Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bây giờ “Xóm Xã đội” gọi là “ấp Tân Tiến”, song không mấy ai gọi đúng tên của nó, họ vẫn quen với cái tên quen thuộc, thân thương - “Xóm Xã đội”.

Đến Tây Ninh, về thăm Tân Biên, ai cũng biết đến một vùng đất chết phải oằn mình gồng gánh hàng ngàn tấn bom đạn. Và đây cũng chỉ là một vùng đất điển hình mà tuyến biên giới Tây Ninh phải hứng chịu do hậu quả của các cuộc chiến tranh. Đất hoang hoá, dân cư thưa thớt, tình trạng vượt biên, xâm nhập trái phép, buôn lậu, cướp có vũ khí, xâm canh, xâm cư diễn ra khá phức tạp. Đường sá đi lại khó khăn, dân ta và dân bạn qua lại trao đổi hàng hoá dẫm phải bom mìn làm cho nhiều người bị thương, có người phải thiệt mạng…
![]() |
Nguyên Bí thư TU Nguyễn Văn Nên (ngồi) khảo sát tiến độ xây dựng KDC Chàng Riệc (ngày 19.5.2011) |
Chốt Dân quân mang cái tên Đập Đá đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Có thể nói, Dân quân trong chốt lúc bấy giờ giữ nhiều vai trò khác nhau, vừa bảo vệ biên giới, vừa rà phá bom mìn, vừa tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Khu đất được giải phóng ngày hôm qua thì hôm nay được các anh canh tác theo mô hình cuốn chiếu. Mầm sống dần được hồi sinh, các anh lại nghĩ đến việc làm sao bám trụ ở nơi này, làm sao để giữ vững từng tấc đất biên cương? Thế là mọi người động viên nhau, người nào có cha mẹ, vợ con thì đưa lên sinh sống.
Giữa vùng đất hoang vu luôn rình rập sự chết chóc, bỗng như có sức sống bởi sự định canh, định cư của một vài gia đình dân quân. Người dân qua lại thấy hay hay mới đặt cho cái tên là “Xóm Xã đội”. Một vài năm sau, thấy nơi đây thật sự trù phú và yên ổn, dân ta và dân bạn bắt đầu qua lại buôn bán, làm ăn. Rồi không ai bảo ai, cứ ngày càng nhiều những người dân khắp nơi đưa nhau về đây sinh sống, lập nghiệp. Cuộc sống hiện tại của người dân “Xóm Xã đội” nay đã khá hơn nhiều, người ít thì vài ha, người nhiều thì vài chục ha để canh tác mía, mì và cao su.
Trải qua hơn 20 năm, bây giờ “Xóm Xã đội” đã có tên gọi mới là “ấp Tân Tiến”, song không mấy ai gọi đúng tên của nó, họ vẫn quen với cái tên quen thuộc, thân thương là “Xóm Xã đội”.
Về “Xóm Xã đội, chúng tôi lại nhớ đến “Làng thanh niên lập nghiệp”. Cái nơi nằm cách biên giới cũng chỉ vài trăm mét đường chim bay. Nếu “Xóm Xã đội” hình thành cách đây 20 năm, thì “Làng Thanh niên” được hình thành cách đây chưa tròn năm. Và nếu “Xóm Xã đội” được hình thành như một sự mặc nhiên của những người dân quyết bám đất giữ làng, thì “Làng Thanh niên” được hình thành có sự đầu tư quy hoạch hẳn hoi. Dù Làng mới được hình thành và chỉ với 41 hộ dân, song sức sống của Làng đang vươn lên mãnh liệt. 41 hộ đều là các gia đình thanh niên tiêu biểu có hoàn cảnh khó khăn, được lựa chọn kỹ càng từ các huyện, thị. Đa số thanh niên nơi đây là bộ đội xuất ngũ nên ý chí lập nghiệp, làm giàu và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã hun đúc tinh thần giúp họ chí thú làm ăn. Với điều kiện ban đầu, mỗi hộ gia đình được cấp 1 căn nhà, 2 - 4 ha đất và trên 10 triệu đồng để làm vốn sản xuất.
Nhiều hộ đã làm ăn có hiệu quả. Anh Huỳnh Thanh Long – cư dân của Làng cho biết: “Tôi vừa thu hoạch mùa lúa đầu tiên và lợi nhuận là trên 30 triệu đồng. Còn lại mấy ha mì có lẽ thu nhập cũng khoảng trăm triệu nữa”.
Không chỉ có gia đình anh Long có thu hoạch khấm khá, mà còn nhiều nhiều nữa các gia đình trong vòng chưa đầy một năm mà đã có thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng, như gia đình của các anh: Nguyễn Sĩ Nam, Lê Quốc Việt, Nguyễn Văn Trực, Võ Hữu Hạnh, Võ Văn An… Và con số này sẽ còn cao hơn khi toàn bộ diện tích mì của các hộ gia đình sẽ đồng loạt thu hoạch. Ước tính sau khi trừ chi phí đầu tư, không ít hộ sẽ có thu nhập trên 100 triệu đồng. Đất lành chim đậu, với thành quả đạt được chỉ sau 1 năm lập nghiệp, chúng ta tin rằng không có lý do gì mà thanh niên không yên tâm bám đất giữ làng.
Rời “Làng Thanh niên lập nghiệp” – chúng tôi tự hỏi, với trên 26 tỷ đồng để đầu tư cho dự án, Trung ương Đoàn đã đem lại cho quê hương Tây Ninh một sức sống mới ở một nơi mà người ta thường gọi là vùng “khỉ ho cò gáy” này. Vậy nếu có một dự án lớn hơn gấp nhiều lần thì liệu chúng ta có thực hiện được mục đích: bố trí dân cư hợp lý trên toàn tuyến biên giới, phát huy lợi thế biên mậu và phát triển sản xuất, đặc biệt là bảo đảm cho quốc phòng-an ninh được giữ vững?
![]() |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ kiểm tra tiến độ thi công các tuyến đường biên giới thuộc huyện Tân Biên (ngày 7.7.2011) |
Chúng tôi muốn đề cập đến đề án của “3 khu dân cư Bắc Tây Ninh”, khu vực do Bộ CHQS tỉnh làm chủ đầu tư và là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Đề án, kinh phí ước tính khoảng 600 trăm tỷ đồng. Trước mắt chọn khu dân cư Chàng Riệc làm khâu đột phá, thí điểm; dự kiến khu dân cư này sẽ hoàn thành vào năm 2012. Để cho bà con có cơ sở ổn định cuộc sống và định cư lâu dài, bên cạnh việc bảo đảm đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm… mỗi hộ tại khu Chàng Riệc này được cấp 1 căn nhà trị giá 50 triệu đồng, 1.000m2 đất ở và 1 ha đất sản xuất. Với tiến độ như hiện nay, chắc chắn rằng đến năm 2012, trên diện tích 800 ha đất quy hoạch sẽ có 500 hộ dân với 2.500 nhân khẩu được bố trí ở khu dân cư này.
Từ mô hình của “Xóm Xã đội”, đến “Làng Thanh niên lập nghiệp” và dự án của “3 khu dân cư Bắc Tây Ninh”, dù mỗi nơi được hình thành một kiểu, song hiệu quả và sự trù phú của nó thì không thể phủ nhận. Đó là tiền đề kinh tế, chính trị, xã hội vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên khu vực biên giới, góp phần xây dựng biên giới hoà bình, ổn định, hữu nghị, cùng phát triển.
BÍCH THUỶ