Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong những ngày gần đây, có người dân tự ý dùng cây và bao tải lập đập tạm ngăn dòng chảy của kênh tiêu T15A (đoạn giáp ranh giữa địa bàn ấp Cầy Xiêng, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành và ấp Giồng Cà, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh).

Vị trí đặt đập tạm nằm chắn ngang miệng cống ngang kênh, gây ùn ứ nước phía trên đập và “khan hiếm” nước hướng hạ lưu.
Ông H, một hộ dân có vườn cây ăn trái tại khu vực phía sau cống nêu trên bức xúc cho hay, kênh là công trình thuỷ lợi phục vụ tưới, tiêu chung cho nhiều người dân canh tác nông nghiệp. Việc có người tự ý lập đập tạm ngăn dòng chảy của kênh tiêu để mực nước dâng cao tưới cho riêng vườn cây của mình là không công bằng, vi phạm quy định liên quan công trình thuỷ lợi. Trong khi, những ngày gần đây trời không có mưa, nhiều người dân có cây trồng nông nghiệp khu vực phía sau đập tạm muốn dùng máy bơm nước từ kênh tiêu lên tưới cây thì xảy ra tình trạng thiếu nước.

Ông T, người dân có vườn cây ăn trái hướng thượng nguồn kênh tiêu T15A cũng không đồng ý với cách làm như trên. Theo ông T, đây là dòng kênh tiêu thoát nước cho nhiều diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, việc tự ý lập đập tạm chắn ngang miệng cống trong kênh như vậy có nguy cơ xảy ra rủi ro nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến lợi ích chung của nhiều người.
Cụ thể, nếu thời tiết diễn biến bất thường có nhiều cơn mưa lớn ập đến thì đập tạm này sẽ là điểm vướng cho việc tiêu thoát nước, làm thay đổi công năng được thiết kế ban đầu của kênh tiêu, gây ngập úng khu vực phía trên đập. Đó là chưa kể tiềm ẩn rủi ro đập tạm bị nước cuốn trôi và mắc kẹt vào trong cống, việc khắc phục hậu quả sẽ vô cùng khó khăn, huống chi đây là cống tiêu luồn qua đường nhựa với một đoạn khá dài.

Qua quan sát đập tạm vào ngày 23.4.2025, mặc dù người lập đập dùng những khúc gỗ và nhánh cây tương đối to, chừa không gian phía trên để nước tràn qua ngưỡng chảy xuống miệng cống, thế nhưng trong trường hợp có lượng nước lớn từ những cơn mưa bất thường đổ dồn về đây thì nguy cơ cao đập tạm sẽ bị vỡ, lo lắng nêu trên của ông T là không thừa.
Trao đổi về tình hình đập tạm với ông Lê Đạt Tấn Lợi- Giám đốc Xí nghiệp thuỷ lợi Châu Thành, cùng ngày, ông Đạt chỉ đạo nhân sự phụ trách quản lý tuyến kênh tiêu T15A phối hợp với đại diện UBND xã Đồng Khởi đến đập làm rõ. Sau một khoảng thời gian rà soát, xác minh người dân khu vực lân cận, tổ công tác đã đề nghị người tự ý lập đập tháo dỡ công trình tạm này để trả lại dòng chảy thông thoáng ban đầu của kênh tiêu. Người vi phạm đã chấp hành tháo dỡ đập tạm.

Ông Lê Đạt Tấn Lợi- Giám Xí nghiệp thuỷ lợi Châu Thành cho biết, việc người dân tự ý tạo các vật gây cản trở dòng chảy của kênh như vậy là đã có hành vi vi phạm, được quy định rõ tại Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 6.1.2022 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thuỷ lợi, đê điều).
Tuy nhiên, xét thấy nhu cầu cần nước để tưới cứu sống cây trồng nông nghiệp của người dân này là có thật, đây cũng là vi phạm lần đầu nên tổ công tác đã nhắc nhở, đề nghị người vi phạm phải tháo dỡ đập tạm và người này cũng đã chấp hành ngay.

Theo ông Lợi, về lâu dài, để giải quyết hài hoà nhu cầu tưới, tiêu của người dân canh tác nông nghiệp khu vực hướng thượng nguồn và hạ lưu kênh T15A, Xí nghiệp thuỷ lợi Châu Thành sẽ có hướng đề xuất Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh đến khảo sát kênh tiêu T15A, xem xét nếu được đầu tư xây lắp công trình ngưỡng tràn hình mỏ vịt hoặc thiết kế cửa van máy đóng, mở để vận hành điều tiết nước phù hợp tại dòng kênh tiêu này.
Về phía Xí nghiệp thường xuyên chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc người dân sử dụng nước tại các tuyến kênh tưới, tiêu trên địa bàn quản lý nhằm bảo đảm an toàn vận hành công trình thuỷ lợi.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 19 (Vi phạm gây cản trở dòng chảy của công trình thuỷ lợi) Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 6.1.2022 của Chính phủ: “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi ngâm tre, luồng, nứa, lá, gỗ hoặc tạo các vật cản khác gây cản trở dòng chảy”. Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền còn yêu cầu người vi phạm tháo dỡ, di chuyển các vật chất làm cản trở dòng chảy và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của công trình thuỷ lợi. |
Quốc Sơn