BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Tú mọi” chưa biết ngán cơm tù

Cập nhật ngày: 29/08/2010 - 10:12

Từ khi “Tú mọi” bị xộ khám bà con ấp Thạnh Nghĩa, xã Thạnh Đông (Tân Châu), và các khu vực lân cận thở phào nhẹ nhõm. Bởi Tú mọi chính là kẻ cầm đầu băng nhóm trộm cắp, gây rối trật tự, hành hung nhiều người, đã “làm mưa làm gió” khá lâu, gây bao nỗi bất bình trong cộng đồng dân cư địa phương.

Tha phương cầu thực

Từ những ngày đầu miền Nam mới giải phóng, gia đình ông Đặng Văn Mười và bà Nguyễn Thị Ánh ở quận Thủ Đức-TP.HCM cuộc sống rất khó khăn vì không có công ăn việc làm. Tháng 9.1976 gia đình ông Mười được Nhà nước đưa đi lập nghiệp ở vùng kinh tế mới tỉnh Tây Ninh, nơi đến là xã Thạnh Nghĩa, huyện Tân Biên, nay là ấp Thạnh Nghĩa, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu. Ông Mười rất siêng năng, cần cù lao động, hằng ngày ngoài việc chăm sóc rẫy bái của gia đình, ông còn tranh thủ làm mướn cho các hộ chung quanh, như đánh gốc cây rừng, phá gò mối kiếm thêm tiền nuôi 3 đứa con còn nhỏ dại. Để cùng với ông Mười làm lụng, nuôi nấng con cái, hằng ngày bà Ánh tráng bánh ướt đem bán trong xóm kiếm thêm thu nhập. Công việc cực khổ, ăn uống thiếu thốn, ông Mười thường uống rượu cho “giãn gân cốt” sau một ngày lao động mệt nhọc, dần dần trở thành thói quen.

Thời gian lặng lẽ trôi đi, sức khoẻ của ông Mười ngày một yếu đi, công việc làm lụng hằng ngày cũng thất thường, con cái ngày càng lớn đòi hỏi nhiều thứ trên đời. Để thoả mãn nhu cầu cho con, ông Mười phải bán dần đất đai. Những đứa con không được dạy dỗ đầy đủ, đứa thì đòi xe, đứa đòi quần nầy áo nọ, trong khi bản thân chúng không làm ra được đồng nào phụ giúp cha mẹ, gia đình mỗi lúc một suy sụp đi. Những năm ở Tây Ninh, gia đình ông Mười có thêm hai đứa con ra đời,  tổng cộng tới năm đứa con. Thằng út tên là Đặng Hoàng Tú, từ lúc mới biết đi lẫm chẫm thì tối ngày đã ở nhà hàng xóm chơi rong. Do thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sự chăm sóc của gia đình nên Tú ốm còi, đầu tóc xơ xác, nên bà con trong xóm gọi nó là thằng “Tú mọi”, lâu dần cái tên Tú mọi gắn liền với thằng bé.

Tú Mọi (bìa trái) và đồng bọn trước vành móng ngựa

Con đường dẫn đến phạm tội

Đến tuổi trưởng thành, Tú mọi không chịu khó học hành như bao người đồng trang lứa, ngược lại Tú mọi nghe theo nhóm bạn bè hư hỏng, tụ tập quậy phá xóm làng. Ở ấp Thạnh Nghĩa tình hình an ninh trật tự không được tốt lắm, luôn tồn tại vấn nạn thanh niên lười lao động, đua đòi ăn chơi nhưng không làm ra tiền nên nhiều đứa dẫn đến con đường trộm cắp. Nói đến những “tên tuổi anh chị” như Lai đen, Tuấn ròm, thì Tú mọi tỏ ra hơn hẳn về “nghề” trộm cắp và tính liều mạng. Tú thường huy động ba bốn tên đàn em tổ chức trộm cắp tài sản người khác để đem bán lấy tiền tiêu xài.

Mấy năm trước, lúc 4 giờ sáng ngày 16.3.2006 Tú mọi cùng đồng bọn kiếm đâu đó được chiếc xe lôi máy, cả bọn đèo nhau chạy trên đường 785 đến khu vực tổ 17, ấp Tân Hoà, xã Tân Phú, xông vào một quán cà phê bên đường dọn sạch hết bàn ghế chất lên xe lôi, trước mặt đông người nhưng không ai dám phản ứng gì. “Đánh hàng” xong chúng chở thẳng lên điểm thu mua phế liệu ở ngã tư Cây Cầy thuộc xã Thạnh Đông bán được 800.000đ chia nhau tiêu xài. Một vụ khác xảy ra lúc 1 giờ 30 phút ngày 7.4.2006 trên đường 785 đoạn ấp Tân Hoà. Đang ngủ ngon giấc bà P.T.M chợt tỉnh khi nghe văng vẳng tiếng gà trong chuồng kêu oang oác. Bà M thức dậy bấm đèn pin quan sát, nhìn thấy hai tên trộm đang cõng hai bao đựng gà. Bà chưa kịp la lên thì Tú mọi gằn giọng nói: Bà khôn hồn thì im miệng không tôi cắt cổ bà bây giờ. Bà M không xa lạ gì Tú mọi, nên đành câm lặng để được yên thân. Sáng ra bà xem lại chuồng gà, hơn 40 con mất sạch. Thời gian không lâu sau đó, trên địa bàn các xã Tân Phú, Thạnh Đông, Tân Hưng (Tân Châu) kể cả xã Thạnh Bình (Tân Biên)… xảy ra đến mấy chục vụ mất trộm mô-tơ bơm nước. Hành vi của bọn trộm táo tợn đến mức nhà của cán bộ công an xã chúng cũng đột nhập. Khi đánh quả xong bọn chúng thường tụ tập ăn nhậu thâu đêm suốt sáng đến lúc cạn tiền lại tiếp tục lộng hành trộm đêm. Hoá ra “thành tích bất hảo” đó đều do Tú mọi cầm đầu, hành sự.

Không thoát khỏi lưới pháp luật

Tình hình trộm cắp xảy ra liên tục trên nhiều địa bàn không xa nhau, khiến cho cơ quan công an địa phương “đau đầu”. Bằng các biện pháp nghiệp vụ theo dõi nắm tình hình, quy luật đi lại của chúng, công an nắm được hoạt động của băng trộm này khác hẳn với bọn trộm vặt. Băng Tú mọi hoạt động khá xảo quyệt. Khi nghe có “hơi” công an thì bọn chúng biến mất dạng nhanh như sóc. Không để cho bọn chúng tác oai, tác oái, lộng hành quấy nhiễu người dân, Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Tân Châu kết hợp với Công an Thạnh Đông, lên kế hoạch vớt mẻ lưới cuối cùng. Tại nhà ông Mười, trong lúc Tú mọi cùng đồng bọn hàng chục tên, cả nam lẫn nữ đang quay quần ăn nhậu trác táng… bọn chúng không biết được lưới pháp luật đã giăng ra. Giờ G đã đến, bằng nhiều mũi giáp công Tú mọi cùng đồng bọn đã phải tra tay vào còng. Bản án nghiêm khắc dành cho Tú mọi lần ấy là 5 năm tù giam. Đến ngày 25.2.2009, Tú mọi được tha về gia đình…    

Tú mọi trở về nhà trong lúc hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Ông Mười nay đã già yếu, bị lãng tai nặng không còn đi làm mướn được nữa, bà Ánh mẹ Tú phải bươn chải mua bán ve chai kiếm sống hằng ngày. Thiếu công ăn việc làm, Tú mọi lại lân la tìm đến đám bạn bè ngày xưa, thế là “ngựa quen đường cũ”… Mới ra tù chưa đầy ba tháng thì vào lúc 19 giờ ngày 22.5.2009, sau khi  đập bể hai cái bàn bán cà phê nhà anh Phùng Văn Nhũ ở ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Bình, trong cơn say, Tú mọi cùng Dương Trung Hiếu (SN 1987, ngụ ấp Tân Châu, xã Tân Phú), Nguyễn Hữu Long (SN 1989, ngụ TP.HCM) dùng tầm vông vô cớ đánh anh Lê Tân Công bị chấn thương phần bụng, vỡ lá lách, tổn hại sức khoẻ tới 32%. Ngày 11.12.2009 TAND huyện Tân Châu mở phiên toà xét xử lưu động tại ấp Thạnh Nghĩa, xã Thạnh Đông, xét xử ba bị cáo về hành vi cố ý gây thương tích, trong đó Đặng Hoàng Tú tức “Tú mọi” bị tuyên phạt 5 năm tù giam.

Con đường phạm tội của Tú mọi là như thế. Kẻ có tội ắt phải trả giá cho hành động của họ bằng bản án nghiêm khắc của pháp luật. Vấn đề đáng băn khoăn là khi người phạm tội đã chấp hành xong bản án, hoặc được đặc xá giảm án tù trở về địa phương, thì chính quyền, đoàn thể phải có cách quản lý cũng như hướng dẫn, giúp đỡ như thế nào để họ có điều kiện tu dưỡng bản thân, không quay lại con đường phạm tội, có điều kiện để phấn đấu tái hoà nhập cộng đồng, sớm trở thành người tốt trong xã hội.

DUYÊN ANH