(BTNO)- Sáng 8.1, tại hội trường Sở GD-ĐT, Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 47-NQ/TW, ngày 22.3.2005 của Bộ Chính trị (khoá IX) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sác dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại diện các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Minh Trọng chủ trì hội nghị.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 46, Tây Ninh đã từng bước hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân, tập trung củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.
Từ năm 2005, tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2000-2010; 100% xã có bác sĩ, 100% xã có y sĩ sản nhi hay nữ hộ sinh, 100% ấp có nhân viên y tế cộng đồng. Trên cơ sở đó, ngành y tế tỉnh thực hiện tốt các chương trình y tế như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, phòng chống lao, sốt rét, HIV/AIDS, phòng chống bướu cổ do thiếu iode, thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ cơ bản bệnh phong. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tăng từ 29,4% năm 2005 lên 57,83% năm 2014.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Minh Trọng trao bằng khen cho cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp trong việc thực hiện hai nghị quyết. |
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, 10 năm qua, hệ thống y tế địa phương được củng cố và hoạt động thông suốt theo ngành từ tỉnh đến cơ sở. Mạng lưới y tế dự phòng rộng khắp từ tỉnh tới xã, ấp. Hoạt động y tế dự phòng được tăng cường, giám sát dịch chặt chẽ, khống chế và dập dịch kịp thời.
Tuy vậy, chất lượng khám và điều trị bệnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở vẫn còn hạn chế, chất lượng chuyên môn chưa được nâng lên, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân. Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, y đức trong một bộ phận cán bộ y sĩ, bác sĩ và nhân viên y tế chưa tốt, còn gây phiền hà cho nhân dân.
Tỷ lệ tham gia BHYT của tỉnh vẫn còn ở mức thấp, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm mặc dù có tập trung kiểm tra nhưng vẫn còn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm, chủ yếu là ở các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể…
Trong phần kiến nghị, Tỉnh ủy đề nghị Chính phủ xem xét, cho chủ trương được nhập phòng y tế vào trung tâm y tế huyện để huy động được số bác sĩ, dược sĩ hiện có ở các phòng y tế bổ sung cho nhu cầu hoạt động của ngành.
Về việc thực hiện Nghị quyết 47, trong 10 năm qua, công tác dân số-KHHGĐ luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản, nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch hành động sát với tình hình thực tế của địa phương. Tỉnh đã tổ chức huy động các thành phần xã hội tham gia công tác dân số - KHHGĐ, tạo môi trường thuận lợi cho mỗi gia đình, mỗi người dân tự nguyện thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tỉnh ủy, nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách dân số và KHHGĐ trong nhân dân chưa sâu và chưa đầy đủ. Một số đảng viên chưa nghiêm túc thực hiện tốt chính sách dân số-KHHGĐ, từ năm 2005-2013, toàn tỉnh có 37 đảng viên sinh con thứ 3 trở lên.
Kiến nghị với Trung ương, Tỉnh ủy đề nghị sớm kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác dân số - KHHGĐ cấp huyện, xã theo hướng trực thuộc UBND hoặc trung tâm y tế huyện, thành phố (hiện tại thuộc Chi cục Dân số) quản lý để có sự chỉ đạo sát sao công tác này; đồng thời hỗ trợ nguồn lực thực hiện tốt mục tiêu đề ra. Cán bộ dân số - KHHGĐ cấp xã phải là viên chức Trung tâm dân số - KHHGĐ làm việc tại UBND xã để thuận lợi trong chỉ đạo điều hành thực hiện tốt công tác dân số-KHHGĐ.
Tại hội nghị, lãnh đạo một số sở, ban, ngành và các địa phương phát biểu ý kiến xung quanh việc thực hiện hai Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Bác sĩ Trạm y tế xã Tân Đông (Tân Châu) tuyên truyền, tư vấn về biện pháo phòng, chống HIV/AIDS cho phụ nữ trong độ tuổi mang thai ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh minh hoạ |
Phát biểu tổng kết, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Minh Trọng lưu ý, hai Nghị quyết 46 và 47 là đặc biệt quan trọng.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao, biểu dương những kết quả mà tỉnh đã đạt được, nhất là việc hoàn thiện hạ tầng ngành y tế sau 10 năm thực hiện. Tuổi thọ bình quân của người dân Tây Ninh cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng được hạn chế, đạt chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, sự phát triển về y tế, dân số và phần nào cả giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Về công tác phát triển nhân lực, việc thu hút nhân lực cho ngành y tế của Tây Ninh còn chắp vá.
“Chừng nào còn chắp vá chừng đó chưa nâng cao được chất lượng, bởi số lượng còn chưa đủ” – ông Trọng cho hay. Ngoài ra, chính sách thu hút nguồn nhân lực trong thời gian qua không đạt yêu cầu, ngoài những điều đã được nói đến nhiều, còn có nguyên nhân bên trong, một số người có tài vẫn chưa coi Tây Ninh là nơi đất lành chim đậu.
Về công tác dân số, ông Lê Minh Trọng lưu ý rằng, có những vấn đề mới nảy sinh nhưng các cơ quan quản lý chưa lường được, ví dụ chỉ số về giới tính.
Dịp này, lãnh đạo tỉnh đã trao nhiều bằng khen và phần thưởng cho 21 tập thể và 22 cá nhân có nhiều thành tích về công tác y tế và dân số trong 10 năm qua.
Đ.V.T