Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Từ những ngôi làng truyền thống

Cập nhật ngày: 17/11/2012 - 05:07

Những ngôi làng Bahnar, Jrai nhỏ bé hiền hòa, có khi tựa vào núi, có làng lại nằm dọc những bờ sông uốn lượn như một dải lụa mềm luôn gợi nỗi ám ảnh. Ám ảnh về triết lý nhân sinh, về con người, về một nền văn hóa bí ẩn, thâm trầm mà ngay cả những nhà dân tộc học nổi tiếng thế giới, gắn bó gần trọn cuộc đời với làng, cũng không thể hiểu đến tận cùng. Gia Lai có nhiều những ngôi làng Bahnar, Jrai như thế. Gìn giữ, bảo tồn, phát triển những làng này gắn với du lịch sẽ tạo ra sự khác biệt cho du lịch Gia Lai.

Dựa vào làng

Mấu chốt của phát triển du lịch là phải tạo ra sự khác biệt. Tuy nhiên khi nhắc đến Gia Lai, không biết phải chọn sản phẩm nào để giới thiệu cho du khách thấy đó là sản phẩm riêng có của ta, như khi nhắc đến Đà Lạt là nghĩ đến thành phố ngàn hoa, thành phố mộng mơ, thành phố của tình yêu…

Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: “Ưu tiên số một của du lịch trong thời gian tới là sẽ tập trung xây dựng, bảo tồn các làng truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Cùng với đó, ngành Du lịch sẽ có nhiều chính sách ưu tiên để phát triển loại hình du lịch này, đồng thời xây dựng thành thương hiệu của du lịch Gia Lai”.

Thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh đã khảo sát ở 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để lựa chọn những ngôi làng còn giữ được không gian, kiến trúc truyền thống, chưa bị “đô thị hóa” chạm tới để xây dựng thành những điểm đến cho du khách như: làng Phung, làng Kép (Chư Pah), làng H’Way (Đak Pơ), Plei Ơi (Phú Thiện)… Cùng với đó là công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể với số lượng cồng chiêng, hệ thống lễ hội, trang phục truyền thống, số lượng nhà rông… “Với những ngôi làng được lựa chọn, chúng tôi đề nghị Phòng Văn hóa-Thông tin các địa phương đặc biệt quan tâm để bà con giữ nguyên hiện trạng; tạo quỹ đất để bà con tổ chức các sinh hoạt, lao động xung quanh tránh phá vỡ kiến trúc làng truyền thống”- ông Hoàng nói.

Du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn các làng truyền thống là hướng phát triển du lịch bền vững khi trúng nhiều đích: gìn giữ các ngôi làng Jrai, Bahnar, gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng trước khi bị đô thị hóa “nuốt chửng”; tạo việc làm cho người dân vùng sâu, vùng xa bằng chính các dịch vụ gắn liền với đời sống, với nếp sinh hoạt đã có từ hàng ngàn năm nay của họ; tạo dựng thương hiệu, tăng doanh thu cho ngành Du lịch…

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn trong phát triển loại hình du lịch này, theo ông Nguyễn Đức Hoàng, chính là ý thức của người dân: “Người dân chưa có ý thức làm du lịch như ở các bản làng khu vực miền núi phía Bắc. Trong khi phát triển loại hình du lịch này, họ là nhân tố quan trọng. Vì thế, sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức những lớp tập huấn ngay tại cộng đồng làng để nâng cao ý thức của người dân trong việc cùng tham gia làm du lịch. Đối với các công ty lữ hành, chúng tôi sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ để họ xây dựng các tour du lịch để đưa du khách về làng”.

Sự khác biệt

Phát triển loại hình du lịch cộng đồng theo định hướng của ngành Du lịch tỉnh rất “trúng ý” các doanh nghiệp lữ hành. Bởi lẽ, đây chính là loại hình đánh trúng thị hiếu của du khách hiện nay. Ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty Lữ hành Gia Lai Xanh nhận định: “Đây là hướng đi đúng của ngành Du lịch Gia Lai. Không phải đến bây giờ thị hiếu của khách du lịch mới hướng vào loại hình du lịch cộng đồng gắn với liền với đời sống của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên. Cách đây hơn 10 năm người ta đã rất thích loại hình này”.

Để đáp ứng thị hiếu du khách, trước đây Gia Lai cũng đã xây dựng thí điểm một số làng văn hóa du lịch. Nhưng đây cũng chính là bài học đắt giá để ngành Du lịch rút kinh nghiệm khi tiếp tục phát triển loại hình du lịch này. Việc “phát triển” quá mức những ngôi làng văn hóa du lịch này cuối cùng trả giá đắt khi bị khách du lịch quay lưng. Làng Văn hóa Đê Ktu (huyện Mang Yang)-một ngôi làng từng là điểm đến khá thú vị-nhưng nay thì không một du khách nào còn muốn quay lại do tốc độ bê tông hóa khiến diện mạo một ngôi làng Bahnar truyền thống gần như biến mất.

Còn Làng Văn hóa du lịch Plei Ốp (TP. Pleiku) không ít lần khiến chúng tôi bối rối vì ngôi nhà rông đầu làng suốt ngày khóa cửa im ỉm, muốn vào tìm hiểu cũng không biết cách nào để vượt qua sự im lìm, lạnh lẽo của cánh cửa bị khóa kín. Ngôi làng từng là niềm tự hào vì đại diện cho bản sắc của Tây Nguyên và được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn lợi nhuận từ làm du lịch chuyên nghiệp này hầu như chỉ còn là danh hão. Sản phẩm du lịch “made in từ làng” như thổ cẩm, tượng nhà mồ, các sản phẩm đan lát… muốn mua cũng không biết tìm đâu.

Tất nhiên, đó chỉ là thiểu số. Một khi đã dựa vào làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo thành thương hiệu du lịch của Gia Lai, tỉnh cần có những bước đi chiến lược, chuyên nghiệp. Và, tham khảo ý kiến của các công ty lữ hành là việc nên làm bởi họ mới chính là người trực tiếp nắm bắt được thị hiếu của du khách để có những góp ý xác đáng. “Phát triển phải đi liền với bảo tồn, đặc biệt là phát triển không được ngược lại thị hiếu du khách.

Lấy tiêu chí sạch sẽ nhưng nó phải hài hòa với thiên nhiên, với kiến trúc nhà rông, nhà sàn chứ không phải bê tông hóa làng thì mới gọi là sạch sẽ. Một dân tộc có bề dày văn hóa, truyền thống lịch sử, tiếng nói, chữ viết, kiến trúc, trang phục riêng thì dù phát triển thế nào cũng phải tôn trọng cái riêng. Đó cũng chính là yếu tố hấp dẫn khách du lịch bởi người ta luôn bị thôi thúc, tò mò bởi những gì khác biệt, những gì họ không có…”- ông Hà Trọng Hải nêu ý kiến.

V.C (st)