Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Như đã kể, đã có 4 đời của dòng họ Phan - Nguyễn sống trên dải đất miền Trung. Bắt đầu là ông Phan Hà, sau đổi thành Nguyễn Hà, cho đến các ông Thu và Bồn.
Hơn 200 năm trên miền đất mới
Bốn đời người là vào khoảng 100 năm. Do những đời sau của các ông Thu, Bồn đã liên quan đến việc quân Pháp tiến đánh Sài Gòn (1859), nên chúng tôi cho rằng ông Hà đã vào miền Trung vào giai đoạn cuối của cuộc chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh (1627-1672).
Ðể các ông Thu và Bồn mới có thể có mặt tại miền Phiên Trấn và Trấn Biên (Sài Gòn & Ðồng Nai) vào cuối thế kỷ 17.
Theo cuốn lưu bút của cụ Nguyễn Hồng Phan để lại, trong số con cháu của các ông Thu, Bồn có ông Nguyễn Phan và Nguyễn Lạc, Nguyễn Hồng. Có thể đây là giai đoạn chiến trận ác liệt, phận người trôi dạt nên con cháu đời sau cũng không biết rõ ông nào là con ông nào nữa. Chỉ biết ông Lạc và ông Hồng là hai anh em ruột; còn ông Phan là con của người kia (Thu hoặc Bồn).
Những trang lưu bút này lại liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất tại Tây Ninh, nên chuyện các đạo nghĩa quân chống Pháp được mô tả tỉ mỉ hơn. Có một một vài sự kiện rất đáng chú ý sau đây:
Một là nhân vật mà các sách sử Tây Ninh vẫn viết là Khâm Tấn Tường, được coi là vị quan bất tuân hiệp ước đầu hàng của vua Tự Ðức, dấy binh đánh Pháp, đắp luỹ thành ở phủ An Cơ (Hảo Ðước ngày nay) làm căn cứ.
Cụ Phan viết: “Quân Pháp bình định Gia Ðịnh xong thì kéo quân lên Tây Ninh. Quân mình cự không lại phải bỏ thành chạy lên. Bà con mình chạy theo ông Phó lãnh binh tên Tương, nghe nói ông nầy trước là Vệ uý hay Quân cơ của ông Phó lãnh binh nào đó. Khi Phó lãnh binh chết, ông nầy không chịu đầu hàng, quân lính tôn ông này lên…”.
Một đoạn sau nữa, thì có đoạn viết cả họ với tên ông là Táng Văn Tương.
Một chi tiết khác cũng cho ta biết, ông Tương quản về thuỷ binh gồm các ghe ô, ghe lê của triều đình, còn gọi là quân Ðàng Cựu. Và cái thành luỹ bị Pháp chiếm, để các ông phải bỏ để chạy lên huyện Tân Ninh lúc ấy là thành Gia Ðịnh.
Bởi: “Thuyền này hồi thất thủ Gia Ðịnh thành (1859), ông không chịu đầu Tây lén ngược dòng chở lương thực và súng đại bác thần công đốt ngòi lên theo sông Vàm Cỏ đậu ở Trảng Bàng”.
Cách nay khoảng chục năm, Bảo tàng tỉnh đã vớt được khẩu thần công dưới lòng sông đoạn gần Vàm Trảng, có thể là minh chứng của sự kiện ấy. Sau đó, đoàn thuyền còn phải chạy lên xa hơn, đậu ở “Vàm Cây Kiểu, xóm dưới Tầm Long, mé trên là Xóm Ruộng bây giờ.
Chừng Tây Ninh bị chiếm đóng (1862), thì thuyền này chạy lên đậu ở Vịnh Cù, xóm Trường, vàm Năm Vinh và vàm Trảng Trâu bây giờ. Thuyền này sau bị hư bỏ lần lần mỗi nơi một chiếc. Có chỗ còn dấu tích cũ. Như ở Vàm Trảng chỗ nước xoáy có một chiếc chìm ở đó. Ở Vịnh Cù xã Hoà Hội, tới bây giờ vẫn còn xác một chiếc ở đó…”.
Sự kiện thứ hai rất đáng được quan tâm là những ký ức các ông về nhân vật Trương Quyền- một người từng có những chiến công lừng lẫy trên đất Tây Ninh trong cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất.
Cụ Phan viết: “Ðạo binh bộ thì do ông Trương Quyền chỉ huy, nghe nói ông này còn là tướng của Trương Công Ðịnh. Lúc ông Ðịnh hy sinh, ông Quyền chạy lên đây phụ với Táng Văn Tương”.
Sự thật là Trương Quyền không chỉ là tướng, mà còn là con trai Trương Ðịnh. Vậy mới có danh xưng nổi tiếng là cậu Hai Quyền. Và có lẽ trí nhớ về sự kiện này có thể còn lầm lẫn.
Bởi ông Tương thì dấy nghĩa ngay sau khi Pháp chiếm Tây Ninh năm 1862. Còn Trương Quyền, sau khi khởi nghĩa Trương Ðịnh thất bại năm 1864, mới lên Tây Ninh sau đó.
Tại đây, Trương Quyền đã phối hợp với ông hoàng Khmer Pu-com-pô đánh cho quân Pháp những trận kinh hoàng. Như trận ngày 7.6.1866 tại bến Trường Ðổi tiêu diệt 11 quan lính Pháp và cả quan ba chủ tỉnh Lác-cơ-lô-zơ.
Hoặc trận rạch Vịnh ngày 14.6, chém chết nhiều lính địch cùng quan năm Mác-xe chỉ huy, mới vừa từ Sài Gòn lên chi viện. Ðến ngày 2 và 3.7.1866, liên quân còn đánh cho chúng một trận tơi bời nữa ở Trà Vong.
Sau đó vào tận phố Tây Ninh mà đánh, đốt phá cơ quan địch và nhà cửa bọn tay sai cho địch (theo tác phẩm Chống Xâm Lăng, quyển I- Nam kỳ kháng Pháp- Trần Văn Giàu- Nxb TP. HCM 2001).
Chi tiết sau đây trong cuốn lưu bút cũng rất đáng quan tâm. Ðấy là: “Ông Quyền mộ binh đóng đồn dọc theo sông Vàm Cỏ, như ở Tầm Long có đồn Bàu Thành, kế đó đồn Xóm Trường, đồn Ðá Hàng, đồn Trảng Trâu v.v…
Còn đồn chánh thì đóng ở Bến Thứ”. Ðấy là chuyện đã từng được ghi trong chính sử, vào thập niên 60 của thế kỷ 19 trên đất Tây Ninh. Ðến đây, bạn đọc sẽ tự liên hệ với một huyền sử khác cũng được lưu truyền trên miền đất này. Ðấy là truyện về “Quan lớn Trà Vong”- Huỳnh Công Giản.
Nhưng đấy lại là chuyện của 100 năm trước nữa; khi ông và em trai là Huỳnh Công Nghệ đến quy dân lập ấp trên vùng đất Trà Vong (nay thuộc Tân Biên) vào khoảng giữa thế kỷ trước (XVIII).
Trở lại với cuốn lưu bút. Ðể tìm xem dòng họ Nguyễn đã ở đâu trong cuộc kháng chiến hồi giữa thế kỷ 19. Cụ Phan chỉ chép lại rằng: “Trong số quân lính bị chết ở đồn chánh Bến Thứ có 3 người thuộc trong dòng họ của ta là:
Ông Nguyễn Phan: có con trai theo đàng mình (nghĩa quân) bị chết trận ở Bến Lức (Long An). Một con gái là cô Chi võ thuật rất giỏi, theo nghĩa quân cầm đầu một đoàn phụ nữ đi gánh muối cho (nghĩa quân) từ Bà Rịa về Tây Ninh bị Tây bắn chết…
Ông Nguyễn Hồng: có 3 người con, hai trai một gái. Hai ông trai tên Quang và Diệp, người con gái tên là Ðiệp, cả ba đều võ nghệ rất giỏi. Ông Quang đi lính cho triều đình, đánh Tây bị tử trận. Ông Diệp và bà Ðiệp thì theo nghĩa quân bị chết ở Rạch Tảo (Long An).
Còn ông Nguyễn Lạc, lấy vợ muộn, vợ quê gốc Lái Thiêu thì có ba trai, hai gái. Ba người con trai được đặt tên là Long, Lân, Quy. Sau những chặng đường chiến trận và lưu lạc, cả ba ông đều dừng lại cất nhà bên dòng sông Vịnh (rạch Sóc Om) một chi nhánh chính của sông Vàm Cỏ Ðông...”.
Và ông Nguyễn Văn Lân chính là ông cố nội của ông Nguyễn Hồng Phan...
Lúc này, giặc Pháp đã chiếm trọn 6 tỉnh Nam kỳ. Tưởng đã tạm yên, nhưng miền biên giới vẫn chưa yên. Vẫn còn những cuộc xâm lấn và tàn sát dân lành.
Sau một cuộc tản cư, ông cố mất, bà cố của ông Nguyễn Hồng Phan đưa con cháu về bến Tầm Long, nay thuộc xã Trí Bình sinh sống. Lúc này, đã có thể là vào những năm cuối thế kỷ 19.
Bởi đến năm 1890, chính quyền Pháp và Khmer mới phân định được miền biên giới Tây Ninh tương đối ổn định tới ngày nay (theo Nguyễn Ðình Tư- Tây Ninh xưa và nay, Tạp chí Xưa nay số 96 tháng 7.2001).
Hơn 200 năm đã trôi qua, với 6 (hoặc 7) đời người. Miền đất họ đến lại là miền căn cứ địa bất khuất của nhiều cuộc kháng chiến.
Sau này, đến cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, lại vang lên những cái tên bất khuất như chiến khu Trà Vong, hay Ðước Hoà Bình. Ðất đã “hiền” trở lại, với xanh tươi những vườn cây trái, hoặc bao la những cánh đồng vàng.
TRẦN VŨ