Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tự ý mua dùng thuốc trị COVID-19, nhiều nguy cơ tiềm ẩn…
Thứ ba: 11:37 ngày 11/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trước thực trạng số ca F0 đang tăng nhanh tại Hà Nội và nguy cơ lây lan của biến thể Omicron, nhiều người dân đã tự ý tìm mua tích trữ và tự ý sử dụng thuốc trị COVID-19. Tuy nhiên, việc dùng sai thuốc không chữa được bệnh, thậm chí sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng.

Thuốc trị COVID-19-loại nào cũng có…

Chỉ cần không đến 5 phút lướt trên các trang mạng có thể bắt gặp hàng trăm lời quảng bá về các loại thuốc trị COVID- 19 "xách tay" với rất nhiều lời mời chào hấp dẫn, và hướng dẫn cách sử dụng…

Thuốc được tư vấn là thuốc điều trị COVID-19 của Nga, có tác dụng ức chế virus, tăng cường đề kháng, giảm tối đa lây nhiễm COVID-19. Thuốc có nhiều dạng, dùng cho các lứa tuổi và giá thì "trên trời": Liệu trình 40 viên 10 triệu, hộp 100 viên 13 triệu, 17 viên giá gần 3 triệu…

Thuốc molnupiravir 400mg được chào bán với giá 1,2 triệu đồng/vỉ 10 viên; molcovir có giá gần 5 triệu đồng cho 1 hộp 100 viên nang; thuốc arbidol 200mg của Nga được rao bán giá 290-350 ngàn đồng/hộp 10 viên; thuốc areplivir có giá từ 2,1-2,5 triệu đồng/hộp; thuốc favipiravir và remdesivir cũng được chào bán với giá từ 3-5 triệu đồng...

Thế nhưng, nhiều người vẫn tìm mua các loại thuốc này với tâm lý "phòng bệnh". Chị ĐTH (Cầu Giấy) chia sẻ: "Cơ quan tôi mới có F0, nhà có con nhỏ, bố mẹ già, nên cũng mua sẵn thuốc kháng virus để dự phòng.

Chị cho hay, qua tham khảo trên mạng chị thấy có rất nhiều loại thuốc trị COVID-19 của nước ngoài với nhiều loại giá khác nhau và đã tìm mua một số loại như: Favipiravir, molnupiravir, areplivir, arbidol… với số tiền gần 10 triệu đồng.

Thuốc điều trị COVID-19 được rao báo lan tràn trên các mạng xã hội.

Mua bán, sử dụng thuốc không được phép lưu hành trên thị trường là vi phạm luật

Hiện tại, thuốc kháng virus được sử dụng trong phác đồ điều trị COVID-19 tại Việt Nam mới chỉ có 3 loại: Molnupiravir, favipiravir, remdesivir... Tuy nhiên, theo Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế cập nhật ngày 12/12/2021 thì trong các thuốc có tác dụng kháng virus SARS-CoV2, chỉ có favipiravir hàm lượng 200/400mg là được phép sử dụng đường uống với liều lượng do bác sĩ chỉ định. Thuốc remdesivir chỉ được sử dụng tại cơ sở y tế và cũng tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh.

Theo Bộ Y tế, hiện tại, molnupiravir đang được dùng trong các chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát. Thuốc được cấp phát miễn phí cho bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ và vừa, không được bán trên thị thường.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định, việc mua, bán, sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch, nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.

Các thuốc trị COVID-19 bán trên thị trường đều là vi phạm luật.

Sẽ nguy hiểm khi tự ý dùng thuốc điều trị COVID-19

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương (Trường Đại học dược Hà Nội), thuốc kháng virus là một loại thuốc được sử dụng đặc biệt để điều trị bệnh do virus gây ra. Có nhiều loại virus gây bệnh khác nhau và mỗi loại thuốc kháng virus chỉ có tác dụng trên loại virus đặc trưng, nói cách khác - không thể đem thuốc điều trị virus này để dùng cho bệnh do virus khác gây ra. Các thuốc tác dụng trên vi khuẩn như các kháng sinh cũng hoàn toàn không có tác dụng trên virus.

PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, thuốc trị COVID-19, đặc biệt là thuốc kháng virus đều là những thuốc mới được nghiên cứu. Vì vậy, các đặc tính của thuốc cũng như các tác dụng và độc tính vẫn cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu trong thời gian tới.

Về thuốc kháng virus molnupiravir, đây là thuốc có cơ chế gây đột biến, làm gián đoạn sao chép RNA dẫn đến ức chế sự nhân lên của virus. Thuốc này không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai vì nguy cơ gây dị tật bẩm sinh.

Vì không biết liệu molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng hay không, FDA khuyến cáo nam giới nên sử dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục ít nhất ba tháng sau liều cuối cùng.

Thuốc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn khớp, do đó khuyến cáo không được sử dụng trên trẻ em dưới 18 tuổi. Các tác dụng phụ thường gặp của molnupiravir là tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt…

Tại Việt Nam, molnupiravir được sử dụng trong khuôn khổ chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát chặt chẽ. Do thuốc chỉ có ưu điểm trên một nhóm đối tượng bệnh nhân nhất định và cần kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ của thuốc, và phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của nhân viên y tế, không được tự ý sử dụng.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tại Việt Nam, favipiravir được dùng cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ. Chống chỉ định với phụ nữ có thai hoặc đang có kế hoạch có thai, phụ nữ đang cho con bú, người dưới 18 tuổi, người suy gan, suy thận nặng. Bệnh nhân dùng thuốc chú ý ít nhất hai ngày đầu do có thể gây rối loạn tâm thần. Người tiền sử gout càng cần chú ý theo dõi sức khỏe khi dùng thuốc vì có thể tăng acid uric và làm nặng thêm bệnh.

PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, mỗi thuốc kháng virus chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân COVID-19 nhất định. Do vậy việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, cá thuốc trị COVID-19 này cũng có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ; đồng thời trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro đáng tiếc.

Người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị COVID-19 theo mách bảo. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, mà lại tiềm tàng nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe người dùng, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng COVID-19 ở người bệnh.

Để tránh mắc COVID-19, cách tốt nhất vẫn là tiêm phòng vaccine đầy đủ và tuân thủ 5K của Bộ Y tế…

Mỗi thuốc kháng virus chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân COVID-19 nhất định. Do vậy, việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ.

Nguồn SKĐS

Tin cùng chuyên mục