BAOTAYNINH.VN trên Google News

Từ Quang Hoá đến Trảng Bàng (Nhân 130 năm thành lập quận Trảng Bàng, nay là thị xã Trảng Bàng) 

Cập nhật ngày: 20/09/2023 - 08:48

BTN - Đến nay- 2023 là vừa đúng 130 năm cái tên quận Trảng Bàng được ghi danh vào bản đồ hành chính tỉnh Tây Ninh. Quận đánh dấu một bước tiến mới của đô thị Trảng Bàng- đó là quận đầu tiên được thiết lập ở Tây Ninh.

Cầu đi bộ Trảng Bàng. Ảnh: Hiểu Sinh

Sách “Từ điển địa danh hành chính Nam bộ” của tác giả Nguyễn Đình Tư (Nxb chính trị Quốc gia, năm 2008) có mục từ Trảng Bàng, đó là: “Quận thuộc tỉnh Tây Ninh từ năm 1903 gồm 4 tổng: + Tg Triêm Hoá với 5 làng + Tg Mỹ Ninh với 5 làng + Tổng Giai Hoá với 5 làng; + Tg. Hàm Ninh Hạ với 6 làng. Sau đó không rõ năm nào tách tg. Giai Hoá nhịp vào q.Thái Bình cùng tỉnh. Ngày 12.4.1948 tách 2 tổng Mỹ Ninh, Triêm Hoá hợp với tg. Giai Hoá của q.Châu Thành lập q. Gò Dầu Hạ…”.

Như vậy, đến nay- 2023 là vừa đúng 130 năm cái tên quận Trảng Bàng được ghi danh vào bản đồ hành chính tỉnh Tây Ninh. Quận đánh dấu một bước tiến mới của đô thị Trảng Bàng- đó là quận đầu tiên được thiết lập ở Tây Ninh. Phần còn lại của tỉnh vẫn là 1 huyện- huyện Thái Bình. Phải đến 27 năm sau, năm 1930, chắc là khi đủ tiêu chí, chính quyền thực dân mới thành lập tiếp quận thứ 2 là quận Thái Bình. Đến năm 1942, quận này đổi tên thành quận Châu Thành.

Còn nữa, đến năm 1948 sau khi thành lập quận thứ 3 là Gò Dầu thì quận Trảng Bàng chỉ còn 1 tổng. Đấy là tổng Hàm Ninh Hạ. Năm 1903, tổng này có 6 thôn là: An Tịnh, An Hoà, Gia Lộc, Gia Bình, Lộc Hưng, Phước Chỉ; sau 120 năm, những địa danh này vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay.

Vì sao lại có cớ sự ấy? Chỉ có một lý do: Trảng Bàng là vùng phát triển nhất của tỉnh Tây Ninh lúc bấy giờ. Dân số vì vậy cũng là đông nhất. Theo 1 tấm bản đồ Tây Ninh xưa của người Pháp do nhà nghiên cứu trẻ Phí Thành Phát sưu tầm, được vẽ khoảng thập niên đầu của thế kỷ 20, dân số của tổng Hàm Ninh Hạ chiếm tới 32% dân số toàn tỉnh. Trong khi, tổng đông đúc nhất của huyện Thái Bình là Hoà Ninh cũng chỉ có 14%. Còn tổng ít người nhất chính là tổng Chơn Bà Đen, chỉ chiếm có 1% dân số.

Nhớ, một lần cách nay gần 10 năm, vào xem Nhà Truyền thống Trảng Bàng, khi ấy nó vừa được xây trong công viên Trảng Bàng. Trong phòng nổi bật tấm biển xanh, chữ trắng ghi “Trảng Bàng qua các thời kỳ”, trong có một đoạn như sau: “Trải qua bao nhiêu biến cố lịch sử, tên gọi địa giới Trảng Bàng nhiều lần thay đổi.

Năm Gia Long thứ VIII (1809) tên gọi là Thuận An huyện, thuộc Tân An phủ. Năm 1863, sau khi Pháp đánh chiếm đổi là Quang Hoá thuộc Tây Ninh phủ. Đến năm 1890, tỉnh Tây Ninh được chia thành 2 quận: Thái Bình và Trảng Bàng (Quang Hoá)…”.

Lại đúng lúc đọc xong một bài báo trong “câu chuyện cuối tuần” của tác giả Đ.H.T (Báo Tây Ninh ngày 4.8.2023), trong đó bạn nhắc lại câu nói Bác Hồ: “Phải biết lịch sử một cách tường tận, rõ ràng, cụ thể. Không dạy cho thế hệ tương lai biết tường tận về lịch sử là có lỗi với lịch sử…”. Miền đất Trảng Bàng- là miền đất cổ, có trong tâm thức của nhiều người Tây Ninh và cả nước. Vậy cũng đã đến lúc sửa những cái sai (nếu còn) ở trong Nhà truyền thống thị xã Trảng Bàng.

Trong đoạn trích ở trên, chỉ có một chi tiết đúng. Đấy là Trảng Bàng xưa thuộc về huyện Thuận An, phủ Tân An. Nhưng vẫn sai vì tác giả ghi “tên gọi (Trảng Bàng) là Thuận An huyện…”, trên thực tế thì dù sau này có tách ra để lập phủ huyện mới, thì huyện Thuận An vẫn còn là huyện Thuận An.

Viết thế khiến bạn đọc hiểu rằng Trảng Bàng được đổi tên từ Thuận An ngày trước. Các chi tiết còn lại đều sai: như viết địa giới, mà đúng ra phải là địa danh (Trảng Bàng). Mà cái sai nhất là ở đoạn: “Năm 1863, sau khi Pháp đánh chiếm đổi là Quang Hoá.

Đúng ra thì triều vua Minh Mạng đã đặt tên huyện Quang Hoá từ năm 1836, ngay khi thiết lập phủ Tây Ninh. Sách Đại Nam thực lục chính biên viết: “Nay đổi đặt đồn Xỉ Khê làm huyện Tân Ninh, đạo Quang Hoá làm huyện Quang Hoá, gọi thành Quang Hoá là huyện thành. Lại đặt phủ Tây Ninh kiêm lý huyện Tân Ninh.

Nhân cái đồn bảo cũ chữa cho cao rộng thêm để làm phủ thành. Đổi sông Đục (Sài Gòn- TV) là sông Thanh Lưu đặt đồn bảo Thanh Lưu cho lệ thuộc vào huyện Tân Ninh…”. Chuyện này là vào mùa thu năm Minh Mệnh thứ 17 (1836).

Làng Trảng Bàng xưa (ảnh tư liệu Đ.H.T)

Muốn biết tình hình Tây Ninh khi bị Pháp chiếm năm 1862 (chứ không phải 1863) thì nên tham khảo nghiên cứu của Vương Công Đức trong sách “Trảng Bàng phương chí” (Nxb Tri Thức, năm 2016).

Trang 137 có đoạn: “Sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, ngày 12.8.1962 Chính quyền hải quân Pháp ra quyết định thành lập lại phủ Tây Ninh, gồm 3 huyện Tân Ninh, Quang Hoá và Bình Long (Bình Long nguyên trước đó thuộc phủ Tân Bình, bao gồm phần đất thuộc các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Đức Hoà ngày nay).

Ngày 3.2.1866, Pháp thành lập Sở thanh tra Tây Ninh và Quang Hoá. Theo đó, Sở thanh tra Quang Hoá độc lập và tương đương với Sở thanh tra Tây Ninh… Đến ngày 16.8.1867, Pháp đổi Sở thanh tra Quang Hoá thành Sở thanh tra Trảng Bàng…”, tuy vậy đến ngày 7.6.1871…

Thống đốc Nam kỳ Dupré lại “giải thể sở thanh tra Trảng Bàng, sáp nhập với sở thanh tra Tây Ninh thành khu hành chính, quân sự Tây Ninh, hay còn gọi là hạt tham biện Tây Ninh…”. Phần tiếp theo như chúng ta đã biết: “Ngày 20.12.1899, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định, kể từ 1.1.1900 tất cả các tiểu khu hay sở tham biện ở Nam kỳ đều đổi gọi là tỉnh. Đơn vị hành chính tỉnh Tây Ninh xuất hiện từ đó đến nay, không còn thay đổi nào nữa” (Nguyễn Đình Tư- Tây Ninh xưa và nay, Tạp chí Xưa Nay số 96, năm 2001).

Đoạn văn trên của nhà nghiên cứu hàng đầu về Nam bộ Nguyễn Đình Tư đã bác bỏ chi tiết sai thứ 3 trong bản giới thiệu về Trảng Bàng qua các thời kỳ của Nhà truyền thống Trảng Bàng. Đó là: “Năm 1890, tỉnh Tây Ninh được chia thành 2 quận: Thái Bình và Trảng Bàng…”.

Năm 1890, Tây Ninh vẫn chỉ là 1 sở Tham biện (còn gọi tắt là hạt), chưa là một tỉnh. Và chia quận, thì như đã viết (1903 và 1930). Năm 1890 chỉ có 1 sự kiện mà nhiều sách sử địa phương đã kể, như lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (2010): “Thực dân Pháp cắt một phần đất dọc theo rạch Ngã Bát cho Campuchia”.

Từ đấy địa giới Tây Ninh được trọn vẹn tới ngày nay”. Từ các sự kiện vừa trình bày, thì từ năm 1867, địa danh Quang Hoá mới chấm dứt sứ mạng lịch sử của mình, sau gần 100 năm được khai sinh dưới triều nhà Nguyễn.

Trần Vũ (còn tiếp)