Hiện nay, tục ăn trầu của người
Mường không còn phổ biến, chỉ còn lại một số người già ở các vùng Mường còn giữ
nếp ăn trầu. Tuy nhiên, trầu cau vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn
hoá; trong tất cả mọi nghi lễ trong đời sống của người Mường.
Người Mường có tục ăn trầu có lẽ từ
rất lâu đời, vì trầu cau đã đi vào nơi thờ phượng. Cũng như người Kinh, người
Mường cũng lấy “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Mỗi khi gặp nhau, họ đều mời nhau
ăn trầu rồi mới nói chuyện. Trước đây hầu hết đàn bà, con gái đều nhuộm răng ăn
trầu, nhiều người đàn ông cũng nghiện trầu. Con gái, con trai cứ lớn lên khoảng
14, 15 tuổi là bắt đầu nhuộm răng, ăn trầu. Loại trầu mà người Mường thích nhất
là trầu màng, loại trầu này lá to, dày và thơm. Loại trầu thứ hai là trầu chấp.
Trầu chấp lá nhỏ hơn và không thơm ngon bằng trầu màng. Hai giống trầu này người
ta trồng được nhưng khi mùa đông, sương muối xuống lá trầu rụng hết, những người
nghiện trầu lại phải dùng đến thứ trầu cỏ, mọc dại ở rừng. Loại trầu này không
cay, không thơm như trầu nhà nhưng họ đành dùng tạm đợi qua mùa đông.
Những thứ được người Mường ăn kèm
với trầu là cau, vôi, vỏ rễ cây then, hoặc lá cau và thuốc lá, thuốc lào. Xưa
kia, đàn bà con gái ai cũng có một túi đựng trầu, đó là túi vải, khâu thành hình
mề gà hoặc hình ống đáy tròn trên miệng khâu viền để luồn dây, thắt lại và buộc
vào ngang lưng mỗi khi đi đâu. Những người già, đã gãy hết răng thì phải ăn trầu
giã. Cối giã trầu được làm bằng xương ống chân bò, lấy đầu đốt xương làm đáy,
tiện cao khoảng 7-8cm. Có người còn bọc bạc quanh miệng cối. Chày giã trầu
thường bằng một đoạn đồng hoặc sắt nhỏ, có ba ngạch ngoài đầu để giã. Sau này
thì thường người ta làm cối giã trầu bằng đồng. Bình vôi thường làm bằng gốm,
thứ này dân Mường không làm được mà phải mua của người kinh đem từ đồng bằng lên
bán. Nếu không mua được thì người ta đựng vôi bằng ống nứa. Những người nghèo
thì thường hay gói thuốc lá bằng lá vào khăn còn những người giàu có và nhà
quyền quý thì đựng thuốc lá và vôi vào chiếc ốc đào bằng bạc, ốc đào vừa để đựng
vừa là đồ trang sức, người có ốc đào đeo trong thắt lưng thì lấy đó làm sang. Vì
người Mường có câu “Thủl tlù pên pang, khăn nang khả thước, hài hước pên khau”
nghĩa là “túi trầu bên cạnh, khăn cau đằng trước, hài (dép) bên sau.
Trầu cau đã đi vào đời sống văn hoá
người Mường thật sâu đậm. Trầu cau có mặt trong tất cả mọi nghi lễ trong đời
sống của người mường. Trong phần dâng cơm của một nghi lễ thì bao giờ người ta
cũng mời uống nước ăn trầu trước, rồi mới mời đến cơm và rượu. Và đặc biệt trong
lễ cưới hỏi, trầu cau là một lễ vật quan trọng không thể thiếu. Trầu cau cũng là
vật báo tin vui. Mỗi khi nhà ai được biếu trầu và cau thì biết ngay là nhà có em
gái, cháu gái trong họ sắp sửa xuất giá. Qua đó, trong họ hàng cũng biết để
chuẩn bị quà mừng cho đám cưới tới. Những đồ mừng đồ mừng đó có những thứ phải
chuẩn bị khá lâu như rượu cần chẳng hạn. Trong những tiệc tiếp khách long trọng
thì thường các cô gái Mường là người mời trầu mời nước. Họ có hẳn bài hát mời
trầu rất trữ tình.
Mặc dù người Mường đã biết ăn trầu
từ lâu đời như vậy nhưng họ không mấy ai biết têm trầu cánh phượng. Miếng trầu
được quệt vôi vào giữa lá, gấp song song, dọc hai bên lá cuộn tròn và găm cuống
lá vào giữa miếng. Thường thì các bà các chị têm trầu từ đêm hôm trước, lúc mọi
việc trong ngày đã xong xuôi, họ ngồi nghỉ ngơi uống nước ăn trầu nói chuyện sau
một ngày lao động mệt nhọc, tiện thể họ chuẩn bị trầu cho cả ngày hôm sau. Sáng
dậy họ lại bắt đầu một ngày bằng miếng trầu cho đỏ môi, thơm miệng.
K.D (st)