Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tục ở rể của người Dao

Cập nhật ngày: 04/01/2015 - 06:26

Từ hai năm nay, gia đình bà Bàn Thị Triệu, thôn Thài Khao, xã Yên Lâm (Hàm Yên) có thêm một thành viên mới. Đó là anh Đặng Văn Hương, quê tận Vị Xuyên (Hà Giang) về ở rể ba năm. Hương cho biết, nhà vợ không có con trai lại neo người nên có mong muốn các con về sống chung. Đến đầu xuân sang năm là hết hạn ở rể, vợ chồng anh lại về Vị Xuyên sinh sống. Ở rể là tục lệ truyền thống của người Dao. Thường thì gia đình nhà gái neo người, sinh con một bề có nguyện vọng mong muốn chàng rể về sống chung chăm lo gia đình vợ. Hoặc là do nhà trai chưa đáp ứng đủ lễ vật thách cưới nên phải ở rể để trả nợ.

Ông Lý Văn Chính, một người am hiểu văn hoá Dao tại thôn 3 Nắc Con, xã Yên Lâm cho biết, thời hạn ở rể từ 3 năm có khi kéo dài đến 7, 8 năm tuỳ theo giao ước của hai bên gia đình. Sau khi nhà trai tiến hành các bước ăn hỏi, nhà gái chọn ngày đẹp để tổ chức lễ cưới và đón chàng rể về. 

Người Dao quan niệm, ở rể là để người chồng gắn kết tình cảm hơn với gia đình họ hàng vợ. Ông Lý Văn Điệp, thôn Hòn Lau, xã Thắng Quân (Yên Sơn) cho biết, ông từng đi ở rể 4 năm. Gia đình nhà vợ có 9 người con gái thì tất cả 9 người con rể đều sống nhà vợ từ 3-5 năm. Các anh em đồng hao sống dưới một mái nhà như ruột thịt. Họ cùng ăn chung, làm chung và có nghĩa vụ chăm sóc bố mẹ vợ. Khi về ở nhà vợ, chú rể phải gánh vác việc gia đình và được bố mẹ vợ chia ruộng đất, tài sản. Sau khi hết thời hạn, gia đình nhà vợ vẫn mong muốn con rể tiếp tục chung sống thì làm lễ ướm hỏi nhà trai.

Ngoài ra, người Dao còn tồn tại hình thức ở rể đời do bố mẹ bên gái sinh con một bề nên muốn lấy rể đời hoặc do hoàn cảnh người con trai quá nghèo, mồ côi không lo được hôn lễ nên phải làm rể mới lập được gia đình. Khi làm rể đời, chàng trai phải bỏ tên họ của mình, mang tên họ bên vợ, được quyền thừa kế tài sản, có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên nhà vợ, con cái cũng phải mang họ bên vợ. Những người muốn làm rể đời phải chưa làm lễ cấp sắc vì nếu đã làm lễ cấp sắc rồi thì không được đổi tên họ theo bên vợ nữa. 

Người Dao đã tạo điều kiện thuận lợi để con cái hoà hợp đến với nhau dễ dàng. Họ chú ý đến từng hoàn cảnh gia đình, không phân biệt nhà trai - nhà gái. Chẳng hạn như bố mẹ nhà gái sinh con một bề, già yếu không người chăm sóc, nhà trai không đủ sính lễ... đều được quan tâm, giải quyết một cách hợp lý. Rõ ràng đây là nét nhân văn sâu sắc, cái nhìn tiến bộ tích cực của đồng bào Dao.

Ngày nay, tục lệ này vẫn tồn tại nhưng không còn nhiều, chủ yếu là ở rể có thời hạn. Đây là tập tục mang tính cố kết cộng đồng cao, tạo sự gắn bó tình cảm giữa hai bên gia đình

Nguồn: Báo Tuyên Quang