BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tự nhục…

Cập nhật ngày: 03/11/2022 - 23:46

BTN - Điều đó cho thấy vị thế đất nước ngày càng được nâng cao, hà cớ gì mấy ông, bà “dân chủ Cuội” cứ xỏ xiên, hạ thấp hình ảnh “nơi chôn nhau, cắt rún” của mình vậy ta?

Xem ra, chuyện cụ Tổng nhà mình vẫn còn được mấy ông, bà “dân chủ Cuội” luận bàn tới bữa nay. Ngay khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ 3, báo chí phương Tây đồn đoán búa xua. Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine, dư luận cứ nghĩ rằng, người có vinh dự được ông Tập mời thăm chính thức đầu tiên phải là Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif. Cả Nga và Pakistan đều được xem là đồng minh của Trung Quốc, luôn được Bắc Kinh xếp hàng đầu trong quan hệ ngoại giao. Ai mà ngờ, người được mời lại là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chắc chắn, Trung Quốc phải xem trọng Việt Nam lắm, phải không Tư?

- Thông tin cho Năm biết, Tổng thống Pháp bày tỏ mong muốn đi cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến thăm Trung Quốc vào ngày 4.11 tới, nhưng không được nước chủ nhà xếp lịch; lãnh đạo các nước như Australia, Canada, Anh… cũng phải chờ vì chưa được bố trí thời gian. Mà chưa chắc có vị lãnh đạo nào được Trung Quốc đón tiếp bằng nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, với 21 phát đại bác chào mừng.

Đó là chưa kể, ông Tập còn mời cụ Tổng nhà mình thưởng thức 4 loại danh trà, trong đó có Đại hồng bào mà theo nhiều người sành trà cho biết là lấy từ lục đại lão mộc trà, còn được gọi là 6 cây trà mẹ, cả ngàn năm tuổi trên vách đá Cửu Long Cốc thuộc dãy Vũ Di, ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc. Đây là quốc bảo Trung Hoa ẩm vì lục đại lão mộc trà trên đỉnh núi Vũ Di mỗi năm chỉ làm ra đúng 800g.

- Mấy ông, bà “dân chủ Cuội” vẫn cứ bai bải là cụ Tổng “đi chầu Thiên triều”…

- Tui hỏi ông he, dù cụ Tổng tuổi đã cao, nhưng nếu công du mà mang lại lợi ích cho nhân dân, cho kinh tế đất nước, chắc chắn cụ sẽ đi. Tổng cộng 13 văn kiện về hợp tác trong các lĩnh vực đảng, tư pháp, hải quan, môi trường - sinh thái, thể thao và giao lưu văn hoá đã được ký kết. Đó là chưa kể, ngay từ khi cụ Tổng khởi hành, Trung Quốc bắt đầu nới lỏng việc xuất nhập hàng, nông sản qua cửa khẩu. Qua chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Giáo sư Dương Đan Chí- Trợ lý Chủ nhiệm Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương và Chiến lược toàn cầu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, hai bên đã đạt được một số tiến triển trên cơ sở những nhận thức chung đạt được trong thời gian qua. Hai bên đã đạt đồng thuận mới về kinh tế xanh và kinh tế số. Điều này cho thấy Việt Nam và Trung Quốc đang tìm kiếm những điểm tăng trưởng mới trong hợp tác kinh tế, qua đó thổi luồng sinh khí mới và tạo nên động lực mới cho quan hệ Việt - Trung trong tương lai.

Hai bên cũng nhất trí về sự kết nối giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” với khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai”. Ngoài ra, hợp tác về xây dựng cơ sở hạ tầng và thương mại điện tử cũng được đề cập trong Tuyên bố chung. Những lĩnh vực này đều mang màu sắc của thời đại, vì hiện nay, thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh. Đây có thể là cơ hội phát triển rất tốt cho cả Trung Quốc và Việt Nam.

Cả thế giới đều biết rõ đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là “độc lập - tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế”. Quốc gia nào cũng muốn tạo ra sức ảnh hưởng đến Việt Nam. Hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11, lần lượt Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres rồi Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik André Henrik Christian và Công nương phu nhân Mary Elizabeth sang thăm; dự kiến, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng phái đoàn kinh tế sẽ đến Việt Nam vào giữa tháng 11 và có thể là Tổng thống Joe Biden sang thăm vào cuối tháng 11…

- Điều đó cho thấy vị thế đất nước ngày càng được nâng cao, hà cớ gì mấy ông, bà “dân chủ Cuội” cứ xỏ xiên, hạ thấp hình ảnh “nơi chôn nhau, cắt rún” của mình vậy ta?

- À, à… để xem, dân gian hay gọi kiểu này là, là… tự nhục!

Đ.H.T