Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Các vua triều Trần trước đây, hàng năm thường về làm lễ tế tổ ở Thái Đường (nay thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) vào dịp đầu xuân. Vua Trần Nhân Tông đã mô tả rất sinh động một buổi hành lễ ở Thái Đường vào ngày mười bảy tháng ba năm Mậu Tý (1288):
“Nghi trượng kéo qua nghìn cổng
Áo mũ các quan đủ cả bẩy phẩm
Ở đây có những người lính già đầu bạc
Luôn luôn kể chuyện thời nguyên phong”.
Đây là buổi lễ báo công mừng chiến thắng trước mộ tiên tổ nhà Trần rất long trọng, trang nghiêm chưa từng có trong lịch sử phong kiến nước nhà, vừa có tính chất tôn giáo, vừa có tính nghi lễ, nghi thức quốc gia, mang đậm tinh thần tự tôn dân tộc.
Thi cỗ cá tại lễ hội đền Trần - Thái Bình.
Trải qua gần tám thế kỉ, đến nay lễ hội truyền thống (13 tháng Giêng hàng năm) để tưởng nhớ các vua Trần ở đền Trần, xã Đức Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình vẫn được long trọng tổ chức hàng năm.
Đêm ngày 13 tháng Giêng là đêm tổ chức dâng hương tại đền Trần, làm lễ tế trình sau đó đến sáng 14 tổ chức lễ rước. Sau khi rước nước về mới làm lễ khai mạc lễ hội, tiếp đó các làng mới được vào làm lễ thế theo 3 tuần: Tuần sơ, tuần á, tuần trung. Cụ Lê Như Ngân 83 tuổi, thôn Ngọc Đường và các cụ già ở làng cho biết: Sáng ngày 14 tháng Giêng, làng Tam Đường (và các làng khác) trong xã Tiến Đức, xã Phú Sơn… trước đây mỗi dịp lễ hội thường tổ chức rước nước. Mỗi thôn đều có rước kiệu, bát cống. Kiệu đi trước, hậu bành đi sau, mỗi kiệu có 8 thanh niên chưa vợ, sạch sẽ, khoẻ mạnh, có đức hạnh, phẩm chất tốt mới được chọn để khiêng kiệu.
Trên kiệu có chóe to dùng để đựng nước, nước được lấy từ sông Hồng. Hậu bành do 4 thôn nữ chưa chồng, ăn mặc gọn gàng, có phẩm hạnh nết na, đạo đức mới được chọn để khênh kiệu. Kiệu của các thôn được khênh sau kiệu rước nước. Đoàn rước nước có trống dong, cờ mở, âm nhạc rộn ràng từ đền thờ các vua Trần ở đền Tam Đường đi đến cầu Bến (đầu thôn Tam Đường sát đền Bà - tương truyền thờ Huyền Trân công chúa. Tại sân chùa đoàn kiệu bắt đầu quay, rồi đi vòng quanh đền chùa Bà để lên đê. Khi tới đê, lúc này đã có đội thuyền hàng chục chiếc được trang hoàng lộng lẫy chờ sẵn ở dưới mép sông, trên đê, dưới thuyền cờ lễ hội cắm ngập trời, chiêng trống vang lừng.
Lúc này kiệu do 8 người khênh được để trên bờ. Bốn cụ già cao tuổi, có đức hạnh của làng khênh một chiếc chum nhỏ lên mặt thuyền, lái thuyền đẩy thuyền tới giữa sông Hồng (ngã ba Tam Tỉnh), thuyền dừng lại giữa dòng nước trong xanh cuồn cuộn chảy, để rồi có 4 lão làng dùng gáo dừa, có cán dài) múc nước sông đổ vào chum. Sau khi nước đã đầy chum, thuyền ghé vào bờ, bốn cụ khênh chum nước nhỏ đặt lên bành của kiệu, dùng dây lụa đỏ chằng buộc chum nước rất cẩn thận - để chum không bị đổ trong khi khênh kiệu về làng. 8 thanh niên kính cẩn khiêng kiệu (có chum nước) về đền vua. Qua tìm hiểu được biết tục rước nước đã tồn tại hàng trăm năm ở đây. Nó không chỉ là tập tục của cư dân nông nghiệp mà tại lễ hội này nó còn thể hiện sự nhắc nhở mọi người “Uống nước nhớ nguồn”; đồng thời cũng là biểu lộ sự tri ân với nghề đánh cá xưa của họ Trần, bởi tổ tiên nhà Trần trước đây sống bằng nghề sông nước.
Không chỉ có lễ tế nước mà tại đền Trần Thái Bình còn diễn ra các tục thi gói bánh chưng, thi giã bánh giầy, thi pháo đất, vật võ, vật cầu, thi thả diều và thi cỗ cá…
Thi cỗ cá được duy trì từ hàng trăm năm nay. Một mâm lễ cá dự thi có cá trắm đen, mỗi con phải nặng từ 3 - 4 kg trở lên (theo lệ xưa quy định mỗi con cá phải đủ 12 vổ tay, mỗi vổ là 1 nắm tay. Ấn dọc vổ tay theo thân cá từ đầu tới đuôi. Đến ngày hội thi cá, làng phải thuê thợ gò về gò nồi, thường gò theo hình chữ nhật, được ghép bởi nhiều tấm đồng, dài, rộng tùy theo kích cỡ của cá. Khi cá đã được luộc xong, dùng mỡ tẩm vào thân cá để qua lửa, không để cá bong vẩy, bong vây. (Vây cá phải thẳng đứng theo thân cá, thịt cá phải thơm ngon do được tẩm ướp gia vị trước khi luộc, nướng). Một mâm cỗ cá bao gồm 1 con cá trắm đen, 4 con cá chép to (từ 1,5 kg trở lên). Cá chép được đặt ở 4 góc mâm, giữa đặt cá trắm, trên thân cá người ta cắt tỉa các loại hoa, củ, hành tỏi… để cho được đẹp mắt.
Cỗ cá được đặt ở tầng trên của mâm, tầng dưới là 4 bát ninh chân giò lợn (chân giò lợn được làm và trang trí như hình một con rùa, giơ móng vuốt lên. Tầng giữa là 10 khoanh giò lụa, 10 khoanh giò đinh… Cỗ này gọi là cỗ gắng vì đây là cỗ ba tầng, các làng đem cỗ cá dự thi, cỗ của làng nào chiếm giải nhất mới được đưa vào cúng ở đền các vua và đền mẫu. Cá được để trên một chiếc mâm bồng to, hình chữ nhật, trên phủ lụa điều, các con cá đều nằm ở tư thế tự nhiên giống như tư thế đang bơi khi còn sống; trông thật đẹp và hấp dẫn. Tập tục này mang đậm nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc, đã và đang được nhân dân địa phương duy trì trong lễ hội đầu xuân ở đền Trần - Thái Bình.
Trong lễ hội đền Trần - Thái Bình còn có một phần lễ hội rất đặc biệt là lễ giao chạ giữa làng Thái Đường (xã Tiến Đức) và làng Vân Đài (xã Chí Hoà) - để tưởng nhớ tới Huyền Trân công chúa và Diệu Dung công chúa. Lễ giao chạ này đã trải qua hàng trăm năm; nó là một nét văn hóa phi vật thể đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo thần tích, thần phả lưu lại tại địa phương thì Huyền Trân công chúa và Diệu Dung (Dong) công chúa là hai chị em, sau khi từ chiêm thành trở về, Huyền Trân công chúa đã xuống tóc quy y cửa Phật, khi cao tuổi bà đã về tu hành tại làng Tam Đường và mất tại đây.
Diệu Dung (Dong) công chúa được vua cha cho mở thái ấp ở làng Vân Đài cách làng Thái Đường khoảng 7 km, khi hai bà qua đời, dân hai làng đã lập đền thờ hương khói quan năm. Để tưởng nhớ và tri ân hai chị em công chúa, dân làng lấy ngày mất của Thánh Mẫu Diệu Dung (Dong) để mở hội và dâng lễ đón dân Thái Đường về dự, xin kết làm chạ em, tỏ lòng giao hiếu ruột thịt, thề nguyện chung thủy, hai làng không bao giờ có con cháu lấy nhau.
Đặc biệt trong mỗi dịp đầu xuân khi làng Tam Đường mở hội đền Trần (13 tháng Giêng) thì chạ em ở làng Vân Đài cử một đoàn 64 người mang đủ lễ vật rượu, thịt… và một mâm cỗ cá tới dự lễ.
Mỹ tục giao chạ đón nhau giữa hai làng đã được ghi vào tục lệ và hương ước của từng làng. Trong sổ chép 18 thể lệ của xã Thái Đường và xã Phú Đường (năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773)- ở mục lệ thứ 4 có ghi: “Ngày 15 tháng hai, lệ cũ có thờ Huyền Trân công chúa; ngày đó có cuộc giao hảo với xã Vân Đài, huyện Duyên Hà. Khi “quan viên anh” ở xã ấy tới thăm vào đền tạ bái yết có biện lễ chà, oản để tiếp đãi. Tế xong thì đem cỗ bàn khoản đãi. Ngày hôm sau cũng như ngày trước.
Trải qua hàng trăm năm nay, vào dịp đầu xuân hàng năm, nhân dân xã Tiến Đức nói riêng, nhân dân huyện Hưng Hà - Thái Bình nói chung vẫn tổ chức lễ hội trên vùng đất Long Hưng xưa để tưởng nhớ tới công lao của các vị vua Trần với những chiến công hiển hách 3 lần đánh tan giặc Nguyên Mông bảo vệ đất nước. Lễ hội hàng năm thu hút hàng vạn du khách hành hương về vùng đất thiêng Long Hưng xưa - Hưng Hà nay; đó là nơi phát nghiệp vương của vương triều Trần, trị vì Nhà nước Đại Việt ở thế kỷ thứ 13 - 14.
Nguồn TTXVN