Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tục lệ thả thuyền trong tín ngưỡng dân gian ở Tây Ninh
Thứ tư: 07:38 ngày 05/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo quan sát của chúng tôi thì hiện nay tục lệ thả thuyền tống ôn còn ở các ngôi đình: Cẩm An (xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu); Trường Đông và Trường Tây (thuộc thị xã Hoà Thành).

Thả thuyền trên bến Trường Đông.

Ở một số ngôi đình, miếu Tây Ninh, cho đến nay vẫn còn tục lệ thả thuyền tống ôn, tống dịch. Với ý nghĩa là tống tiễn các loại quan ôn, dịch bệnh gây hại cho mùa màng, gia súc gia cầm và cả cho con người. Người dâng cúng tống tiễn ôn dịch ra đi với lòng thành tâm, hy vọng một năm mới làng thôn được vui vẻ thuận hoà, yên ổn làm ăn, làm đâu thắng đấy.

Theo quan sát của chúng tôi thì hiện nay tục lệ thả thuyền tống ôn còn ở các ngôi đình: Cẩm An (xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu); Trường Đông và Trường Tây (thuộc thị xã Hoà Thành). Trừ đình Cẩm An ở khá xa sông Vàm Cỏ Đông, bên phía Tây quốc lộ 22B, thì 2 ngôi còn lại đều ở sát bờ sông.

Khi mọi lễ nghi cúng đình đã hoàn tất, thường là vào buổi trưa ngày cuối cùng, mỗi đình đều trịnh trọng thực hiện nghi thức thả thuyền trên sông Vàm Cỏ Đông. Thường là khi ấy, con nước lớn đã đổi sang con nước ròng tức là nước bắt đầu rút, xuôi dòng. Con thuyền thả sẽ dễ dàng được trôi đi theo dòng nước. Thuyền trôi đi êm thuận, là sự hứa hẹn 1 năm làng xóm được bình an.

Cho dù không phải là nghi lễ chính trong lễ hội Kỳ yên, như Túc yết, Đoàn cả hoặc Xây chầu hát bội; nhưng lễ thả thuyền bao giờ cũng rất đông vui, thu hút người đi cúng đình lẫn du khách đến xem. Các đội múa lân sư rồng (nếu có) cũng thường phải đợi đến lúc ấy, để còn tham gia đưa tiễn con thuyền.

Như ở đình Cẩm An, từ đình ra đến bến rạch Bàu Nâu là gần 2 cây số. Rồi từ đây, thuyền được đưa xuống ghe lớn chạy ra tận giữa dòng sông lớn. Trên đường đi, và cả trên thuyền, là chiêng trống, thanh la, não bạt rền vang điểm nhịp cho lân sư rồng tiếp tục biểu diễn. Theo sau còn cả đông đảo một dòng người. Sự náo nhiệt sẽ còn tiếp tục cho đến tận khi con thuyền vừa thả đã trôi xa hút mắt.

Có lẽ do quan niệm đây chỉ là phần nghi lễ phụ, cho nên các nghiên cứu về tục lệ này chưa có nhiều. Tìm trong vài sách về các nghi lễ truyền thống của người Việt, không thấy gì nhiều. Chỉ có sách Đình miếu và lễ hội dân gian của nhà văn Sơn Nam (Nbx TP. Hồ Chí Minh, 1992) mô tả bằng đúng một câu: “Có kiểu cúng tế không hoàn trả như dịp tống ôn, tống dịch, thả trôi phẩm vật trên dòng sông, trên bè chuối…”.

Ông gọi đấy là “loại cúng tế không hoàn trả”, để phân biệt với loại cúng tế có hoàn trả, là cúng tế thần. Khi ấy: “Chánh và bồi tế được “ẩm tộ”, uống tượng trưng chén rượu đã dâng cúng xong, người cúng xôi bánh cùng được hoàn trả lại tượng trưng để ăn mà lấy phước đức…”.

Rước thuyền tống ôn đi thả tại đình Cẩm An.

Tra trên google cũng thấy có một vài bài về lễ tống ôn, như: lễ tống ôn, tống gió trên sông Hậu (Báo Dân trí, 2013), lễ tống ôn của người Bình Dương (Báo Bình Dương, 2014), hay lễ cúng tống ôn ở Tây Ninh (Tạp chí Văn hoá Phật giáo, 2020).

Theo báo Dân trí: “Lễ tống ôn, tống gió là một lễ lâu đời của người dân vùng Nam bộ. Lễ tổ chức nhằm xua đi những điều không tốt, xui rủi, tai ương trong năm qua và cầu an cho năm mới tốt lành…”. Bài viết về lễ này ở Tây Ninh cũng phân tích ý nghĩa chính tương tự.

Tuy vậy, lại có một chi tiết sai (hoặc nhầm lẫn) khi viết về lễ tống ôn ở đình Trường Đông, rằng: “Theo các vị cao niên thì thuyền tống ôn còn là thuyền đưa các vị thần, Tiền hiền Huỳnh Văn Nhu, hậu hiền Nguyễn Văn Tiến cùng các vị khách khuất mặt khuất mày đến dự lễ Kỳ yên ở đình trở về nơi ở của mình…”.

Ngày 16 tháng Giêng năm Quý Mão (2023), khi hỏi lại chi tiết này với các bậc cao tuổi trong Ban Hội đình Trường Đông, thì có vị “phản ứng” ngay. Rằng:- Nhà các vị Thần, Tiền thần và Hậu hiền là ở ngôi đình thì làm gì có chuyện đưa tiễn các vị ấy đi đâu nữa? Một vị giải thích theo hướng khác, cho rằng các vị được tiễn đi ấy là các quan “Hành binh, hành khiển”, có tên trong danh sách được thỉnh về viết trong lá sớ dâng lên và “hoá” trước ban thờ.

Cũng sai nốt! Bởi các vị này cũng được coi như những linh thần được mời về “phối hưởng” trong lễ hội Kỳ yên; không thể có chuyện lại được tiễn đi chung với các loại quan ôn dịch đem theo những chuyện xui rủi cùng dịch bệnh.

Dò tìm căn nguyên của sự sai (hoặc hiểu lầm) kể trên, thì thấy nó xuất xứ ngay từ những người lập hồ sơ di tích đình Trường Đông- ngôi đình đã được UBND tỉnh công nhận di tích LS-VH cấp tỉnh từ 27.12.2001. Bài viết in trong sách Di tích LS-VH Danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh (Sở VH,TT&DL, 2014) có đoạn: “nhờ công hai vị tiền hiền là ông Huỳnh Văn Nhu và hậu hiền là ông Nguyễn Văn Tiến đã có công lập làng Trường Đông…

Khi hai ông mất họ lập đền để thờ, hàng năm tổ chức lễ kỳ yên vào ngày 16 tháng 1, đúng 12 giờ 30 phút trưa nước ròng thì đưa hai ông đi…”. Chỉ một đoạn ngắn vừa trích cũng có tới 3 lỗi sai, chưa kể tới lỗi gọi đình là đền. Một là không có sự kiện “lập làng Trường Đông”.

Xã Trường Đông chỉ xuất hiện sau năm 1979 do huyện Hoà Thành thiết lập khi chia tách ra từ xã Trường Hoà. Thứ hai là lễ Kỳ yên là vào ngày 15 và 16 tháng 1 âm lịch, không phải 16 tháng 1 (dương lịch) như sách viết. Cái sai thứ 3, quan trọng nhất là “đưa ông đi lúc 12 giờ 30 phút”.

Các ông ở đây là thành hoàng làng, có phải “quan ôn dịch bệnh” đâu mà tống tiễn các ông đi! Chuyện mới qua chưa đầy 45 năm, mà cán bộ văn hoá đã “quên” gốc gác xã Trường Đông, vốn là một phần của xã Trường Hoà, được thiết lập ngay từ thời vua Minh Mạng, thuộc tổng Triêm Hoá của huyện Quang Hoá, phủ Tây Ninh. Và, đình Trường Đông, chính là ngôi “đình Trung” của xã Trường Hoà thuở trước.

Ngoài các ngôi đình đã kể, thì còn một ngôi dinh thờ quan lớn Huỳnh Công Nghệ ở ấp Bình Lợi, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành còn giữ được nghi lễ thả thuyền tống ôn vào ngày cúng dinh 16.3 âm lịch hằng năm. Tuy vậy, có thể chỉ là ở đình Trường Đông, nghi lễ này được tổ chức thịnh soạn và chu đáo nhất.

Tại đây có cả 2 phần: Khao ôn và Tống ôn. Gần trưa ngày 16, các nghi lễ chính đã xong, người ta trải chiếu bày một mâm đồ ăn thịnh soạn trước bàn thờ Hội đồng, phía trước chiếu đặt con thuyền đã được chuẩn bị chu đáo hướng mũi ra sông.

Khi nhang đã tàn, các cụ mũ cao áo dài trong Ban Hội sẽ trịnh trọng khiêng thuyền lên đi ra ghe lớn trong tiếng trống chiêng vang dậy cùng đoàn lân sư hộ tống. Bờ sông lúc này đã chật kín người xem. Ai đã xem một lần thì còn ấn tượng mãi! Để năm sau, đến hẹn lại về.

Trần Vũ

Báo Tây Ninh
app than so học online
Tin cùng chuyên mục