Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành các quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 03/4/2023.
Điều chỉnh các mức lãi suất từ ngày 03/4/2023
Đây là lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành trong tháng 3/2023, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Thời gian qua, triển vọng kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, lạm phát nhiều nước tiếp tục duy trì ở mức cao; tăng trưởng kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, tăng trưởng Quý I thấp so với cùng kỳ nhiều năm; lạm phát trong nước được kiểm soát;
Thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài dư thừa, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế; đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đã nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất huy động.
Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng nhà nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 03/4/2023. Cụ thể như sau:
Giảm lãi suất tái cấp vốn
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 574/QĐ-NHNN ngày 31/3/2023 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với Tổ chức tín dụng.
Theo đó lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm;
Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giữ nguyên ở mức 6,0%/năm.
Giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam
Ngân hàng nhà nước Quyết định số 575/QĐ-NHNN ngày 31/3/2023 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm;
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm;
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 576/QĐ-NHNN ngày 31/3/2023 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm;
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.
Mức lãi suất của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội,...
Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 577/QĐ-NHNN ngày 31/3/2023 về mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước giữ ở mức 0%/năm.
Ngân hàng nhà nước ban hành Quyết định số 578/QĐ-NHNN ngày 31/3/2023 về mức lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô tại Ngân hàng nhà nước.
Theo đó, lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất.
Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dung và tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, Phó Thống đốc nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối Ngân hàng – doanh nghiệp tại các địa phương, trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn theo hình thức phù hợp để đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng; nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ; làm rõ thông tin, nguyên nhân các trường hợp không tiếp cận được vốn vay…
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật; thành lập đường dây nóng (điện thoại, email) để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; xử lý, trả lời rõ ràng đối với việc cấp tín dụng cho từng trường hợp cụ thể...
Đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.
Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ
Chia sẻ về điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra, cụ thể: Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất.
Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng…
Triển khai với nỗ lực cao nhất nhiệm vụ được giao tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, chú trọng triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc Hội và Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% cho các đối tượng theo quy định, các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng chính sách xã hội.
Ngân hàng nhà nước tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng;
Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, giám sát việc triển khai Phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng...
Nguồn chinhphu