BAOTAYNINH.VN trên Google News

Từ U16 Việt Nam năm 2000 đến lứa U19 của bầu Đức

Cập nhật ngày: 24/04/2014 - 07:06

Giỏi nhất khi còn là cầu thủ trẻ, nhưng đứng ở đâu lúc trưởng thành?

Bỏ qua chuyện cách thức đào tạo, nhất là đào tạo về mặt văn hóa của 2 thế hệ không giống nhau, điểm chung giữa cả 2 thế hệ này ở chỗ họ đều được kỳ vọng rất lớn. Lứa U16 của những Văn Quyến, Ánh Cường, Minh Đức, Như Thuật, Lâm Tấn… nổi như cồn sau VCK giải U16 châu Á năm 2000, giải đấu mà họ vào bán kết.

Trong khi đó, lứa U19 của bầu Đức gây sốt ở Việt Nam và Đông Nam Á sau giải Đông Nam Á 2013 và vòng loại giải châu Á diễn ra cùng năm.

Sau các giải đấu đấy, người ta nói rất nhiều về những thần đồng của 2 thế hệ nói trên. Thế nhưng, thực tế diễn ra với đội U16 Việt Nam năm 2000 lại không đúng như kỳ vọng. Ngoại trừ Minh Đức, không cầu thủ nào trong thế hệ U16 Việt Nam từng vào bán kết giải châu Á năm 2000 tỏa sáng ở đội tuyển quốc gia ở các giải đấu lớn những năm sau đó, kể cả “cậu bé vàng” Phạm Văn Quyến.

Từ U16 Việt Nam năm 2000 đến lứa U19 của bầu Đức

U19 Việt Nam có những nhược điểm tương tự như lứa U16 Việt Nam từng vào bán kết giải U16 châu Á năm 2000, ảnh: Kim Điền

2 giải đấu hay nhất của Phạm Văn Quyến là SEA Games 22 năm 2003 và SEA Games 23 năm 2005, trong màu áo đội U23 Việt Nam. U23 hay đội Olympic vẫn chưa phải là đội tuyển quốc gia, nên không thể nói Văn Quyến đã tỏa sáng trong màu áo của đội tuyển Việt Nam ở các giải đấu quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam.

Lứa U19 của bầu Đức sau này cũng vậy. Có thể bây giờ họ là lứa cầu thủ tốt nhất trong thế hệ của mình ở lứa tuổi 19. Nhưng đấy cũng chỉ là tốt nhất mang tính ước lượng, vì thực tế là các cầu thủ U19 của bầu Đức có đá bóng ở các giải đấu cấp quốc gia với những đội khác đâu mà biết giỏi hay không giỏi hơn các đội khác.

Cũng chưa thể nói trước được tương lai của lứa U19 trong tay bầu Đức, vì kỳ thực đến bây giờ người ta cũng chưa biết khi nào họ… ra lò. Họ đang chuẩn bị được học tiếp đại học, tức là kéo dài chương trình huấn luyện, nên người ta cũng không biết sau này họ sẽ đá bóng đỉnh cao ở đâu, hoặc có đá V-League hay không?

Thừa chất nghệ sĩ, nhưng thiếu tính thực dụng của một đội bóng đỉnh cao

Chúng tôi đã từng đề cập đến chuyện lứa U16 từng vào bán kết giải châu Á năm 2000 có rất nhiều cầu thủ xuất sắc ở thời điểm ấy, nhưng sau này không thể thành ngôi sao khi bước ra bóng đá đỉnh cao.

Đấy là những Ánh Cường, Như Thuật. 2 cầu thủ vừa nêu không thiếu kỹ thuật, đầy chất tài hoa, nhưng kỳ thực là phong cách của họ chỉ phù hợp với các giải trẻ, không thích hợp với thứ bóng đá đỉnh cao ngày càng đòi hỏi nhiều thể lực và nhiều va chạm.

Thế hệ U19 của bầu Đức bây giờ cũng có những cầu thủ tương tự. Dạng như Đông Triều đá vai trung vệ nhưng lại không biết cách… chuồi bóng, cũng không biết thế nào là một pha phạm lỗi chiến thuật (cần phân biệt phạm lỗi chiến thuật khác với đá ác ý theo kiểu triệt hạ đối phương).

Hay như đội trưởng Xuân Trường của U19 Việt Nam đá tiền vệ trung tâm, giữ bóng tốt, nhưng lại thiếu những đường chuyền vượt tuyến gây bất ngờ cho đối thủ, và thiếu khả năng thu hồi bóng, cũng như phòng ngự từ xa mà một tiền vệ trung tâm bắt buộc phải có.

Có thể khi đá ở các giải trẻ, những nhược điểm này ít bị khai thác, nhưng nếu đá với một đội bóng giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, thì họ không khó đọc ra điểm yếu của các cầu thủ trên.

Dĩ nhiên, mọi so sánh đều là khập khiễng. So sánh giữa 2 thế hệ cầu thủ thuộc 2 thời kỳ khác nhau với tốc độ phát triển bóng đá mỗi thời cũng khác thì càng khó khăn hơn. Nhưng thất bại trong việc vươn lên đỉnh cao của các thần đồng ngày nào ở đội U16 Việt Nam năm 2000 không khỏi khiến người ta liên tưởng đến lứa U19, vốn được tung hô như thần tượng của bầu Đức bây giờ.

Và khi đã có một bài học sẵn có, đấy sẽ là điểm đáng để những người quản lý đội U19 Việt Nam hiện nay tham khảo, trước khi có những định hướng phát triển tốt hơn, khai thác tốt hơn tiềm năng lứa U19 vốn đã được bầu Đức gieo mầm tốt cho đến thời điểm này!

Theo Dân trí