Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha:

Tự hào tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha anh

Cập nhật ngày: 31/08/2014 - 08:48

Tiền thân của Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha là trường nội trú mang tên liệt sĩ Hoàng Lê Kha được thành lập trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 20 năm qua, trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha đã khẳng định được vị trí, tầm quan trọng của mình trong nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tỉnh nhà, góp phần phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, năng lực phẩm chất đạo đức của nhà giáo thời kỳ kháng chiến.

Cô Sáu và cô Út (hàng đầu, thứ hai, thứ ba từ trái sang) cùng chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cán bộ, giáo viên và học sinh của trường nội trú Hoàng Lê Kha.

Dịp này, chúng tôi được gặp lại những nhà giáo từng công tác tại trường nội trú Hoàng Lê Kha,  nghe kể lại chuyện dạy học mà tôi cảm phục, tự hào thêm về ngôi trường mang tên người anh hùng của đất Tây Ninh.

Cô Lê Thị Bân, nguyên Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ từng dạy học tại trường nội trú Hoàng Lê Kha từ năm 1968, thường được học trò gọi thân thương là “cô Út”.

Cô Út kể lại giai đoạn mà anh dũng. Cô làm giáo viên khi tuổi đời mới chỉ bằng tuổi một cô nữ sinh trung học bây giờ. Cô không chỉ dạy các em nhỏ tập đọc mà còn có trách nhiệm chăm sóc, nuôi nấng, bảo vệ an toàn cho cả chục đứa học trò với nhiều độ tuổi khác nhau, nhỏ nhất chỉ mới tám, chín tuổi.

Cô Út cho biết, cô dạy tại điểm Cầu Đương, được nhận bàn giao từ cô Sáu Ngân. Chương trình dạy và học của trường nội trú Hoàng Lê Kha lúc bấy giờ là theo chương trình 10 năm. Học sinh của trường chủ yếu là con em của liệt sĩ, thương binh, cán bộ cách mạng. Tùy theo tình hình mà trường cũng phải thường xuyên thay đổi địa điểm giảng dạy, có khi thầy trò phải di chuyển liên tục vào sâu trong đất bạn Campuchia để đảm bảo công tác dạy và học cho an toàn.

Học sinh trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha thả bong bóng chào mừng năm học mới 2014-2015.

Mỗi học sinh ở trường, dù lớn hay nhỏ, đều được trang bị một ba lô để đựng toàn bộ vật dụng cá nhân, sách vở học tập. Khi trường có lệnh chuyển đổi địa điểm là toàn thể thầy trò phải nhanh chóng sắp xếp hành trang gọn gàng, vừa không để cho kẻ địch phát hiện, vừa không bỏ sót đồ đạc tư trang.

Cô Út bảo, “thương nhất là mấy em học trò nhỏ mới tám, chín tuổi đầu cũng phải băng rừng, lội suối suốt đêm để kịp theo đoàn. Học sinh thời đó vất vả, khổ sở lắm. Ngoài việc học, thầy trò của trường còn phải tham gia lao động sản xuất như xay lúa, giã gạo, nấu ăn, lấy củi, trồng rau… kể cả việc tự lực xây dựng nơi ở, lớp học, hội trường, đào hầm tránh pháo”.

Cô Út kể lại, tuy phải dạy và học trong điều kiện chiến tranh ác liệt, sống gian khổ vất vả thiếu thốn về vật chất nhưng thầy trò của trường ngày ấy rất là đoàn kết, đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.  Những thế hệ học trò của trường thời đó đều được rèn luyện phẩm chất đạo đức người cách mạng bằng hình thức nêu gương, và trong thực tiễn cuộc sống chiến đấu từng ngày với giặc nên hầu hết các em đều vững vàng, trưởng thành và thành công trong cuộc sống hôm nay. Một số thầy cô giáo, học sinh của trường ngày đó đã giữ những cương vị lãnh đạo quan trọng ở các tỉnh/thành bạn và tỉnh nhà hiện nay.

Sau ngày giải phóng miền Nam 1975, trường nội trú Hoàng Lê Kha được tiếp nhận cơ sở giáo dục tại Thị xã Tây Ninh (nay là Thành phố Tây Ninh), tiếp tục nhiệm vụ đào tạo, giáo dục con em gia đình cán bộ, thương binh, liệt sĩ. Phần lớn thế hệ học sinh của trường thời kỳ này nay đã trưởng thành, đóng góp nguồn nhân lực cho địa phương, có người đã trở thành cán bộ chủ chốt của tỉnh.

Năm 1994, trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha được thành lập trên cơ sở trường nội trú Hoàng Lê Kha. Với cương vị của người lãnh đạo tỉnh, cô Út luôn quan tâm đến vai trò quan trọng của nhà trường trong tình hình mới. Cô mong muốn thầy trò trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha hôm nay khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, về đội ngũ cán bộ để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang mà trường đã vinh dự có được để thực hiện tốt sứ mệnh của mình, góp phần đào tạo những lớp học trò giỏi “vừa hồng vừa chuyên” cho tỉnh nhà, là đội ngũ nhân tài tương lai cho cả nước.

Đồng thời, cô Út mong muốn ngành giáo dục của tỉnh cần tham mưu để có chính sách thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn cán bộ, giáo viên giỏi có tâm huyết về giảng dạy, công tác tại trường chuyên, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Đối với cô Út, kỷ niệm đẹp nhất, ấn tượng nhất, niềm tự hào đáng nhớ nhất trong cuộc đời là quãng thời gian cô được dạy học dưới mái trường Hoàng Lê Kha trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cô còn có niềm vui là sau này, các con của cô cũng đều được đào tạo tại trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha. 

Ở trường nội trú Hoàng Lê Kha ngày ấy còn có cô Trần Thị Ngân, thường được học trò gọi là “cô Sáu”. Cô Sáu từng dạy học, tham gia quản lý và là hiệu trưởng của một trường cấp I. Cô Sáu hiện đã nghỉ hưu.

Hơn 20 năm gắn bó dưới mái trường mang tên Hoàng Lê Kha trong cả thời chiến lẫn thời bình, cô Sáu có rất nhiều kỷ niệm về một thời “không thể nào quên” này. Những vết thương trên thân thể cô là minh chứng “sống mãi” về một thời tuổi trẻ hào hùng mà cô đã cống hiến cho quê hương, đất nước.

Cô Sáu kể rằng, vì hoạt động trong thời chiến tranh, thầy trò ở trường cũng biên chế, sinh hoạt như trong quân đội, giáo viên và học sinh tự quản lý và sinh hoạt theo từng trung đội, tiểu đội. Vì vậy, công tác phê bình và tự phê bình được thực hiện rất nghiêm túc.

Tiết mục văn nghệ của học sinh trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha biểu diễn tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập trường.

Điều cô Sáu nhớ nhất là nhiều học trò ở trường Hoàng Lê Kha khi nhận xét đều cho rằng cô là một người “khó tính" nhất trường. Với cương vị là người đứng đầu trường, cô Sáu không buồn mà cô cảm thấy tự hào vì: “cô khó thì trò mới nên”. Nguyên tắc làm việc của cô Sáu là cán bộ, học sinh phải thực hiện đúng nội quy, chấp hành kỷ luật tốt, nhờ vậy trường mới hoàn thành được cả ba nhiệm vụ quan trọng “nuôi tốt - dạy tốt - học tốt”.

Tuy mang tiếng là “khó tính” nhưng cô Sáu lại được nhiều đồng nghiệp, học sinh yêu thương, quý mến. Sự nghiêm khắc của cô đã giúp cho nhiều học sinh biết tự trao giồi phẩm chất, đạo đức gương mẫu. Qua đó, nhà trường đã rèn luyện và dạy cho các thế hệ học trò ý thức tự lực cánh sinh, biết quý trọng thành quả lao động, biết vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Cô Sáu chia sẻ với chúng tôi: “Thời kỳ đó, thầy cô ở trường phải thực hiện 3 cùng với học sinh: cùng ăn, cùng ở và cùng làm. Thông qua giáo dục và lao động thực tiễn trong chiến tranh, nhà trường đã đào tạo và hình thành đạo đức, nhân cách cho học sinh. Bản thân cán bộ, giáo viên của trường cũng đã trưởng thành hơn rất nhiều nhờ có môi trường giáo dục rèn luyện nghiêm khắc như vậy”. 

Thời điểm trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha được thành lập cho đến nay, tuy không còn công tác trực tiếp trong ngành giáo dục nhưng cô Sáu vẫn thường xuyên nắm bắt thông tin về hoạt động của nhà trường. Điều cô Sáu mong mỏi thế hệ cán bộ, giáo viên trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha nên tạo môi trường giáo dục thật sự trong sạch, công bằng để cho học sinh phấn đấu, rèn luyện, biết sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình.

Nội quy, quy chế của trường đề ra phải đảm bảo tính khách quan, nghiêm minh. Nền nếp sinh hoạt của thầy trò ở trường phải có kỷ cương. Cô Sáu cho rằng, môi trường giáo dục ở nhà trường rất quan trọng. Trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, công tác giáo dục phải luôn đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, nên giữ nghiêm nguyên tắc: thầy phải cho ra thầy, trò phải cho ra trò. Thầy cô giáo phải thực sự là người mẫu mực, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Ngoài việc dạy học kiến thức khoa học thì thầy cô còn có trách nhiệm giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.

Trong tình hình hiện nay, các thầy cô nên chú trọng dạy môn Sử, môn Văn để khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, yêu chế độ, quyết tâm bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà các thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh cho thế hệ trẻ hôm nay”

Kim Ngân