Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tự nhục
Thứ sáu: 07:52 ngày 31/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dù đất nước mình giờ làm được nhiều việc ngang tầm thế giới, nhưng những người vốn mang bệnh “tự nhục”, họ vẫn cứ chê thôi!

Tư nè, nhớ lúc ông mới vào nghề, có lần ông rủ tui lên Tân Hoà, Tân Châu, băng rừng lội suối vô một điểm trường gì mà nhà tranh, vách đất, không có điện đóm, chỉ xài đèn dầu. Xa xôi, cách trở vậy mà có mấy thầy giáo vẫn bám trụ, dạy học cho mấy chục đứa nhỏ. Giờ chỗ đó thế nào rồi?

- À, chỗ Năm “Thời sự” nhắc là điểm phụ của Trường tiểu học Tân Hoà B ở Cụm dân cư P25, hồi đó một bên là rừng, một bên là lòng hồ. Tôi cũng không rõ lắm, theo lời vài người kể lại, sở dĩ có cái tên là lạ đó là do hồi thập niên 80, thế kỷ 20, nhiều người dân ở phường 25, quận 10, TP. Hồ Chí Minh lên rừng Tân Hoà làm công nhân khai thác gỗ.

Vài năm sau đó, nhiều người gốc Việt từ Campuchia về, người từ nơi khác đến đây lập nghiệp, dần hình thành cụm dân cư gọi là P25 quận 10. Giờ thì dời hết ra khu tái định cư số 4 ở ấp Suối Bà Chiêm (xã Tân Hoà, huyện Tân Châu). Nhưng những người gốc P25, vẫn nhớ những giáo viên đã từng gắn bó với bao thế hệ học sinh.

Mà nói thực, đến giờ, trên cả nước vẫn còn những điểm trường xa xôi, cách trở, thậm chí trên núi cao, như ở bản Phia Khăm 1, xã Bắc Lý, huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An; hay một điểm trường khác ở Sơn Tây, Quảng Ngãi, chỉ có 3 học sinh… hoặc điểm trường A Lao trên đỉnh Lơ Pang, thuộc xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, nhiều lắm, sao mà kể hết. Tóm lại, trên đất nước này, ở đâu có dân, ở đó có điểm trường!

- Không phải tự dưng mà tui hỏi Tư chuyện này. Hổm rày, trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện ngôi trường trên một hòn đảo ở Nhật Bản chỉ có duy nhất một học sinh. Nhiều cư dân mạng bình luận là, ở Việt Nam thì thôi xong, học sinh đó sẽ vô học; thầy cô giáo ở Việt Nam chỉ biết ăn tiền mà không có tâm…v.v... Đọc mà tức ach ách.

- Thôi, tức làm gì, chuyện một vài người Việt “tự nhục” vì thói “sính ngoại” là bình thường, giống như chuyện Việt Nam không làm được ốc vít. Dù đất nước mình giờ làm được nhiều việc ngang tầm thế giới, nhưng những người vốn mang bệnh “tự nhục”, họ vẫn cứ chê thôi!

Đ.H.T

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh