BAOTAYNINH.VN trên Google News

Từ một vụ vi phạm Luật Đất đai ở xã Tân Lập, Tân Biên: Nhiều điều “khó hiểu” (!?)

Cập nhật ngày: 15/06/2009 - 12:16

Ngày 9.6.2009, UBND huyện Tân Biên ký Quyết định số 560/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với bà Nguyễn Thị Tiến, ngụ ấp Tân Hoà, xã Tân Lập vì: “Đã có hành vi vi phạm hành chính, làm suy giảm chất lượng đất, làm biến dạng địa hình gây hậu quả làm cho đất giảm khả năng sử dụng theo mục đích đã được xác định”. Trước đó, ngày 25.5.2009, Phòng TN&MT huyện Tân Biên đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Tiến khi bà có hành vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất dù chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền (tự ý móc đất san lấp nền). Theo Quyết định số 560/QĐ-XPHC, bà Tiến bị phạt 2 triệu đồng, đồng thời bà phải có trách nhiệm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Các phương tiện cơ giới vô tư “huỷ hoại đất” vào ngày 14.6

Lãnh đạo UBND xã, ngành chức năng “thờ ơ” ?

Thế nhưng, bà Tiến không những không chấp hành yêu cầu phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất mà còn tái phạm. Không đầy một tuần sau khi UBND huyện Tân Biên ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Tiến, ngày 14.6, bà Tiến thuê hai xe chở đất, một xe ủi đất và một xe móc đất tiếp tục thực hiện hành vi đã bị xử lý hành chính trước đó.

Một cán bộ xã Tân Lập bức xúc: “Hồi sáng, tôi nghe dân báo việc bà Tiến thuê xe, máy ủi của cửa hàng vật liệu xây dựng Gia Lộc (Tân Biên) tiếp tục móc đất san nền, tôi đã gọi cho anh Giang, cán bộ Phòng TN&MT huyện thông báo tình hình. Tuy nhiên, đến trưa tôi vẫn không thấy những người có trách nhiệm đến đây”.

Khoảng hơn 11 giờ ngày 14.6, tại hiện trường, phóng viên gọi điện thoại gặp ông Hồ Hùng Dũng – Trưởng Phòng TN&MT huyện Tân Biên và báo lại việc móc đất trái phép ở xã Tân Lập. Ông Dũng cho biết do ông đang ở xa, không trực tiếp đi kiểm tra được, nên ông sẽ báo ngay cho ông Lâm Chí Hùng, Phó trưởng Phòng TN&MT và ông Nguyễn Văn Huyền – Chủ tịch UBND xã Tân Lập để hai ông này giải quyết. Trong lúc này tại hiện trường, các phương tiện móc, chở và ủi đất vẫn “vô tư’ hoạt động. Phóng viên chờ đến khoảng 15 giờ nhưng vẫn chưa thấy cán bộ Phòng TN&MT hay cán bộ xã Tân Lập đến hiện trường nên tiếp tục gọi ông Dũng. Ông Dũng cho biết ông đã gọi cho ông Huyền nhưng không hiểu sao ông Huyền không chỉ đạo cán bộ xã đến làm việc. Còn ông Hùng thì… có đi tìm khu đất của bà Tiến nhưng “không thấy” (!?). Sau đó, ông Dũng gọi điện cho một cán bộ Địa chính xã Tân Lập tên Nhân, yêu cầu anh này đến hiện trường. Khoảng hơn 15 giờ 30, anh Nhân gọi điện cho phóng viên, bảo là đã đến hiện trường nhưng không thấy có hành vi vi phạm như phóng viên đã báo.

Trước đó, phóng viên nhiều lần gọi vào số điện thoại di động của ông Huyền nhưng ông không bắt máy. Hỏi thăm nhà ông Chủ tịch xã, phóng viên mới… “bật ngửa”: Từ chỗ đang xảy ra hành vi móc đất trái phép đến nhà ông Chủ tịch UBND xã Tân Lập chỉ chừng... 200m. Tuy nhiên, lúc này ông Chủ tịch xã “không có ở nhà”.

Vì sao không xử lý phương tiện vi phạm?

Trở lại vụ việc vi phạm của bà Tiến ngày 25.5.2009, theo một cán bộ xã Tân Lập thì khi đến hiện trường, ông Phạm Văn Hùng, cán bộ Phòng TN&MT chỉ lập biên bản vi phạm đối với người vi phạm là chủ đất, chứ không lập biên bản đối với phương tiện (xe chở đất, máy múc) vi phạm. Sau đó bà Tiến bị xử phạt hành chính, còn chủ phương tiện tham gia móc đất, chở đất thì không. Vị cán bộ xã Tân Lập băn khoăn: “Vì sao chủ phương tiện không bị xử lý hành chính, phương tiện vi phạm của họ không bị tạm giữ, không bị lập biên bản?”.

Trong khi đó, theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 560/QĐ-XPHC của UBND huyện Tân Biên thì bà Tiến đã vi phạm vào điểm c, khoản 1, Điều 11 (huỷ hoại đất) của Nghị định số 182/2004/NĐ-CP. Tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này có nêu: “Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc buộc có biện pháp khắc phục hoạt động gây ô nhiễm, buộc khôi phục lại địa hình của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”. Điều 6 Nghị định này cũng nêu: “… Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính…”. Phải chăng sự “dễ dãi” của ngành chức năng trước đó đã khiến cho chủ các phương tiện vi phạm xem nhẹ luật pháp, “tự nhiên” tái phạm?

Chúng tôi mong sớm nhận được thông tin phản hồi đầy đủ từ phía Phòng TN&MT huyện Tân Biên, cũng như UBND xã Tân Lập xung quanh việc không xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện vi phạm Điều 11 Nghị định số 182/2004/NĐ-CP cũng như việc “đùn đẩy, thờ ơ” trong việc kiểm tra xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm của bà Tiến và các phương tiện được sử dụng để vi phạm trong ngày 14.6.2009.

BẢO TÂM