Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Từ khi nào, chữ quốc ngữ xuất hiện ở Tây Ninh ?
Thứ năm: 09:46 ngày 13/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cầm chắc đến chín phần mười là bài thơ Vịnh hoa bạch mai trên núi Điện Bà được viết bằng chữ quốc ngữ. Nếu vậy, đây có thể được coi là bài thơ viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Tây Ninh.

Mây mù trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Hải Triều

Trang mạng của Wikipedia.org có bài Chữ viết tiếng Việt, theo đó: “Chữ quốc ngữ của Alexandre de Rhodes năm 1651 trong cuốn Từ điển Việt-Bồ-La đã khá hoàn chỉnh, nhưng cũng phải cho đến khi nó được xuất bản năm 1772, tức 121 năm sau, với những cải cách quan trọng của Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Behaine) thì chữ quốc ngữ mới có diện mạo giống như hệ thống hiện nay…

Sự kiện đánh dấu vị thế của chữ quốc ngữ là khi người Pháp hoàn thành xâm chiếm Nam kỳ vào cuối thế kỷ XIX… Ngày 22.2.1869, Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ Hán trong các công văn ở Nam kỳ. Nghị định 82 do Thống đốc Nam kỳ Lafont ký ngày 6.4.1878 cũng đề ra mốc trong 4 năm (tức 1882) thì phải chuyển hẳn sang chữ quốc ngữ…”.

Và nữa: “Các phong trào cải cách trong giai đoạn 1890-1910 như Hội Trí Tri, phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục và ngành báo chí mới hình thành, đã thừa nhận và cổ vũ học “chữ quốc ngữ”, coi là phương tiện thuận lợi cho học hành nâng cao dân trí…”.

Ngoài ra, nhiều người cũng đã biết Nam kỳ là nơi xuất hiện tờ báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ. Đấy là tờ Gia Định Báo, ra đời ngày 15.4.1865 tại Sài Gòn. Chính là chữ quốc ngữ, với buổi ban đầu thông qua báo chí đã thúc đẩy sự phát triển của văn học Nam bộ.

Như nhà văn Thiếu Sơn, trong bài diễn thuyết “Báo giới và văn học quốc ngữ” vào năm 1933 tại Hội Nam kỳ khuyến học Sài Gòn đã nói: “Ở các nước văn minh, tiên tiến thì văn học đều có trước báo chí, mà ở nước ta chính lại nhờ báo chí xây dựng nền văn học…” (Văn chương Phương Nam, một vài bổ khuyết, Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thuý, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2016).

Đấy là tình hình Nam bộ nói chung. Còn ở Tây Ninh, chữ quốc ngữ đã xuất hiện và lan truyền ra sao? Chưa có một nghiên cứu nào đề cập. Vậy chúng ta cùng đi tìm hiểu xem sao! Mà trước hết, cần tìm từ các tác phẩm văn học người xưa để lại. Rất tiếc là các sách sử viết về Tây Ninh trước năm 1975 quá ít.

Cuốn nổi bật là Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh in năm 1973, may sao có một phần khảo cứu về “Tây Ninh qua các bộ môn Văn nghệ”. Trong đó, tác giả đã có vài câu nhận định có lẽ khá chính xác như sau: “Về các bộ môn văn nghệ học thuật ở Tây Ninh, xem ra có vẻ kém các tỉnh ở Hậu Giang về các mặt dân ca hát xướng, chơi cờ luyện võ, nói tóm lại là các môn du hí tuyệt nhiên không đáng kể…

Tuy nhiên, riêng về văn hoá, tỉnh Tây Ninh từ đời tới đạo sinh xuất lắm nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Vì ở Tây Ninh này có cảnh núi cao hùng vĩ, rừng rậm bao la, lắm phong cảnh non nước hữu tình…”. Dù vậy, tác phẩm của họ mà tác giả trích dẫn lại không nhiều, có lẽ do thất lạc qua nhiều cuộc chiến tranh tàn phá…

Ngay cả cụ Võ Sâm mà tác giả viết “nghiễm nhiên là danh sĩ đất Tây Ninh, soạn giả quyển “Thi phú văn từ” khá tuyệt diệu được văn học giới nhiệt liệt tán thưởng”, cũng không tìm được tác phẩm nào. Câu chuyện nổi bật nhất lại là đoạn viết về cuộc gặp mặt, xướng hoạ thơ giữa nữ sĩ Sương Nguyệt Anh với “nhóm văn thi sĩ tiền bối” của tỉnh Tây Ninh vào tháng Giêng năm Tân Sửu (1901) trên núi Bà Đen. Trong đó, nữ sĩ có bài thơ Vịnh hoa bạch mai trên núi Điện Bà. Dù nhiều người đã biết, song vẫn xin chép lại:

“Non linh đất phước trổ hoa thần

Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân

Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng

Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân

Mây lành gió lạnh nương hơi chánh

Vóc ngọc mình băng bặt khói trần

Sắc nước hương trời nên cảm mến

Non linh đất phước trổ hoa thần”.

Năm 1901 là năm mà chữ quốc ngữ trên báo chí và văn học Nam bộ đang trên đà phát triển. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết bằng quốc ngữ là “Thầy Lazaro Phiền” xuất hiện năm 1887. Tác giả Nguyễn Trọng Quản, trong lời tựa truyện đã nêu rõ mục đích của mình là: “Tôi có dụng ý lấy tiếng thường mọi người hằng nói mà làm ra một truyện hầu cho kẻ sau coi mà bày đặt ra cùng in ra. Ít nhiều truyện hay, trước là làm cho trẻ con ham vui mà tập đọc, sau là làm cho dân các xứ biết rằng người An Nam sánh trí sánh tài thì cũng chẳng thua ai…” (Sdđ).

Trong đoạn văn trên: “tiếng mọi người thường nói” là tiếng Việt, được tác giả viết bằng chữ quốc ngữ. Và ông cũng mong “kẻ sau coi mà bày đặt (sáng tác) ra… làm cho trẻ con ham vui mà tập đọc (quốc ngữ)…”. Vậy không hiểu bài thơ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh có được viết bằng quốc ngữ hay chưa?

Động Kim Quang trên núi Bà Đen.

Đặt ra vấn đề này bởi Huỳnh Minh trong Tây Ninh xưa đã không kể rõ là bài thơ được viết bằng loại chữ nào. Trong khi xã hội lúc ấy còn lưu hành cả 4 loại chữ là: Hán, Nôm, quốc ngữ và tiếng Pháp. Chắc chắn không phải là chữ Hán, vì trong cuộc gặp gỡ xướng hoạ này, sau khi đã đọc bài thơ Vịnh hoa bạch mai… thì: “Nguyệt Anh nữ sĩ lại về vịnh thêm 2 bài thơ chữ Hán, gọi là chút tạ lòng các danh sĩ Tây Ninh…”.

Hai bài này vẫn còn “thủ bút” có ảnh in trong sách. Nếu là chữ Hán thì cần gì phải viết câu trích trên, ghi rõ 2 bài thơ tặng thêm bằng chữ Hán. Bởi lại có câu: “Nguyệt Anh nữ sĩ lại trân trọng chép ra trao cho cụ Tô Ngọc Đường để lưu niệm”.

Có lẽ cụ Đường khi ấy (Đốc phủ sứ) còn chưa thành thạo cả chữ Hán lẫn chữ quốc ngữ, nên cụ ghi mấy dòng dưới bản “Thủ bút” của nữ sĩ vừa trao, lại bằng chữ Pháp. Nội dung mấy dòng này được dịch ra là: “Những bài thơ này là của bà sương phụ thầy Phó tổng Tính làm ra, bà bút hiệu là Sương Nguyệt Anh, con gái cụ Đồ Chiểu, thơ này làm trong dịp lên chơi núi Bà (Tây Ninh) tự tay nữ sĩ viết 1901”.

Đường lên đỉnh núi Bà Đen năm 1899. Ảnh tư liệu

Theo một nghiên cứu của Trung An (TCVN Thái Nguyên, 10.2023) thì nữ sĩ “có thể đã bắt đầu học chữ QN vào năm 1894”. Và, đến năm 1918 thì bà được mời làm chủ bút tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên dành cho phụ nữ là tờ Nữ Giới chung (Tiếng chuông của giới nữ).

Điều này chứng tỏ bà rất giỏi về quốc ngữ. Tuy vậy, có người sẽ ý kiến, rằng bài thơ có thể được viết bằng chữ Nôm chăng? Cũng không thể! Vì chữ Nôm, theo tác giả Vương Công Đức trong sách Trảng Bàng phương chí (Nxb Tri Thức, 2016) thì: “Chữ Nôm là chữ mà người Việt dùng ký tự chữ Hán để ghi âm và thể hiện được tiếng Nôm (tiếng Việt) theo nhiều cách khác nhau.

Do chữ Nôm từ chữ gốc Hán mà ra cho nên muốn hiểu chữ Nôm thì trước tiên phải hiểu chữ Hán…”. Có nhà nghiên cứu mới cho rằng:- chữ Hán khó một thì chữ Nôm khó mười. Do đó không thể có chuyện nữ sĩ sử dụng một loại chữ quá khó với bạn văn chương được. Vậy thì cầm chắc đến chín phần mười là bài thơ Vịnh hoa bạch mai trên núi Điện Bà được viết bằng chữ quốc ngữ. Nếu vậy, đây có thể được coi là bài thơ viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Tây Ninh.

Trần Vũ

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục