BAOTAYNINH.VN trên Google News

Từ năm 2011 – 6 tháng đầu năm 2013: Kinh tế ổn định, GDP tăng bình quân hằng năm 11,92%

Cập nhật ngày: 18/06/2013 - 05:38
HTML clipboard

(BTNO) - Đánh giá 2,5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh 5 năm 2011 – 2015, UBND tỉnh nhận định, nền kinh tế tăng trưởng khá ổn định, tổng sản phẩm (GDP) tăng bình quân hng năm 11,92%. Đóng góp vào sự tăng trưởng của GDP gồm có: khu vực nông, lâm – thuỷ sản tăng 5,29%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 17,30% và khu vực dịch vụ tăng 12,08%. Trong cơ cấu tổng sản phẩm trong tỉnh, khu vực nhà nước có xu hướng giảm dần, khu vực dân doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đang dần gia tăng, đảm bảo mục tiêu định hướng về phát triển kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước ngày càng hiệu quả.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ ngày càng tăng, tỷ trọng nông - lâm – thuỷ sản giảm. Tỷ trọng nông - lâm – thuỷ sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ trong GDP (giá hiện hành) năm 2010 đạt 38,23% - 24,99% - 36,78%. Đến tháng 6 năm 2013 đạt 31,66% - 31,53% - 36,81%. GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) từ 1.434 USD năm 2010 tăng lên 2.053 USD vào năm 2012 bằng 69,1% so mục tiêu đến năm 2015 (Nghị quyết đến năm 2015: 2.970 USD trở lên).

6 tháng đầu năm, doanh thu du lịch đạt 309 tỷ đồng tăng 5,1% (Trong ảnh, hệ thống cáp treo mới ở Khu du lịch núi Bà được đưa vào sử dụng trong dịp Tết nguyên đán)

Khu vực nông - lâm thuỷ sản được duy trì ở mức tăng trưởng ổn định trong điều kiện khó khăn do diễn biến khó lường của thời tiết, giá cả và nguy cơ tái phát dịch bệnh. Giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm 5,31%. Nhiều mô hình khuyến nông được áp dụng, cung cấp lúa giống mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGAP, cánh đồng mẫu lớn. Hầu hết các mô hình đều cho năng suất, chất lượng cao hơn so với sản xuất đại trà trong vùng. Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, đủ nguyên liệu đáp ứng cho chế biến công nghiệp trong tỉnh. Chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay mía trồng mới của tỉnh được người dân đồng tình, ủng hộ và phát huy hiệu quả. Các biện pháp kỹ thuật, công thức phân bón được cải tiến áp dụng trong canh tác đã góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, đồng thời bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Cơ cấu chăn nuôi trong nội bộ ngành nông nghiệp được chuyển dịch dần, nhưng còn rất chậm, chiếm 12,9% trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Nhận thức người chăn nuôi được nâng lên thông qua công tác thông tin tuyên truyền về chăn nuôi an toàn sinh học với mục đích tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, kiểm soát dịch bệnh… nhằm tạo lợi nhuận cao nhất và định hướng giúp ngành chăn nuôi phát triển lâu dài, bền vững. Bước đầu đã hình thành một số trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phát triển nhiều mô hình nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả cao như mô hình cá tra xuất khẩu, tôm càng xanh, ba ba, lươn... Đã có nhiều nhà đầu tư ngoài tỉnh đến Tây Ninh xây dựng các dự án đầu tư nuôi gia súc, gia cầm (bò sữa, heo, gà) và chế biến thuỷ sản tập trung ở hầu hết các địa bàn theo quy hoạch của tỉnh.

Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục được duy trì, đặc biệt nhờ sự hỗ trợ vốn của Chính phủ và sự kiên quyết, đúng đắn của tỉnh trong vấn đề giải quyết tình trạng bao chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích nên đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, tổng diện tích đã xử lý thu hồi là 3.890/4.117 ha, đạt 94,48% diện tích cần xử lý, số diện tích còn lại đang tiếp tục thực hiện. Công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng được giao khoán đến từng hộ dân; công tác phòng, chống cháy rừng đặc biệt được chú ý nhằm bảo vệ, ngăn chặn và hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra, diện tích rừng bị cháy giảm qua từng năm. Tỷ lệ che phủ rừng là 32,5% (bao gồm độ che phủ cây cao su trên địa bàn) đạt 98,5% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (NQ đến năm 2015: 33% trở lên). Thực hiện công tác tưới tiêu tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và cung cấp đủ nước cho các nhà máy chế biến công nghiệp. Hệ thống kênh thuỷ lợi được quan tâm đầu tư, đặc biệt hệ thống thuỷ lợi Hồ Dầu Tiếng được hiện đại hoá, đi vào hoạt động bảo đảm an toàn cho vùng hạ lưu, chống hạn hán vào mùa khô, đẩy mặn chống ô nhiễm nguồn nước và cung cấp đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 19,50%/năm, trong đó có năm 2011 tăng đột biến (26,65%). Công nghiệp phát triển đều cả 3 khu vực, trong đó phát triển mạnh nhất là khu vực dân doanh (30,92%). Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp năm 2011 tăng 17,04%, năm 2012 tăng 12,63% so với năm trước, 6 tháng 2013 tăng 15% so với đầu năm.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình khuyến công quốc gia và địa phương. Phần lớn các ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng, do sản phẩm đã ngày càng được các doanh nghiệp chú trọng đến chất lượng, mẫu mã, giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Sản xuất công nghiệp ngày càng đa dạng về ngành nghề, trong đó phải kể đến sự phát triển mạnh của ngành công nghiệp chế biến nông sản, mía, mì, cao su… đã tập trung phát triển theo vùng nguyên liệu, vùng nông thôn; đã có chủ trương cho tiến hành nâng công suất, thay đổi quy trình công nghệ tiên tiến đối với các cơ sở chế biến tinh bột mì để nâng cao hiệu quả, bảo vệ môi trường tạo điều kiện giải tỏa những vướng mắc lâu nay của doanh nghiệp. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp phát triển, một số làng nghề truyền thống được quan tâm mở rộng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cư dân biên giới đầu tư, hợp tác sản xuất và vận chuyển nông sản sau thu hoạch tại các tỉnh giáp biên thuộc vương quốc Campuchia về Tây Ninh.

Các siêu thị góp phần đáng kể tăng doanh thu bán lẻ các nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm, hàng may mặc và đồ dùng, thiết bị gia đình.... (Trong ảnh, khách mua sắm tại siêu thị Co.op mart Tây Ninh)

Các ngành dịch vụ có bước chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm 12,32%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tăng bình quân 18,59%/năm. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 tăng 19,27%, năm 2012 tăng 6,36%, 6 tháng 2013 tăng 4,25%. Hạ tầng thương mại ngày càng được quan tâm đầu tư mang lại hiệu quả. Hoạt động của mạng lưới chợ - siêu thị - trung tâm thương mại đã góp phần quan trọng trong việc cung ứng đầy đủ hàng hoá, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường và sự phát triển kinh tế của địa phương. Trong giai đoạn này đã hình thành và phát triển hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị. Đáng chú ý là Siêu thị Co.op mart, Trung tâm thương mại Intimex, Siêu thị điện máy Chợ Lớn, Thế giới di động... góp phần đáng kể tăng doanh thu bán lẻ các nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm, hàng may mặc và đồ dùng, thiết bị gia đình....

Hoạt động thương mại biên giới được quan tâm củng cố, phát triển, đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và các hoạt động mua bán biên mậu. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả, chống đầu cơ, tăng giá không hợp lý được quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Các dịch vụ vận tải được nâng cao về chất lượng đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá của nhân dân.

Dịch vụ tín dụng ngày càng được nâng lên về số lượng và chất lượng với nhiều chính sách chăm sóc khách hàng. Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 05 chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP) và 05 phòng giao dịch được cấp phép hoạt động. Luỹ kế, trên địa bàn có 15 chi nhánh Ngân hàng thương mại, 58 phòng giao dịch, 18 quỹ tín dụng nhân dân, nâng tổng số Tổ chức tín dụng từ tỉnh đến huyện là 91.

Dư nợ cho vay tăng bình quân 16,2%/năm; trong đó, tỷ trọng cho vay trung, dài hạn năm 2011 chiếm 30,7%, năm 2012 chiếm 33,5% và đến tháng 6.2013 chiếm 33%/ tổng dư nợ. Dư nợ cho vay chủ yếu là đầu tư cho hộ tư nhân, cá thể đạt 11.562 tỷ đồng, tăng bình quân 13%/năm, dư nợ cho vay doanh nghiệp dân doanh đạt 5.300 tỷ đồng, tăng bình quân 9,2%/năm. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có mức dư nợ tăng khá cao, đạt 10.400 tỷ đồng, tăng bình quân 17,5%/năm. Nợ xấu đến cuối tháng 6.2013 là 168 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1%/tổng dư nợ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra, như GDP đạt 11,92% trong khi nghị quyết từ 14% trở lên; giá trị sản xuất công nghiệp 19,5%, nghị quyết từ 21% trở lên; giá trị sản xuất dịch vụ 12,32%, nghị quyết từ 14% trở lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, quy mô nền kinh tế còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh chưa cao. Huy động vốn đầu tư phát triển chưa tương xứng với yêu cầu và tiềm năng phát triển kinh tế…

HY UYÊN