BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những người phụ nữ khuyết tật:

Tự tin với đời 

Cập nhật ngày: 08/03/2023 - 10:56

BTN - Hơn hai mươi năm vất vả, chị Phương có thể cười vui mỗi ngày vì con gái chị đã trở thành cô giáo mầm non và có gia đình riêng.

Chị Tạ Thị Trúc Đậu nhận sửa quần áo cho khách.

Từ khi sinh ra, Tạ Thị Trúc Đậu (37 tuổi), quê ở Sóc Trăng đã phải gánh chịu nhiều nỗi đau. Mới hơn một tháng tuổi, mẹ mất sớm, cảnh nhà khó khăn, cô bé Đậu trở thành con nuôi của một gia đình khác. Lên 2 tuổi, cơn sốt bại liệt đã cướp đi đôi chân bé nhỏ của chị. 12 tuổi, Đậu trở về sống với người thân, cuộc sống khó khăn lại tiếp diễn.

Cơ duyên đến, một người hảo tâm đưa Đậu lên Thành phố Hồ Chí Minh điều trị. Trải qua hai cuộc phẫu thuật, chịu đựng những cơn đau đớn, Đậu đã tập tễnh bước đi. Dù đôi chân vẫn tật nguyền, nhưng đó là lần đầu Đậu tự mình bước đi sau 12 năm chỉ biết bò.

“Ngày còn nhỏ, sống cảnh tật nguyền, tôi lầm lì và hung dữ, như một cách để tự vệ. Nhưng sau này tôi đã thay đổi rất nhiều”- Đậu bộc bạch. Được đi nhiều, tiếp xúc, gặp gỡ nhiều người, dần dần Đậu tự cân bằng cuộc sống và nghĩ tích cực, sống lạc quan hơn.

Khi có thể tự bước đi, Đậu được giúp đỡ đi học nghề may. Đến giờ, Đậu vẫn nhớ rõ những ngày gian nan tìm việc. Nhưng với chị, đó là chuỗi ngày may mắn vì có được niềm vui tự lập và gặp được mối duyên của đời mình.

Đầy vẻ tự tin, chị nói rằng mình là người chủ động trong mối quan hệ này. Sau ngày cưới, vợ chồng chị Đậu về quê chồng tại xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu lập nghiệp. Đến nay, vợ chồng chị đã qua 13 năm chung sống, với sự ra đời của hai đứa con trai khoẻ mạnh.

Chồng chị Đậu cũng là một người khuyết tật, thân hình, cân nặng còn nhỏ bé hơn cả chị. Vì vậy, nhiều việc trong gia đình chị phải tự làm. Chị vui vẻ nói: “Trong gia đình, hai vợ chồng phân chia việc phù hợp mà làm. Nhiều khi ống nước hư tôi cũng tự làm. Bây giờ con trai đã lớn nên đỡ đần được nhiều việc rồi”.

Đôi lúc buồn tủi vì khiếm khuyết nhưng chị không bao giờ suy nghĩ tiêu cực, mà luôn biết vực dậy tinh thần, tự an ủi mình để vượt qua. Chị nói: “Người ta đi được hai chân thì họ có cách sống riêng. Mình không đi được mình cũng có cách riêng để sống. Miễn mình còn đôi tay thì không lo sợ gì”.

Những suy nghĩ đó theo chị vào cuộc sống, biến những khó khăn trong cuộc sống thành điều bình thường. “Có con, mình phải tiết kiệm hơn một chút. Ước mơ của vợ chồng tôi là nuôi con được ăn học đàng hoàng”- chị Đậu tâm sự.

Để lo cho cuộc sống, chồng chị Đậu đi làm xa tận Long An, hai tuần mới về. Chị Đậu ở nhà vừa chăm con, vừa làm nghề sửa quần áo kiếm sống. Mỗi ngày, chồng chị đều điện thoại về trò chuyện với vợ con. Với chị, cuộc sống như vậy đã có thể gọi là đủ đầy, hạnh phúc.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phương (bên trái) vui vẻ, lạc quan trong cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phương, 51 tuổi, ngụ xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành là một người mù. Sinh ra lành lặn, năm 12 tuổi, chị bị đau mắt, sau vài lần chữa trị thì hai mắt gần như mù. Khi đó, cô gái nhỏ vẫn cố níu kéo ánh sáng nhỏ nhoi từ một bên mắt còn thấy đường.

Nhưng hy vọng của chị tắt dần khi mắt còn lại không thể nhìn được nữa. Không buông xuôi theo số phận, chị bắt đầu vực dậy tinh thần. Được hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm, dần dà chị tham gia công tác xã hội như một người bình thường. Trải qua những tháng ngày xa xứ làm thuê nuôi thân, năm 1998, chị lập gia đình và về quê sinh sống, làm việc cho Hội Người mù tỉnh. Chị bắt đầu học thêm nghề massage để kiếm sống.

Khi con gái 3 tuổi, hôn nhân đổ vỡ, chị Phương một mình nuôi con. Hoàn cảnh ấy, với một bà mẹ bình thường đã không dễ dàng, nhưng chị không thấy tuyệt vọng. Tương lai của con gái là động lực để chị ráng làm việc lo cho con. Dù không thể nhìn thấy nhưng chị luôn dõi theo từng bước đi của con gái mình.

Hơn hai mươi năm vất vả, chị Phương có thể cười vui mỗi ngày vì con gái chị đã trở thành cô giáo mầm non và có gia đình riêng. Chị Phương chia sẻ: “Con gái lớn khôn, có việc làm, cuộc sống ổn định, với tôi đó là hạnh phúc, niềm tự hào của một người mẹ. Khó khăn trong cuộc sống, ai cũng có nhưng phải vượt qua bằng chính sức lao động của mình”.

Một người bạn đồng cảnh của chị Phương là chị Vương Lệ Thy, 46 tuổi, ngụ phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành. Năm 3 tuổi, chị Thy mất đi ánh sáng sau một cơn bệnh nặng. Hoàn cảnh gia đình không trọn vẹn, cuộc sống hôn nhân đổ vỡ, nhưng chị Thy không tự ti mà luôn sống tích cực, lạc quan để khẳng định chính mình.

Từ năm 1999, chị làm việc ở Hội Người mù tỉnh cho đến nay. “Tôi rất thích hát cổ nhạc. Nếu không bị mù, tôi sẽ cố gắng để trở thành một nghệ sĩ". Ước mơ trở thành nghệ sĩ không còn nhưng chị Thy vẫn được thoả niềm đam mê qua lời ca tiếng hát.

Năm 2007, chị Thy tham gia cuộc thi Tiếng hát từ trái tim do Trung ương hội Người mù Việt Nam tổ chức và đoạt được giải Nhì. Đó là kỷ niệm đẹp mà chị Thy không bao giờ quên.

Chị Vương Lệ Thy luôn tự tin mỗi khi cất tiếng hát.

Vi Xuân