Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bên cạnh các hoạt động tư vấn hướng nghiệp của các trường phổ thông, khi đứng trước ngưỡng cửa chọn nghề, các bạn học sinh đã có sự chủ động, chịu khó tìm hiểu thông tin và “đi” đúng hướng hơn.
Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Châu Thành) tham gia tư vấn hướng nghiệp.
Xu hướng chọn nghề
Như nhiều học sinh lớp 12 khác, các bạn học sinh lớp 12 trường THPT Hoàng Văn Thụ, huyện Châu Thành đã hoàn thành việc đăng ký nguyện vọng với những chọn lựa cân nhắc và phù hợp hơn.
Trần Thị Quế Trân, học sinh lớp 12A14 đã đăng ký nguyện vọng được đi du học nghề điều dưỡng tại Nhật Bản. Em cũng đã được nhận học bổng toàn phần trị giá 500 triệu đồng cho chuyến du học này từ Trường cao đẳng kinh tế công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. Quế Trân đang hào hứng với chuyến du học. Em cho biết: “Em mong muốn học ngành y, vừa là nghề vừa có thêm kỹ năng chăm sóc người thân lúc cần thiết”.
Trước đó, Quế Trân khá đắn đo khi quyết định chọn nghề. Em vốn thích làm công tác Đoàn tại địa phương vì là người hoạt bát, thích hoạt động phong trào. Sau những buổi nghe tư vấn hướng nghiệp tại trường, Quế Trân đã đưa ra quyết định cho tương lai của mình. “Nghe đến thông tin du học nghề nghiệp, em đã liên hệ nhà trường để biết rõ hơn. Sau đó, em hỏi thêm ý kiến gia đình, thầy cô để đi đến quyết định cuối cùng”.
Quế Trân chọn lựa du học nghề nghiệp vì đỡ gánh nặng chi phí học tập cho gia đình. Những ngày thi đến gần, cô nữ sinh cuối cấp đang nỗ lực học tập để thực hiện mong ước cá nhân.
Cũng đăng ký nguyện vọng du học nghề nghiệp, Lê Phương Long, học sinh lớp 12A9 chia sẻ, em quyết định đăng ký học hai chuyên ngành công nghệ ô tô và kỹ thuật thông tin tại Đài Loan. Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phương Long đã cố gắng và đạt thành tích học tập tốt trong năm học cuối cấp. Hiện em tập trung ôn luyện ngoại ngữ để đạt điều kiện du học.
Hoàn cảnh gia đình của Phương Long khó khăn nên em chọn du học nghề nghiệp vừa học vừa làm. Em nói: “Mẹ đã lớn tuổi, sợ khó trang trải chi phí học tập nên em chọn đăng ký du học hệ vừa học vừa làm, đỡ phần chi phí mà còn có thể phụ giúp gia đình”.
Trước đây, Phương Long có nhiều sở thích như làm giáo viên, kinh doanh nhưng càng ngày em cảm thấy mình không phù hợp với các công việc trên. Năm nay, được tham gia các buổi tư vấn hướng nghiệp, Phương Long đã biết thêm nhiều ngành nghề, có thông tin để cân nhắc hơn trong việc chọn nghề. Và Long quyết định chọn du học theo điều kiện bản thân và kinh tế gia đình.
Vũ Nguyễn Việt Phương, học sinh 12A1 vừa đăng ký nguyện vọng vào chuyên ngành công nghệ thông tin. Từ nhỏ được tiếp xúc với máy tính, Việt Phương đã sớm có niềm đam mê và cảm thấy tự tin, hiệu quả hơn khi mình được làm việc cùng máy tính. Vì vậy chọn nghề là chọn theo niềm đam mê của em.
Được ba mẹ đầu tư cho phương tiện học tập, trong chương trình phổ thông Việt Phương được tiếp xúc với lập trình. Bên cạnh đó em còn đăng ký các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Việt Phương cho biết: “Hiện tại, dù có những hồi hộp cho kỳ thi sắp tới nhưng em đủ tự tin, sẽ cố gắng hết sức mình để theo đuổi ngành nghề mình đã chọn”.
Học sinh tại Trường cao đẳng nghề Tây Ninh trong giờ học.
Hiệu quả từ hoạt động tư vấn hướng nghiệp
Cô Nguyễn Thị Liên- Bí thư Đoàn trường THPT Hoàng Văn Thụ (Châu Thành) cho biết trong năm học, đặc biệt thời điểm sau tết, các trường cao đẳng, đại học sẽ đến trường làm công tác tư vấn tuyển sinh, tư vấn sức khoẻ mùa thi. Các buổi tư vấn được tổ chức dưới hình thức kết hợp sinh hoạt dưới cờ, tư vấn dành cho các học sinh khối 12… đảm bảo 100% học sinh khối lớp 12 được nghe tư vấn tuyển sinh.
Theo cô Liên, hiện nay, nhiều học sinh không chọn con đường vào đại học mà quan tâm đến học nghề. Trường đã liên hệ với các trung tâm du học về nghề nghiệp, cao đẳng nghề để có thêm thông tin cho các em lựa chọn.
Trong các buổi tư vấn, học sinh thường quan tâm đến việc làm thế nào chọn đúng nghề vì thực tế vẫn còn nhiều học sinh chưa biết mình phù hợp ngành nghề gì. Những ngành nghề mới, mức học phí của các trường, cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi học xong cũng được các em quan tâm. Trong tỉnh, tham gia tư vấn, hướng nghiệp còn có trường CĐSP. Hằng năm, số lượng học sinh tại trường đăng ký vào Trường CĐSP Tây Ninh tương đối đông.
Không chỉ phối hợp tổ chức tư vấn, đoàn trường còn thăm dò ý kiến học sinh xem các em đã được thỏa mãn những thắc mắc về kỳ thi.Theo cô Liên, nhiều học sinh sau khi tham gia tư vấn đã thay đổi chọn lựa phù hợp hơn; đặc biệt có nhiều em chọn tham gia các chương trình du học nghề nghiệp.
Tháng 3 hằng năm, Đoàn trường còn tổ chức diễn đàn cho học sinh lớp 12 về phương pháp học tốt và ôn thi hiệu quả, hướng dẫn cách thức để các em tập trung ôn thi trong giai đoạn nước rút. Khi đó, thầy cô trong ban tư vấn cũng giải đáp thắc mắc của các em. Ban giám hiệu nhà trường quan tâm chỉ đạo mỗi giáo viên chủ nhiệm là một người định hướng, tư vấn cho các em học sinh trong lớp vì giáo viên chủ nhiệm là người hiểu rõ năng lực của các em; giáo viên bộ môn giáo dục công dân làm nhiệm vụ hướng nghiệp lồng ghép vào tiết học.
Tuy nhiên, theo cô Liên, thầy cô chủ yếu trao đổi thông tin với học sinh. Còn nhà trường vẫn tập trung phối hợp với các trường ĐH, CĐ để tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Thông qua công tác tư vấn, hướng nghiệp giúp các em chọn lựa được những ngành nghề, hướng đi phù hợp.
Thầy Nguyễn Tấn Tài- Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, thị xã Hoà Thành cho biết: Hướng nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trường phổ thông, vì vậy ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm. Trải nghiệm hướng nghiệp là môn học chính khoá được triển khai và giảng dạy cho học sinh từ đầu năm học. Qua đó, trường tổ chức những hoạt động thực tế tại các cơ sở trong tỉnh để giúp các em trải nghiệm và định hướng nghề nghiệp.
Nhà trường đã thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh, nhằm mục đích bồi dưỡng, hướng dẫn học sinh chọn nghề phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, đồng thời phù hợp với thể lực và năng khiếu của cá nhân. Ngoài sở thích, năng lực của học sinh, phải tính đến nhu cầu việc làm của địa phương, khả năng của cá nhân có đáp ứng yêu cầu của công việc sau này. Có thể nói, học phí, cơ hội việc làm là hai vấn đề mà học sinh và gia đình cần nên cân nhắc khi đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.
Tại trường, thông qua hoạt động tư vấn hướng nghiệp, học sinh đã có những chuyển biến tích cực, không chọn học đại học bằng mọi giá, tỷ lệ học sinh học nghề, học cao đẳng, học trung cấp ngày càng tăng. Học sinh thường chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân, không còn học sinh sau khi học đại học 1 năm lại xét tuyển một ngành mới.
Xu hướng hiện nay, nhiều học sinh chọn nhóm ngành kinh tế (Quản trị kinh doanh, kế toán, kiểm toán…) với định hướng không làm nhà nước thì làm cho tư nhân; ngày cáng có nhiều em đăng ký học cao đẳng, trung cấp hoặc học nghề để đi làm.
Theo thầy Tài, để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả, ngoài những nỗ lực thời gian qua, các trường cần sự quan tâm của chính quyền địa phương trong thông báo về tình hình phát triển kinh tế của địa phương, nhu cầu sử dụng nguồn lao động (6 tháng/ lần), định hướng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Sở LĐ-TB&XH và Sở Nội vụ thông báo định hướng nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển của tỉnh Tây Ninh trong năm và tầm nhìn 5 năm, 10 năm. Với những thông tin này, thầy Tài hy vọng công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh sẽ đạt hiệu quả hơn, hạn chế việc sinh viên làm trái ngành nghề sau khi tốt nghiệp ra trường.
Vi Xuân