Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Từ ngày 10.7, thay đổi mức phạt đối với những vi phạm về bảo vệ môi trường
Thứ tư: 21:51 ngày 16/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ ngày 10.7, Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ có hiệu lực. Nghị định 55/2021/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung 37 điều của Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Đáng chú ý, quy định mới giảm đáng kể mức phạt với một số hành vi vi phạm về môi trường nơi công cộng.

Từ ngày 10.7, hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, lòng đường có thể bị phạt tới 2 triệu đồng. Ảnh minh hoạ

Giảm mạnh các mức phạt

Theo đó, tại khoản 18, Điều 1, Nghị định 55/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP) quy định như sau, phạt tiền từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (hiện nay, mức phạt đối với hành vi này là phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng).

Hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng (mức hiện hành từ 5 - 7 triệu đồng).

Nghị định 55/2021/NĐ-CP còn sửa đổi mức phạt đối với nhiều hành vi khác, đơn cử như hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 150.000 đồng.

So với Nghị định 155/2016/NĐ-CP, mức phạt hành vi này theo Nghị định 55/2021/NĐ-CP đã giảm từ 400.000 - 850.000 đồng. Đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 150.000 đồng - 250.000 đồng (hiện hành phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng).

Bên cạnh đó, hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường khi tham gia giao thông theo quy định mới sẽ bị phạt 2 - 4 triệu đồng, trong khi hiện mức phạt 7 - 10 triệu đồng. Đồng thời, bổ sung thêm biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm này là buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu, chuyển giao chất thải cho đơn vị có chức năng xử lý.

Ngoài ra, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi về các hành vi vi phạm các quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và bổ sung thêm các các tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đồng thời, còn sửa đổi, bổ sung việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và sử dụng thông số môi trường để xác định hành vi vi phạm hành chính, mức độ vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; nguyên tắc xử phạt một số hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường...

Giảm mức phạt, tính khả thi sẽ cao hơn

Bà Lương Thị Ngọc Nhung–Phó Chủ tịch UBND xã Thái Bình (huyện Châu Thành) cho hay, những bãi đất trống tại địa phương đều được UBND xã cắm bảng cấm xả rác nơi công cộng, kèm theo quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi này.

Bên cạnh đó, xã có bố trí lực lượng canh chừng để bắt quả tang lập biên bản, xử phạt “nóng” các hành vi xả rác bừa bãi, không đúng nơi đúng nơi quy định. Từ năm 2017 đến nay, xã đã xử phạt 7 trường hợp xả rác thải sinh hoạt ra nơi công cộng. Tuy nhiên, mức phạt hiện hành cho hành vi này là rất cao so với thu nhập của người dân, vượt khả năng đóng phạt của họ. Các trường hợp sau khi bị xử phạt đều được làm cam kết không tái phạm. Đối với vi phạm quy định vệ sinh nơi công cộng như vứt rác, đầu mẩu thuốc lá, tiểu tiện nơi công cộng… rất khó xử phạt do không đủ điều kiện, nguồn lực thực hiện, hành vi lại diễn ra nhanh chóng.  

“Nghị định 55/2021/NĐ-CP có sự điều chỉnh giảm mạnh mức phạt ở một số hành vi vi phạm về môi trường công cộng. Các mức phạt tiền sẽ hạ xuống còn 100.000 đồng - 2 triệu đồng, tùy hành vi. Việc giảm mức phạt tiền giúp cơ quan chức năng dễ xử phạt hơn, tăng cường hiệu quả thực thi các quy định bảo vệ môi trường”, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Bình bày tỏ.

Đồng quan điểm, Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Nguyễn Thị Kim Hương cho biết, sau hơn 4 năm áp dụng Nghị định 155/2016/NĐ-CP đã tạo sự chuyển biến tích cực đối với người dân trong các khu dân cư.

Đặc biệt, do mức phạt cao, hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nghiêm nên việc vi phạm trên lĩnh vực môi trường trong khu dân cư đã giảm, nhiều nơi trước đây có tình trạng xả rác bừa bãi nay đã không còn. Tuy nhiên, do mức phạt tiền cao nên việc xử phạt của chính quyền địa phương gặp không ít khó khăn, đặc biệt là khi xử phạt những người xả rác nơi công cộng. Việc điều chỉnh giảm mạnh các mức phạt như vậy sẽ hợp lý và phù hợp với thực tiễn. 

Thiên Di

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục