Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Từ hôm nay, loạt lãi suất nào được giảm 0,5%/năm? 

Cập nhật ngày: 25/05/2023 - 08:37

Ngân hàng Nhà nước mới đây quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ hôm nay 25/5.

Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.

Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; Lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm.

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Nhiều lãi suất bắt đầu giảm từ hôm nay 25/5. (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, biện pháp hạ lãi suất điều hành nhằm mục đích để các ngân hàng giảm lãi suất huy động, từ đó, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, thúc đẩy nhanh tăng trưởng.

Động thái của nhà điều hành diễn ra trong bối cảnh lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao, dù trước đó Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-1 điểm %/năm trong tháng 3 và 4. Trong đó, trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng giảm 0,5%, xuống 5,5%/năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sau khi nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay, hiện lãi suất cho vay VND phát sinh mới ở mức khoảng 9,3%/năm (giảm 0,65%/năm so với cuối năm 2022).

Lý giải điều này, NHNN cho rằng có nhiều lý do tác động. Đầu tiên là do hệ thống ngân hàng là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%), trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

Tiếp đó, mặt bằng lãi suất thế giới gia tăng trong năm 2022 và vẫn ở mức cao trong các tháng đầu năm 2023. Các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới vẫn tiếp tục triển khai lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao, Fed đã 10 lần tăng lãi suất. 

Áp lực lạm phát hiện hữu, tiểm ẩn, khiến người dân kỳ vọng lãi suất thực dương nên tổ chức tín dụng khó giảm lãi suất để thu hút tiền gửi, khiến chi phí đầu vào của ngân hàng ở mức cao.

Nguồn VTC