Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tục trồng lúa của người Xinh Mun

Cập nhật ngày: 27/11/2010 - 02:27

Người Xinh Mun sống chủ yếu bằng nghề làm nương, rẫy. Nương mới phát của người Xinh Mun cách xa nhà từ 4-5km ở trên các sườn núi, trồng lúa nếp là chính. Mỗi năm một vụ. Từ tháng 1, 2, 3 làm đất. Cuối tháng 4, đầu tháng 5 gieo hạt. Từ tháng 5 đến đầu tháng 8 chăm sóc và làm cỏ. Từ tháng 9 trở đi thu hoạch.

Từ khâu chọn đất đến thu hoạch, từng gia đình làm theo kinh nghiệm và tin vào các lực lượng thần bí nên đồng bào thường cúng ma. Nghi lễ cúng ma ở từng giai đoạn khác nhau. Khi chọn đất làm nương người Xinh Mun thường chọn những cánh rừng già, đất đai màu mỡ hơn những cánh rừng tái sinh. Chọn đất bằng cách quan sát và kiểm tra rồi lấy dao chặt vào thân cây tùy ý. Sau đó đến các vết chặt trên thân cây theo cách: Nên, không nên, nên... nếu nhát chặt cuối cùng ở từ nên thì làm, không nên thì bỏ.

Người Xinh Mun cho rằng hạt phải được gieo đồng loạt thì lúa mới mọc đều, chín đều nên họ thường đổi công cho nhau. Tra hạt vào đầu tháng tư dương lịch, lúc mùa mưa bắt đầu (mùa hoa ban nở). Khi gieo hạt, người đàn ông đi trước chọc lỗ, tuần tự từ đỉnh nương xuống chân nương, mỗi lỗ cách nhau khoảng 20cm. Mỗi mét vuông từ 25 đến 30 lỗ. Người phụ nữ đi sau bỏ hạt, từ 5 đến 6 hạt một lỗ rồi lấp đất. Gậy chọc lỗ là dụng cụ thô sơ, dài khoảng 3m, đẽo nhọn đầu. Một số gia đình dùng thuổng chọc lỗ. Cách này người chọc lỗ tra hạt luôn.

Trước ngày tra hạt, người Xinh Mun tổ chức cúng ma. Người đàn bà cao tuổi nhất nhà được chọn làm mẹ lúa. Chọn được ngày tốt mẹ lúa lên nương làm hình bông lúa tượng trưng bằng tre nứa rồi lấy gậy chọc lỗ tra hạt giống xung quanh. Khi mẹ lúa trở về, người ở nhà phải dập lửa, tránh để mẹ lúa nhìn thấy lửa, gần lửa, sờ tay vào đồ vật nóng. Sợ gặp lửa nóng lúa không mọc được. Sợ hồn lúa sẽ sợ hãi bỏ đi. Mẹ lúa phải là người ăn cơm trước cả, nhà trong ngày đó. Tra hạt xong mẹ lúa dùng toàn bộ số gậy mọi người đã dùng để chọc lỗ tra hạt tại nơi cúng ma, dùng tre nứa vót thành hình bông lúa giả, cắm vào đó. Mẹ lúa dùng tre uốn thành vòng ngà, vòng xuyến buộc thành chùm, tua nhằm thông báo cho các loại ma biết là nương đã có chủ.

Bao giờ lúa lên cao từ 10-15cm thì làm cỏ lần 1. Nương mới làm 1-2 lần. Nương cũ làm 2-3 lần. Đến mùa thu hoạch, cả gia đình ra nương dùng kiếu (liềm) cắt ngang cây lúa để thành từng nắm, gom thành đống hình vòng tròn rộng 3m-5m xếp bông quay vào trong, cao từ 2m-3m. Bên trên phủ kín làm thành mái tròn như cái nón che mưa. Đỉnh đống cắm tre cao khoảng 40-50cm, trên buộc một cái tua mắt cao bằng tre. Ủ lúa đến cuối tháng 10 đầu tháng 11 dương lịch thì quay lại đập lúa. Trước khi đập lúa tiến hành lễ cũng ma như khi gieo hạt. Người Xinh Mun gọi hồn lúa cho nhập vào thóc để hạt mẩy, làm giống mùa sau.

Hiện nay người Xinh Mun đã biết canh tác trồng lúa nước, nhưng việc trồng trọt nương rẫy vẫn giữ quan trọng trong đời sống kinh tế và cơ cấu nông nghiệp. Đây cũng chính là những khó khăn trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng đồng bào Xinh Mun sinh sống.

K.D (st)


 
Liên kết hữu ích