Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tự hào quê núi
Chủ nhật: 18:58 ngày 16/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chúng tôi những người con của núi…

Xin mượn câu thơ của cố nhà thơ dân tộc Giáy Lò Ngân Sủn để nói về chúng tôi - những người sinh ra từ núi, lớn lên nhờ núi và những người ở mọi miền quê khác lên đây lập nghiệp, an cư, coi Lào Cai là quê hương thứ hai của mình.

Tất cả chúng tôi, dù ở thành phần nào trong cộng đồng các dân tộc Lào Cai, đều tự hào là “con của núi”, có chung một tên gọi về miền quê Lào Cai thân thương: Quê núi.

Quê núi chúng tôi có tên từ khi người Pháp thành lập phố cổ Lão Nhai, đến nay đã ở tuổi 110 (1907 - 2017), một chặng đường dài với những thăng trầm, biến đổi, với những mất mát đau thương, với tinh thần quật khởi vùng lên làm chủ mảnh đất này và cùng nhau dựng xây một Lào Cai ngày càng toả sáng giữa đại ngàn Tây Bắc.

Quê núi chúng tôi, rưng rưng nhớ về một thời người dân vẫn truyền câu ca: “Ai đưa ta đến chốn này/Bên kia Cốc Lếu, bên này Lào Cai” để thấy được những hy sinh, mất mát của một thời kỳ tranh đấu gian khổ. Dòng sông Hồng đỏ sắc phù sa từng nhuộm máu đào của biết bao người tham gia cách mạng và người dân lam lũ hiền lành bị thực dân hành hình trên cây cầu Cốc Lếu trong tiếng kêu “giời ơi” xé lòng.

Giai đoạn lịch sử đau thương ấy đã rèn đúc ý chí con người. Đề pô Phố Mới, mỏ Cóc Cam Đường - địa danh mà những người thuộc giai cấp vô sản đầu tiên của Lào Cai đã không chịu áp bức lầm than, nung nấu ngọn lửa cách mạng, để rồi cùng thành lập chi bộ Đảng nông thôn đầu tiên ở khu vực Làng Nhớn (nay thuộc Cam Đường, thành phố Lào Cai).

Có ai ngờ ngay chính nơi kẻ thù đặt Sở Cẩm (sở Cảnh sát) và ráo riết rình mò, bắt bớ những người tham gia cách mạng lại là nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Lào Cai thành lập để lãnh đạo phong trào cách mạng.

Sa Pa - điểm đến hấp dẫn du khách.  Ảnh: Ngọc Bằng.

Lịch sử sang trang mới, nhân dân quê núi yêu nước đi theo ngọn cờ của Đảng lập nên mốc son đỏ thắm: Giải phóng Lào Cai và tiến lên xây dựng quê hương. Kẻ thù lần lượt chuốc lấy thất bại như sự báo ứng của đất trời quê núi: Nhật bại, quân Tưởng cuốn gói về bên kia biên giới, Pháp thua.

Thế nhưng, một bộ phận người dân u mê “theo đóm ăn tàn” nổi phỉ khiến nhiều bản làng vùng cao lại chìm trong tang tóc. Một lần nữa, các dân tộc trong tỉnh đứng lên dẹp nạn thổ phỉ, gọi người lương thiện trở về với bản làng yên ấm.      

Quê núi chúng tôi, 70 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Lào Cai (1947 - 2017), sau 67 năm giải phóng (1950 - 2017) đã thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, làm chủ quê hương, đi lên con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Trong thế kỷ qua, quê núi Lào Cai vinh dự được đón vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong chuyến lên thăm đồng bào các dân tộc Lào Cai (23/9/1958), Người ân cần dặn dò Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh phải đoàn kết, đi lên con đường xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc…  

Lịch sử anh hùng tiếp nối, lớp lớp thanh niên từ quê núi lại tình nguyện nghe theo tiếng gọi của non sông lên đường “xẻ dọc Trường Sơn”, bổ sung cho chiến trường miền Nam “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nước nhà yên tiếng súng chưa lâu, vùng biên cương tiếp tục chìm trong khói đạn do chiến tranh biên giới (2/1979); nhiều công trình công cộng và nhà dân tan hoang, đổ nát; nhiều gia đình phải ly tán. Một lần nữa, người dân quê núi phải vượt qua gian nan, thử thách, cùng nhau trở về khôi phục và dựng xây, tạo nên một Lào Cai với diện mạo mới tràn đầy sức trẻ nơi biên cương, đặc biệt là trong giai đoạn sau 25 năm tái lập tỉnh (1991 - 2017).

Trong những năm qua, 25 dân tộc anh em Lào Cai đã đoàn kết bên nhau chia ngọt sẻ bùi, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Người dân quê núi chúng tôi tự hào với bề dày lịch sử anh hùng, tự hào với những bứt phá trong công cuộc đổi mới. Mỗi người con quê núi không ngần ngại trở thành “hướng dẫn viên”, mời gọi du khách, các nhà đầu tư đến với Lào Cai để được trải nghiệm, khám phá và tìm kiếm cơ hội làm giàu.

Quê núi chúng tôi có dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với đỉnh Fansipan - “nóc nhà Đông Dương” quanh năm mây phủ, giờ đây có thể chinh phục bằng hệ thống cáp treo; có tầng tầng lớp lớp ruộng bậc thang nối nhau quyến rũ du khách bốn phương.

Niềm vui nào bằng khi mỗi ngày, Lào Cai đón hàng nghìn khách du lịch leo đỉnh núi Hàm Rồng để ngắm nhìn thị trấn Sa Pa lung linh trong nắng sớm, sương chiều; lên cao nguyên Bắc Hà khám phá chợ phiên đặc sắc; đến Mường Khương trải nghiệm hệ thống hang động, nơi tìm thấy trống đồng thời Đông Sơn cách đây 4.000 năm có lẻ hoặc vào với Lũng Pô (Trịnh Tường, Bát Xát) - nơi khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước để ngắm cờ đỏ sao vàng tung bay giữa gió ngàn xanh thẳm...

Quê núi cũng tự tin giới thiệu với du khách các sản phẩm đặc sản tạo nên sắc thái văn hoá ẩm thực độc đáo của vùng đất biên cương như rượu ngô Bản Phố, rượu thóc San Lùng, Sim San, gạo Séng cù, tương ớt Mường Khương hay những trái ngọt nức tiếng gần xa như mận Tam hoa, mận Tả Van, lê Tai nung…

Bản sắc văn hoá các dân tộc Lào Cai hoà quyện với văn hoá các vùng, miền trong cả nước tạo nên nền văn hoá riêng có của vùng đất biên ải có gần 200 km đường biên giới với nước láng giềng, có cửa khẩu quốc tế 365 ngày đêm sôi động và nhiều tiềm năng khoáng sản góp phần vào sự mạnh giàu của đất nước…

Quê núi chúng tôi, từ vùng thấp đến vùng cao đổi mới từng ngày, đường giao thông được rải nhựa, đổ bê tông phẳng phiu cho ô tô, xe máy bon bon về thôn, bản; trạm y tế được xây dựng khang trang; trường học vang vang tiếng cười của con trẻ; điện lưới quốc gia, sóng phát thanh - truyền hình phủ khắp thôn trên, bản dưới; niềm vui ấm cúng trong mỗi ngôi nhà.

Phong trào xây dựng nông thôn mới lan toả, nhà nhà hiến đất, hiến công giúp diện mạo từng xã, từng thôn bừng lên cuộc sống mới.

Quê núi chúng tôi, quê của tình người, tình đất đang vươn sức trẻ nơi biên cương Tổ quốc. Sự kết tinh của truyền thống lịch sử gian lao và anh dũng, cần cù và sáng tạo của hơn sáu mươi vạn dân không cam chịu đói nghèo đã làm nên kỳ tích, để tự tin xây dựng tỉnh Lào Cai hôm nay và mai sau vững vàng hơn, no ấm hơn. Hạnh phúc, niềm tin và hy vọng đang tràn ngập mọi nhà, mọi người ở quê núi Lào Cai.

Nguồn baolaocai

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục