Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
data:
Từng bước nâng cao chuỗi giá trị nông sản
Chủ nhật: 22:48 ngày 17/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngành nông nghiệp tỉnh đã đề xuất hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối nông sản là một phần trong dự án đầu tư phát triển chuỗi giá trị sản phẩm rau quả và cây ăn trái.

Đoàn công tác dự án hỗ trợ kỹ thuật do ADB tài trợ trong một buổi làm việc tại Tây Ninh (tham quan vườn mãng cầu của ông Huỳnh Biển Chiêu, TP. Tây Ninh).

Tây Ninh là một trong những tỉnh, thành được Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSAR) đề xuất tham gia dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành nông nghiệp Việt Nam” do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ.

Mục tiêu của dự án là tăng cường thương mại hoá và tính bền vững của các chuỗi giá trị nông nghiệp, nhằm gia tăng thu nhập và giảm nghèo tại vùng dự án. Dự án sẽ có các hỗ trợ nhằm tăng cường các điều kiện thuận lợi về chính sách, thể chế và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác công tư trong thương mại hoá một số nông sản ở địa phương.

Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Tây Ninh phấn đấu xây dựng vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao 15.000 ha đến năm 2020 và 30.000 ha đến năm 2030; xây dựng chợ đầu mối nông sản, hệ thống quản lý nông nghiệp và thông tin thị trường nông sản để tiếp nhận, cung cấp thông tin cho sản xuất và tiêu thụ nông sản...

Đến nay, Tây Ninh đã đề xuất dự án “Tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua thúc đẩy thương mại hoá nông nghiệp ngành hàng rau quả và cây ăn trái tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2026”. Dự án có tổng mức đầu tư 2.366 tỷ đồng, trong đó vốn vay 1.118 tỷ đồng, gồm 4 dự án hợp phần.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi giá trị của các mô hình trên địa bàn tỉnh còn bấp bênh, chưa vững chắc. Một trong những nguyên nhân khiến chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh còn hạn chế là do thiếu vốn đầu tư cho nông nghiệp. Một số dự án chưa bảo đảm yêu cầu về quy mô diện tích và liên kết tiêu thụ để đủ điều kiện được hưởng các chính sách hỗ trợ sản xuất. Vì vậy, việc được tiếp cận nguồn vốn vay chính là nguồn lực để phát triển nông nghiệp, gắn thị trường với sản xuất, liên kết giữa nhà kinh doanh với nhà sản xuất và nhất là phát triển các chuỗi giá trị rau và cây ăn trái.

Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề xuất hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối nông sản là một phần trong dự án đầu tư phát triển chuỗi giá trị sản phẩm rau quả và cây ăn trái. Theo dự kiến, chợ được xây dựng trên diện tích 3 ha tại cầu K13, xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu). Chợ có các hạng mục chính như kho lạnh bảo quản, đóng gói sơ chế, phòng Lab để kiểm soát chất lượng đầu ra...

Chợ được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) với tổng vốn 100 tỷ đồng. Trong đó, vốn của doanh nghiệp 30 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương và vay ADB là 70 tỷ đồng. Tỉnh mong muốn, đây sẽ là một chợ đầu mối nông sản để tăng cường chuỗi cung ứng, giảm bớt khâu trung gian; phân loại, đóng gói, kiểm soát chất lượng rau quả, cây ăn trái để phân phối cho các thị trường trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu.

Chợ đầu mối tại khu vực cầu K13 được hình thành tự phát của tiểu thương. Mỗi ngày, các tiểu thương cung cấp hàng chục tấn rau, củ, quả cho các chợ dân sinh trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Chị Trịnh Thị Yến Quỳnh, ngụ xã Bàu Năng, tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối cầu K13 chia sẻ: “Chợ hiện nay có quy mô và mặt bằng nhỏ nên xe tải vào chở hàng phải đậu dưới lòng đường rất bất tiện và không bảo đảm an toàn giao thông. Chúng tôi rất mong tỉnh có chợ đầu mối chính quy như các nơi để việc mua bán thuận lợi hơn, đồng thời nông sản sẽ bán có giá hơn”.

Các tiểu thương buôn bán tại chợ đầu mối nông sản K13.

Bên cạnh đó, dự án cũng đề nghị hỗ trợ đầu tư xây dựng 2 trung tâm dịch vụ kỹ thuật, thiết bị, vật tư nông nghiệp và hỗ trợ đầu tư hậu cần sau thu hoạch và máy móc thiết bị phục vụ sản xuất rau quả, cây ăn trái. Theo Sở NN&PTNT, đây là những hoạt động nhằm giới thiệu, kết nối tư vấn kỹ thuật sản xuất, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, thiết bị cơ giới hoá chuyên cho cây trồng vật nuôi, nhất là rau, cây ăn trái cho Tây Ninh và khu vực, đồng thời nâng cao năng lực chuỗi giá trị rau quả, cây ăn trái trên địa bàn tỉnh, giảm bớt khâu trung gian.

Được biết, các đơn vị liên quan trong tỉnh đang hoàn chỉnh các thủ tục theo yêu cầu của Ngân hàng ADB để được tiếp nhận nguồn vốn vay, nhanh chóng triển khai đầu tư thực hiện các hạng mục công trình.

Vũ Nguyệt

Báo Tây Ninh
data:
Tin cùng chuyên mục