Nhận cha mẹ nuôi cho trẻ là một tập quán diễn ra tương đối phổ biến trong cộng đồng các dân tộc vùng cao Lào Cai, nhưng ở mỗi tộc người lại có những tập tục, nghi lễ khác nhau, tạo nên nét văn hóa đặc trưng của mình.
Nhận cha mẹ nuôi cho trẻ là một tập quán diễn ra tương đối phổ biến trong cộng đồng các dân tộc vùng cao Lào Cai, nhưng ở mỗi tộc người lại có những tập tục, nghi lễ khác nhau, tạo nên nét văn hóa đặc trưng của mình.
Với người Phù Lá, tục nhận cha mẹ nuôi cho trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: những cặp vợ chồng cưới nhau một thời gian mà vẫn chưa sinh được con thì cặp vợ chồng sẽ đi tìm một đứa trẻ nhận về nuôi với mong muốn sẽ sớm sinh được con hoặc cặp vợ chồng đã sinh được con nhưng đứa trẻ hay ốm yếu, khó nuôi thì bố mẹ đứa trẻ sẽ đến nhờ một thầy mo trong làng xem giúp đứa trẻ khó nuôi là do nguyên nhân gì, nếu đứa trẻ có tuổi không hợp với bố mẹ đẻ thì gia đình phải tìm cha mẹ nuôi cho đứa trẻ.
Để tìm cha mẹ nuôi cho trẻ, người Phù Lá thường có hai cách chủ yếu, một là dùng cách bẫy dây ở tại nhà, hai là phải nhờ thầy cúng đến cúng xem giúp đứa trẻ hợp với tuổi của người nào đó trong dòng họ, hoặc trong làng thì gia đình sẽ đến đặt vấn đề nhờ người đó làm cha mẹ nuôi cho đứa trẻ.
Bẫy dây tại nhà là cách tìm cha mẹ nuôi phổ biến hơn cả, vì cách làm này đơn giản, không cần phải nhờ đến thầy cúng. Gia đình sẽ chọn một ngày tốt trong tháng, nhưng phải là ngày chẵn, vì người Phù Lá quan niệm những ngày chẵn là ngày đẹp, có thể làm được việc đại sự trong gia đình. Sau đó lấy một bát nước rồi lấy sợi chỉ vắt ngang qua bát nước với ý nghĩa hồn của đứa trẻ đang chơi vơi trong bát nước cần có người đến cứu giúp. Đợi đến khi màn đêm đã về khua, không còn khách đến chơi nhà, bố đứa trẻ sẽ mang bát nước đặt lên bàn thờ tổ tiên rồi theo dõi xem ngày hôm sau ai là người đến chơi nhà đầu tiên, (không kể là trẻ, con gái, con trai) thì người đó sẽ được gia đình nhận làm cha nuôi hoặc mẹ nuôi cho đứa trẻ. Sau khi bẫy được cha nuôi cho trẻ, bố mẹ đứa trẻ sẽ mổ gà làm một mâm cơm để báo cáo với tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ cho đứa trẻ luôn khỏe mạnh, ngoan ngoãn, chóng lớn. Cúng tổ tiên xong, cha mẹ đứa trẻ bế đứa trẻ ra trước mặt cha mẹ nuôi, quỳ lạy cha mẹ nuôi ba lạy, sau đó cha mẹ nuôi lấy sợi chỉ buộc vào cổ đứa trẻ. Sợi dây chỉ mang ý nghĩa như chiếc bùa hộ mệnh, bảo vệ hồn đứa trẻ tránh được mọi tà ma, giúp cho cơ thể luôn khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn, đồng thời sợi dây chỉ còn là vật gắn kết giữa linh hồn và thể xác. Sau khi buộc dây xong, họ chính thức trở thành con nuôi, cha mẹ nuôi của nhau.
Một số gia đình thì tìm cách chọn cha mẹ nuôi cho trẻ bằng hình thức nhờ thầy cúng. Trường hợp này phức tạp hơn, gia đình sẽ chọn một ngày đẹp rồi nhờ một thầy cúng đến tìm giúp. Thầy cúng sẽ dùng đồng âm gieo xuống đất xem quả chỉ về hướng nào thì họ đi tìm cha mẹ nuôi theo hướng đó. Khi đi, họ phải đếm đi đủ 360 bước với ý nghĩa đây là con số nơi hồn bị thất lạc, sau đó dừng lại. Trên đường đi nếu gặp người nào đầu tiên thì bố mẹ đứa trẻ sẽ nhận người đó là cha mẹ nuôi, không kể trai gái, già trẻ. Còn trong trường hợp đã đi đủ 360 bước mà vẫn chưa gặp được ai thì mọi người sẽ dừng lại. Gia đình sẽ chuẩn bị một bát gạo, một quả trứng, sợi dây chỉ, một chiếc chén, một con gà để thầy cúng làm lễ gọi hồn cho đứa trẻ. Thầy cúng sẽ dùng quả trứng dựng lên thành chiếc chén vùi trong bát gạo để gọi hồn đứa trẻ về, khi quả trứng dựng đứng yên không đổ, mọi người cùng chờ đợi xem ai là người đi qua đầu tiên thì nhận người đó làm cha mẹ nuôi cho đứa trẻ. Mọi người cùng ra về mổ gà thắp hương báo cáo với tổ tiên...
Trong các trường hợp nhận cha mẹ nuôi cho trẻ, hai gia đình chính thức thành thông gia của nhau, nên giữa họ có mối quan hệ rất mật thiết, gắn bó không chỉ giữa con nuôi với cha mẹ nuôi mà còn với cả hai gia đình. Mỗi khi gia đình hai bên có công việc dù lớn dù nhỏ họ đều thông báo cho nhau biết để cùng bàn bạc, giúp đỡ, hàng năm vào ngày mồng 3 - 4 tết, bố mẹ đứa trẻ đều mang lễ và đưa đứa trẻ sang nhà cha mẹ nuôi để chúc tết. Khi đứa trẻ trưởng thành lập gia đình thì gia đình cha mẹ nuôi cũng có trách nhiệm như bố mẹ đẻ.
K.D (st)