BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tuần lễ áo dài – Giữ nét duyên áo dài Việt 

Cập nhật ngày: 03/03/2022 - 09:02

BTNO - Hưởng ứng chuỗi sự kiện Áo dài - Di sản văn hoá Việt Nam do Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức, Hội LHPN tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các cấp Hội đồng loạt tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Áo dài nhằm tạo hiệu ứng lan toả trong cộng đồng, góp phần khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm giữ gìn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc.

Hội LHPN tỉnh hưởng ứng “Tuần lễ áo dài”.

Từ năm 2020, hoạt động tôn vinh áo dài - Di sản văn hoá Việt Nam được khởi xướng đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của hội viên, phụ nữ và nhân dân. Năm nay, “Tuần lễ áo dài” sẽ diễn ra từ ngày 1 - 8.3.

Theo Hội LHPN tỉnh, hưởng ứng "Tuần lễ áo dài" do Trung ương hội phát động, Hội LHPN tỉnh đã sớm có kế hoạch phát động hội viên, phụ nữ mặc áo dài trong các dịp họp mặt, trong thời gian diễn ra “Tuần lễ áo dài”, chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 từ ngày 1.3 đến 11.3.2022.

Đặc biệt, mặc trang phục áo dài đồng loạt hưởng ứng sự kiện vào ngày 8.3.2022. Qua đó nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam, tiếp tục khẳng định chủ quyền và tôn vinh giá trị của áo dài Việt Nam trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hoá dân tộc Việt Nam.

Tuần lễ Áo dài không chỉ có hội viên phụ nữ mặc áo dài mà qua đó tuyên truyền vận động cho toàn xã hội cùng quan tâm, có trách nhiệm chung tay bảo vệ, gìn giữ chiếc áo dài, giá trị văn hoá truyền thống của Việt Nam, là quốc phục của dân tộc Việt Nam. 

Ở thời điểm hiện tại, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã và đang có nhiều hoạt động hưởng ứng "Tuần lễ áo dài" hết sức thiết thực, ý nghĩa: Các cơ sở Hội đều phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ mặc áo dài trong "Tuần lễ áo dài", tổ chức thi bình chọn ảnh áo dài đẹp, thi nét đẹp "Duyên dáng áo dài"...

Thực tế, chương trình “Tuần lễ áo dài” mới được tổ chức từ năm 2020, nhưng đã lan toả sự duyên dáng của áo dài Việt Nam đến với nhiều người dân. Áo dài không chỉ được chọn trong dịp hội, họp quan trọng mà còn được nhiều người dân chọn để đi du lịch, du xuân, vãng cảnh chùa.

Tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Kim Anh, một du khách đến từ Đồng Tháp khi chị đang đi du lịch và vãng cảnh chùa tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen mới đây, chị Kim Anh cho biết, từ nhỏ chị đã có niềm đam mê với áo dài, nên trong bất kỳ ngày hội, họp, lễ tết hay đi chơi, chị đều chọn trang phục áo dài. Cũng nhờ đó, chị tự hào được sở hữu tủ áo dài hàng chục chiếc với những kiểu dáng, màu sắc khác nhau.

Nhiều du khách chọn áo dài để đi du lịch, vãng cảnh chùa.

Chị Kim Anh chia sẻ: "Tôi rất thích mặc áo dài. Mỗi lần mặc áo dài, tà áo dài thướt tha khiến tôi luôn thấy mình đẹp hơn từ vóc dáng đến tâm hồn. Nên khi Hội LHPN Việt Nam phát động tuần lễ áo dài, tôi đã tuyên truyền cho hai em của mình cùng mặc để hưởng ứng.

Đến nay, không chỉ tôi mà cả hai em cũng rất thích mặc áo dài. Do đó, "Tuần lễ áo dài" đối với tôi rất nhiều niềm vui và ý nghĩa bởi nó đã lan toả được niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc".

Có thể nói, áo dài là hiện thân của dân tộc Việt, một vẻ đẹp mỹ miều nhưng đằm thắm, là một phần tất yếu trong mỗi người phụ nữ Việt. Trải qua từng thời kỳ, từng giai đoạn, áo dài Việt Nam vừa giữ được sự truyền thống xa xưa vừa có những cách tân hiện đại để phù hợp với nhu cầu sử dụng của mỗi người. Không chỉ là cái áo nữa- chiếc áo dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt, tạo thành sản phẩm văn hoá vật thể truyền thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của người phụ nữ Việt.

Vũ Nguyệt