Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Làng Lạc Thổ có tên nôm là làng Chêu, thuộc thị trấn Hồ (Thuận Thành) nằm ở phía bờ nam của lưu vực sông Đuống, có truyền thống văn hoá, phong tục tập quán đặc sắc, trong đó tiêu biểu là tục cúng gà ngày hội làng.
Làng Lạc Thổ có tên nôm là làng Chêu, thuộc thị trấn Hồ (Thuận Thành) nằm ở phía bờ nam của lưu vực sông Đuống, có truyền thống văn hoá, phong tục tập quán đặc sắc, trong đó tiêu biểu là tục cúng gà ngày hội làng.
Gà Hồ là giống gà quý được dân làng chọn lọc giống và nuôi dưỡng từ lâu đời. Gà có trọng lượng rất lớn. Sách “Dư địa chí Bắc Ninh” ghi: “Xã này thờ thần, lấy gà làm giống quý… con to nặng 12 đến 13 cân ta, con bé không dưới 8 đến 9 cân ta”. Hiện thôn Lạc Thổ có Hội nuôi gà Hồ với hơn 40 hội viên.
Ông Nguyễn Thế Thục, 73 tuổi, một trong những người nuôi gà Hồ cho biết: Vì là sản vật quý của địa phương nên gà Hồ được dân làng chọn làm lễ vật dâng thành Hoàng làng vào ngày Hội làng (mùng 10 tháng 2 Âm lịch). Trước đây, sau khi diễn ra lệ làng, mỗi giáp trong làng (17 giáp) sẽ chọn một gia đình nuôi gà dâng lễ cho làng vào năm sau. Gia đình được lựa chọn vừa có vinh dự, nhưng đồng thời trách nhiệm lớn lao, vì họ phải nuôi gà theo đúng tiêu chuẩn, gà phải mau lớn, nặng cân để giáp được chọn gà làm lễ tế.
Sau khi được phân công, chủ nhà tiến hành chọn gà giống tốt, khoẻ mạnh để nuôi. Tiêu chí chọn rất khắt khe: Phải là gà sống đã trưởng thành, có đặc điểm mã mận, đuôi nơm, cánh trai, đầu công, mỏ sít, thân trường, da đỗ lành, lông gà nhất thiết không được một chiếc nào màu trắng.
Sau khi chọn được gà ưng ý, chủ nhà tiến hành nuôi dưỡng, chăm sóc gà theo chế độ đặc biệt. Mùa hè gà được ở nơi thoáng mát, mùa đông ở nơi ấm áp. Thức ăn cho gà được chủ nhà lựa chọn kỹ gồm gạo nếp nấu hơi nát, cám gạo sàng chọn những hạt nhỏ, sau đó nắm thành những nắm nhỏ, trộn với nước ấm hoặc nước cơm. Nếu gà chưa đạt đủ trọng lượng cần thiết, chủ nhà sẽ cho gà ăn thêm thịt mỡ lợn thái nhỏ.
Sáng ngày 10 tháng 2 (Âm lịch), chủ gia đình nuôi gà tiến hành mổ gà. Trước khi mổ gà, gia chủ phải thắp hương kính báo với tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ để gà của giáp được chọn làm vật tế lễ của làng. Quá trình mổ gà cũng phải lưu ý các công đoạn sau: Người trực tiếp mổ gà phải là chủ nhà và có hai người nam trong giáp phụ giúp. Một người cầm cánh và người khác cầm chân, nhưng làm sao để gà không được gẫy cánh. Người cắt tiết phải chọn được tia chính để cắt hết tiết và khi luộc chín gà không có màu đen. Nước làm lông gà không được nóng quá, thường ở nhiệt độ khoảng 85 đến 90 độ C, để tránh làm hỏng da gà và vặt lông gà dễ dàng. Gà được mổ moi, làm sạch nội tạng, gia chủ phải tạo dáng gà theo hình nhạn bay, hai cánh gà mở ra, đầu nhìn thẳng, chân hơi quỳ, sau đó đưa vào luộc. Công đoạn luộc cũng rất cầu kỳ, có hai cách luộc sau. Cho gà vào nồi đồng, luộc bằng củi gọc và trấu, đun lửa cháy lom đom, nước đổ ngập nhưng chỉ để sôi nhẹ. Hoặc gà được cho vào một chiếc nồi lớn, sau đó đổ nước sôi ngập, khi nước nguội lại thay lượt nước đun sôi khác, cứ như thế cho tới khi gà chín. Thông thường để luộc được chín một con gà phải mất từ 5 đến 6 giờ. Gà luộc xong được đặt lên mâm để đưa ra đình.
Đúng giờ quy định của làng, các giáp mang gà đã chuẩn bị ra đình làm lễ. Gà được đặt ở nhà Tiền tế của đình, người chủ lễ sẽ lựa chọn những con gà có hình thức đẹp, da không bị nứt để đưa vào đình. Sau đó, họ đem gà ra cân. Cách cân: Cho gà vào quang gánh, một bên quang đựng gà, một bên quang đựng tiền, khi nào cân bằng hai bên thì đó là trọng lượng của gà. Con gà nào có số lượng tiền nhiều nhất chính là gà được chọn để tiến hành tế lễ dâng lên thành Hoàng làng và chủ nhân con gà là người thắng cuộc. Người thắng cuộc không chỉ đem lại vinh quang cho cả giáp mà còn được số tiền thưởng bằng trọng lượng của con gà. Gia đình nào nuôi gà thắng cuộc liên tiếp trong 3 năm thì được cấy một mẫu ruộng của làng, uy tín của gia đình đó đối với người trong giáp cũng tăng lên.
Tục cúng gà hiện nay đã bỏ đi những công đoạn phức tạp, rườm rà. Những người nuôi gà ở làng Lạc Thổ hàng năm vẫn mang gà ra đình để thi chọn những cặp gà giống đẹp nhất để cho dân làng, khách thập phương chiêm ngưỡng.
Đ.T (st)