BAOTAYNINH.VN trên Google News

XÃ BẾN CỦI, DƯƠNG MINH CHÂU:

Từ mô hình giảm nghèo đến khu dân cư nông thôn kiểu mẫu 

Cập nhật ngày: 12/10/2018 - 15:02

BTN - Hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đã khó, giữ vững và nâng cao các tiêu chí càng khó khăn hơn. Vì thế, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, nhiều xã đã và đang thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Xã phát gạo định kỳ cho hộ nghèo.

Bến Củi là xã đầu tiên của huyện Dương Minh Châu đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) vào đầu năm 2015. Ngay sau khi được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM, xã đã xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Ðảng bộ, chính quyền, MTTQ xã Bến Củi xác định, đạt chuẩn không có nghĩa là dừng lại, nếu dừng lại là bị thụt lùi. Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Ðảng uỷ xã Ðỗ Thành Tân cho biết, dù đã về đích nông thôn mới từ năm 2015 nhưng xã vẫn thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng từng tiêu chí để kịp thời có giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng. Ðịa phương xây dựng NTM với quyết tâm không để cho tiêu chí nào “tuột” so với yêu cầu, đặc biệt là đối với những tiêu chí có khả năng biến động như môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người... 

Do đó, để tiếp tục phát huy vai trò là đơn vị tiên phong trong xây dựng NTM, xã tiếp tục đề ra các giải pháp, chỉ đạo cả hệ thống chính trị ở địa phương vào cuộc để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là các tiêu chí có khả năng biến động cao, như: môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ người dân tham gia BHYT, ANTT...

Toàn xã có 4 ấp, 47 tổ tự quản với 1.437 hộ/5.095 nhân khẩu. Kinh tế chủ yếu của xã từ cây cao su với diện tích 400,5 ha cao su tiểu điền và gần 2.372 ha của Nông trường cao su Bến Củi.

Bí thư Ðảng uỷ xã Ðỗ Thành Tân cho biết, trước khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng của xã chưa được đầu tư nhiều, đường giao thông nông thôn đi lại khó khăn, trường học xuống cấp, hệ thống điện chưa được cải tạo ảnh hưởng đến nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo cao, dịch vụ thông tin liên lạc của người dân còn ít, vấn đề vệ sinh môi trường tuy có sự quan tâm nhưng chưa có những giải pháp cụ thể, nhất là ý thức của người dân trong việc chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp chưa cao.

Từ khi xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, sản xuất có định hướng, thu nhập người dân tăng, cơ sở hạ tầng phục vụ thiết thực cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, hộ nghèo giảm dần qua từng năm (đến nay, xã còn 13 hộ nghèo, trong đó có 7 hộ nghèo thuộc dạng bảo trợ, 19 hộ cận nghèo). An ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, cảnh quan môi trường sạch đẹp hơn, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Từ hỗ trợ cứu đói đến mô hình giảm nghèo bền vững

Xác định công tác chăm lo cho người nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Mặt trận, gần 3 năm nay, ngoài việc vận động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà đại đoàn kết, chăm lo tết cho người nghèo, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, học sinh nghèo... UBMTTQVN xã Bến Củi xây dựng “Kho gạo tình thương cho người nghèo”.

Bà Nguyễn Thị Thuý Oanh, Chủ tịch UBMTTQVN xã Bến Củi chia sẻ: “Việc thành lập kho gạo không phải là sáng kiến của xã mà do mạnh thường quân gợi ý, thấy hay, thiết thực nên MTTQ đề xuất xây dựng”. MTTQ xã phối hợp với UBND, các đoàn thể xã thành lập kho gạo, Ban quản lý do Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã làm trưởng ban, 1 Phó Chủ tịch UBND và Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ làm phó ban, thành viên là đại diện các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức 5 điểm tiếp nhận gạo tại văn phòng UBMTTQVN xã và ở 4 ấp.

Bà Nguyễn Thị Thuý Oanh cho biết thêm: “Gọi là kho gạo nhưng vì xã không có chỗ bảo quản nên ký gửi ở các cơ sở xay xát, kinh doanh gạo, đến đợt phát gạo định kỳ hoặc cần hỗ trợ đột xuất, Ban quản lý đến nhận về. Cũng nhờ thế, xã không phải giữ, bảo quản kho gạo mà vẫn bảo đảm an toàn và rất thuận tiện”. Với cách làm thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, “kho gạo” đã nhận được sự đóng góp nhiệt tình của rất nhiều mạnh thường quân trong và ngoài địa phương, các tổ chức tôn giáo, các cơ sở xay xát, bán gạo, doanh nghiệp, cá nhân, kiều bào….

Trong 3 năm, xã đã vận động cho “kho gạo” được 5.295kg gạo, đã hỗ trợ cho 167 hộ, trong đó hỗ trợ thường xuyên cho 3 hộ nghèo, 5 hộ khó khăn và 2 hộ tàn tật hằng tháng (mỗi hộ 10kg gạo/tháng), còn lại các hộ nghèo khác trao mỗi quý 1 lần.

Năm 2018, MTTQ xã đã vận động được 6.124kg gạo, tiếp tục hỗ trợ định kỳ cho 13 hộ nghèo, hỗ trợ đột xuất cho hộ khó khăn và cứu đói khi cần thiết. Hiện số gạo tồn trong kho 870kg luôn sẵng sàng chia sẻ cho người nghèo.

Ðể góp phần giảm nghèo bền vững, MTTQ xã triển khai mô hình hỗ trợ vốn không tính lãi cho hộ nghèo, hộ khó khăn chăn nuôi, sản xuất. Năm 2017, xã vận động mạnh thường quân 150 triệu đồng hỗ trợ cho 10 hộ vay trả dần (mỗi hộ được hỗ trợ 15 triệu đồng) để chăn nuôi (bò, dê, heo). Ðịnh kỳ hằng tháng hoàn lại 300.000 đồng để trả vào tiền gốc vay. Trong 4 năm 2 tháng, hộ vay sẽ trả xong tiền gốc ban đầu cho Ban quản lý dự án. Số tiền các hộ trả, Ban quản lý tiếp tục cho hộ khác vay. Tính đến nay, có 13 hộ nhận được vốn vay, MTTQ xã đang chuẩn bị giải ngân cho hộ thứ 14. Bước đầu, cách làm mới này có hiệu quả, nhiều hộ nhờ số tiền vay không tính lãi của xã an tâm chăn nuôi, sản xuất. Tiếp tục nhân rộng mô hình, tạo thêm nhiều cơ hội thoát nghèo, năm 2018, MTTQ xã vận động một kiều bào hỗ trợ 120 triệu đồng để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo nuôi dê.

Chủ tịch UBMTTQVN xã cho biết: “Thấy địa phương nhiều hộ nuôi dê có hiệu quả, MTTQ xã mở rộng mô hình hỗ trợ vốn không tính lãi cho các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, tập trung vào chăn nuôi dê bách thảo. Xã đã vận động được 120 triệu đồng cho 6 hộ vay (mỗi hộ 20 triệu đồng), tiền gốc trả dần trong 36 tháng, 12 tháng trả một lần (mỗi kỳ trả gốc 7 triệu đồng). Với số vốn trên, mỗi hộ đầu tư mua 4 con dê bách thảo giống về nuôi. Hiện tại, đàn dê đang phát triển tốt, mỗi con dê mẹ có chửa khoảng 4 đến 5 tháng sẽ sinh từ 1-3 con dê con. Người dân đã bán thu hoạch được đợt 1, chuẩn bị bán thu hoạch đợt 2. Xã đã thu hồi vốn đợt 1, chuẩn bị giải ngân cho hộ tiếp theo nuôi.

Theo đánh giá của Uỷ ban MTTQ huyện, với cách làm linh động, sáng tạo, các mô hình, dự án của MTTQ xã đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, từng bước giảm hộ nghèo, giữ vững tiêu chí giảm nghèo bền vững. Trong 16 hộ vay vốn ở cả 2 dự án ban đầu, có 5 hộ thoát nghèo, những hộ khác đang cải thiện dần kinh tế gia đình, từng bước vươn lên.

Xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, xã có chủ trương xây dựng “khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”. Cùng với hệ thống chính trị quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, năm 2018, MTTQ xã thực hiện mô hình “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp” tại ấp 2 theo mô hình “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”. MTTQ xã lựa chọn các nội dung trong tiêu chí nông thôn mới phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận để thực hiện như: bảo vệ môi trường, thắp sáng đường quê, giữ gìn an ninh trật tự và củng cố hệ thống chính trị.

Ðể tạo mỹ quan các con đường và bảo vệ môi trường ở các khu dân cư luôn “xanh, sạch, đẹp”, Ban Thường trực UBMTTQVN xã cùng với các ban, ngành, đoàn thể vận động người dân phát quang bụi rậm, dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải dọc các tuyến đường với chiều dài 15km; các chi tổ hội đoàn thể cùng Ban Vận động ấp tổ chức trồng cây xanh, hoa kiểng được 12 tuyến đường. MTTQ cùng với UBND xã vận động các hộ ở khu vực chợ, các hộ kinh doanh trên địa bàn ấp đăng ký thu gom rác thải, đồng thời hợp đồng thu gom. Ngoài ra, MTTQ xã còn thường xuyên nhắc nhở các hộ dân hai bên đường không được vứt rác thải sinh hoạt ra đường; vận động 100% hộ trong khu dân cư ấp 2 đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt. Hằng tuần, vào ngày thứ 7, Ban CTMT ấp 2 tổ chức cho người dân trong ấp quét dọn, vệ sinh nhà cửa, sân; vận động người dân trồng hoa kiểng, cây xanh trước cửa nhà tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Với sự kiên trì vận động, thuyết phục của MTTQ xã, Ban CTMT ấp, ý thức của người dân từng bước được nâng lên, từng hộ gia đình chủ động dọn dẹp vệ sinh quanh nhà, phát quang, tỉa cây sân nhà, lề đường để các con đường nông thôn luôn đẹp hơn.

Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN xã cùng với Ban Công tác Mặt trận ấp 2 vận động người dân góp công, góp của mua trồng 250 cây hoàng yến tại tuyến đường số 3,9 với chiều dài 1.800m. Ðối với mô hình “Thắp sáng đường quê”, MTTQ xã vận động mạnh thường quân và người dân gắn 28 bóng đèn tại các ngã tư, hằng tháng mỗi hộ dân đóng góp để trả tiền điện và sửa chữa bóng đèn. Toàn xã đã vận động gắn 120 bóng đèn ở các tuyến đường chính của các ấp, các điểm tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự và tai nạn giao thông, kết hợp với mô hình camera an ninh góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó, MTTQ xã vận động 100% hộ dân (223 hộ) ấp 2 treo cờ Tổ quốc theo quy cách, làm cột cờ thống nhất chung kiểu mẫu từ trụ cờ, chân cờ, khoảng cách đối với mặt đường. Ban công tác Mặt trận ấp hỗ trợ cắm cờ cho từng hộ dân.

MTTQ xã đã củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân cư tự quản theo phương châm 4 tại chỗ: tự phòng, tự quản, tự bảo đảm ANTT tại cộng đồng dân cư, hạn chế tình trạng tranh chấp gửi đơn thư khiếu nại, khiếu kiện về xã và xảy ra các hành vi gây mất ANTT… Ban điều hành tổ dân cư tự quản tổ chức cho thành viên ký cam kết thực hiện 5 nội dung tự phòng, 5 nội dung tự quản, 2 nội dung tự hoà giải và 2 nội dung tự bảo vệ. Mỗi tổ dân cư tự quản có 1 tổ trưởng, 2 tổ phó và 1 thư ký, họp định kỳ vào mỗi tháng để thông tin về tình hình an ninh trật tự trong ấp. Tổ còn giúp đỡ các đối tượng tù tha, đặc xá tái hoà nhập cộng đồng.

Qua gần 1 năm thực hiện, nhờ phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức thành viên trong vận động nhân dân tham gia xây dựng xã nông thôn mới, an ninh trật tự được giữ vững, môi trường được bảo đảm, góp phần giữ vững tiêu chí số 17 và 19, bước đầu tạo nên diện mạo mới khang trang cho khu dân cư, góp phần xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

TIẾN HƯNG