Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Từ Tây Ninh tiến về Sài Gòn- mùa xuân 1968
Thứ tư: 10:42 ngày 07/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có thể có nhiều mũi tiến công xuất phát từ Tây Ninh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, nhưng mấy ai đã biết mũi tiến công vào Dinh Ðộc Lập- sào huyệt của chính quyền Sài Gòn lại xuất phát từ An Tịnh, Trảng Bàng.

Nhà bia kỷ niệm các đội 3, 4, 5 Biệt động Sài Gòn tại căn cứ An Tịnh.

Tập thông tin tư liệu “Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968” của Thư viện tỉnh Tây Ninh số 1.2018 có bài viết mô tả trận đánh quan trọng này. Theo đó, trận đánh do Ðội 5- Biệt động Sài Gòn thực hiện.

Ðội 5 có 15 người, nữ chiến sĩ duy nhất là Vũ Minh Nghĩa. Chị cũng là người duy nhất thoát ra được sau trận đánh. Bài viết cũng cho biết: “Ðêm đó, đón giao thừa Mậu Thân 1968 xong, tại căn cứ Củ Chi, cô gái trẻ Vũ Minh Nghĩa dẫn 5 anh em biệt động ra bến xe về thẳng nội đô…”.

Thế còn 9 người khác đã ra đi từ đâu, không thấy bài viết này nhắc tới. Cách không xa miếu Bà ở ấp An Phú, xã An Tịnh có một cụm di tích mới được khánh thành ngày 22.7.2016. Các cụ lão thành kể, nơi đây là căn cứ của các Ðội 3, 4, 5 Biệt động Sài Gòn, thuộc Quân khu Sài Gòn - Gia Ðịnh. Ðấy là nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, lập nên ngay tại nơi các chiến sĩ biệt động xuất quân trong mùa xuân 1968 anh hùng.

Dưới bệ tượng đài có gắn bảng đá khắc một bài thơ: “Mậu Thân chiến tích lừng danh/ Tấm gương chiến sĩ biệt động thành/ Khắc tên anh vào bia tưởng niệm/ Ngàn đời sau còn mãi tên anh/ Chiến công vang dội đời ghi nhớ/ Biệt động Sài Gòn đậm nét son/ Thống nhất hai miền Nam Bắc/ Hoà bình độc lập tự do/ Lòng trung với Ðảng nghĩa tình quân dân/ Anh em đồng đội xa gần/ Tấm bia biệt động ân cần khắc ghi/- Ngày 23 tháng 7 năm 2016/- Lưu bút Hoàng Hôn/ Minh Ðức”.

50 năm đã đi qua! Hình ảnh các anh chị biệt động Sài Gòn vẫn còn kia, sừng sững uy nghi trên bục tượng đài. Hai bên là hai tấm bảng đá đen ghi khắc các liệt sĩ đã hy sinh và các cán bộ chỉ huy biệt động thành. Phía trên là tấm bảng chữ Tổ quốc ghi công Ðội 3, Ðội 4, Ðội 5 Anh hùng LLVTND Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Ðịnh.

Sách truyền thống An Tịnh viết: “Cuối mùa mưa 1967, theo chủ trương của Bộ tư lệnh Miền, Trảng Bàng cùng với Bến Cát, Dầu Tiếng, Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp hợp lại thành Phân khu 1 để chuẩn bị tiến công và nổi dậy trong Tết Mậu Thân…”.

Không chỉ là căn cứ hậu cần, vận chuyển và giữ gìn hàng trăm tấn vũ khí cho bộ đội ta đánh địch, đây còn là căn cứ quân y giữa lòng dân, từng nuôi giấu dưỡng thương cho 800 thương binh qua các đợt tổng công kích Mậu Thân.

Từ miền đất này, các chiến sĩ biệt động đã ăn tết sớm, rồi xuất trận. Chi tiết này đã được khẳng định qua lời người trực tiếp tham gia chiến dịch- ông Phan Văn Hôn, chiến sĩ Ðội 5- Biệt động Sài Gòn. Báo Nhân Dân cuối tuần, số ra ngày 14.1.2018 có bài viết: “Biệt động thành- chiến công như huyền thoại”.

Trong đó ông Hôn (năm 1968 mới 22 tuổi) kể lại: “28 tết chúng tôi còn liên hoan ở An Tịnh- Trảng Bàng. Sáng 29 xuất phát từ đó về Sài Gòn… 9 giờ đêm, đồng chí Tư Tăng (Nguyễn Văn Tăng) đến kiểm tra lần cuối công tác chuẩn bị, rồi lật sa bàn, chỉ rõ mục tiêu của Ðội 5- Biệt động Sài Gòn:- đánh thẳng vào Dinh Ðộc Lập…”.

Trận đánh quan trọng nhất của chiến dịch Mậu Thân tại Sài Gòn đã diễn ra như nhiều tài liệu đã ghi. Nhưng không phải tất cả 15 chiến sĩ đã hy sinh. Vẫn còn 7 người sống sót. Là do có “sự trao đổi sinh mạng với giặc lái Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc” nên 7 chiến sĩ đã không bị xử bắn ở chợ Bến Thành như dự định của kẻ thù, mà bị kết án chung thân ở Côn Sơn. Sau hiệp định Paris, họ được trao trả năm 1974.

Riêng ông Bảy Hôn vượt ngục thành công. Chính các cán bộ chiến sĩ của Biệt động Sài Gòn đã về lại căn cứ khi xưa ở ấp An Phú, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng xây dựng nên một nhà bia ghi công những người đã mất. Hằng năm, họ vẫn tìm về nơi nhân dân đùm bọc chở che một thời “nếm mật nằm gai”.

Gần đây thôi, còn có miếu Bà An Phú. Trên nền móng của ngôi tín ngưỡng dân gian có tự xa xưa, đã có thêm một ngôi miễu thờ liệt sĩ. Trong miễu có văn bia hoài niệm chiến sĩ, mặt miếu có đôi câu đối rực rỡ vàng son: “Thân khả vong danh tiết bất vong/ Anh hùng tử, chí hùng bất tử”. Như một lời khắc cốt ghi tâm của người dân An Tịnh anh hùng.

Từ Tây Ninh ra đi, tiến tới Sài Gòn xuân Mậu Thân còn có các lực lượng vũ trang. Như Tiểu đoàn 16. Còn ít người biết được đơn vị tiến đánh sân bay Tân Sơn Nhất năm ấy cũng được khai sinh và trưởng thành trên miền đất Tây Ninh.

Bảng tóm tắt thành, đề nghị phong tặng anh hùng LLVTND của tiểu đoàn này còn ghi rõ: “Từ tháng 7/1967 đến tháng 11/1967, đơn vị được Bộ Chỉ huy Miền giao cho Tây Ninh- thuộc Quân khu 7, mang phiên hiệu là Tiểu đoàn 16 Tây Ninh. Trong thời gian này, dưới sự chỉ huy của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đã đánh địch- 15 trận lớn nhỏ… Ðiển hình là các trận:- đánh Mỹ đổ quân ở rừng Nhum- Bến Cầu/ Diệt đồn Tam Hợp, ở xã Ninh Ðiền, huyện Châu Thành/ Phá rã ấp chiến lược ở Bến Cầu/ Diệt đồn Mộc Bài/ Pháo kích Chi khu quân sự Bến Cầu…”.

Chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân: “Ðầu tháng 12.1967 nhận lệnh của Bộ chỉ huy và Quân uỷ Miền, Tiểu đoàn 16 hành quân về Long An (sau khi để lại Tây Ninh một số bộ phận… để xây dựng Tiểu đoàn 16B- Tây Ninh). Ðến đây, D16 nhập vào đội hình của Trung đoàn 31, phân khu II, một trong 5 phân khu chuẩn bị bước vào chiến dịch tổng công kích và nổi dậy mùa xuân 1968 phía Tây Bắc Sài Gòn”.

Tiểu đoàn 16 Long An, mà tiền thân là Tiểu đoàn D16 Tây Ninh chính là đơn vị nhận lệnh của Bộ Chỉ huy Miền tiến đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Kết quả không được như dự kiến, nhưng cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn vẫn bám trụ, anh dũng chiến đấu suốt đêm 30 và cả ngày mùng 1 tết Mậu Thân đối mặt với sự phản kích điên cuồng của cả lính Mỹ và phi pháo, xe tăng địch. Ðây cũng chính là trận có người chiến sĩ: “Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhứt/ Nhưng anh gượng đứng lên tỳ súng bên xác trực thăng/ Và anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng” được ghi lại trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của anh hùng liệt sĩ Lê Anh Xuân (viết vào tháng 3.1968).

Từ Tây Ninh ra đi, các anh đã mang theo khí phách “trung dũng kiên cường” của miền đất núi Bà, sông Vàm Cỏ Ðông bất khuất. Miền đất này không chỉ có các căn cứ địa của cách mạng miền Nam suốt hai thời kháng chiến như Dương Minh Châu, căn cứ Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời… mà còn có những căn cứ “lõm” đã trở thành bàn đạp cho các cuộc tiến công vào sào huyệt địch từ Mậu Thân 1968 đến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Hai mũi tiến công đã kể chỉ là số ít trong rất nhiều trang sử vẻ vang trên quê hương căn cứ địa anh hùng.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục