh thái, tâm linh. Nổi bật là Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, sông Vàm Cỏ Đông, Căn cứ Trung ương Cục miền nam, Tòa thánh Cao đài Tây Ninh, núi Bà Đen, chùa Linh Sơn Tiên Thạch.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, năm 2023, Tây Ninh tăng trưởng mạnh mẽ về du lịch khi đón hơn 5,1 triệu lượt khách (tăng 13,2% so cùng kỳ, tăng 2% so với kế hoạch); tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 36,5% so với năm 2022, tăng 11% so kế hoạch; doanh thu dịch vụ, lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác đạt 23.022 tỷ đồng, tăng 12,17% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng cao nhất-đạt 12.990 tỷ đồng, tăng 11,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 336,75 tỷ đồng, tăng 30,83%; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 16,35 tỷ đồng, tăng 118,63% so với năm 2022.

Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết: Cơ cấu kinh tế năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020 của Tây Ninh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp xây dựng, dịch vụ chiếm hơn 75% trong GRDP.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2020 của tỉnh tăng 1,5%, đạt 40,1% GRDP, cao nhất từ trước đến nay. Tỉnh thu ngân sách nhà nước năm 2020 lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ đồng, đạt 114% dự toán Trung ương giao và 100,5% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 4,6% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng thu ngân sách hằng năm giai đoạn 2016-2020 tăng 9,9%/năm.

Môi trường đầu tư cải thiện mạnh mẽ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 Tây Ninh xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố cả nước và thứ 3/8 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ nên đã tác động mạnh mẽ đến thu hút đầu tư. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Sungroup, Vingroup, TTC, Công ty CPĐT Xuyên Á, Saigon Co.op... đều có mặt và đầu tư tại Tây Ninh.

Giai đoạn này, tỉnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước đạt 6,284 tỷ USD và 38.572 tỷ đồng. Lũy kế đến năm 2020, toàn tỉnh có 330 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư đạt 7,570 tỷ USD và 565 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 77.302 tỷ đồng.

Giai đoạn 2010-2015, tổng sản phẩm Tây Ninh (GRDP) tăng bình quân hằng năm 10,5%. Năm 2017, GRDP của tỉnh ước đạt 45.600 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt; giai đoạn 2016-2020, GRDP của tỉnh tăng bình quân đạt 7,2%, cao hơn mức bình quân của cả nước (GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.135 USD, cao gấp 1,51 lần so với năm 2015).

Nguồn nhandan