Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Từng bước phục hồi và phát triển du lịch
Thứ hai: 08:52 ngày 04/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong bốn ngày nghỉ dịp 30-4 và 1-5 vừa qua, du lịch nhiều địa phương trong cả nước đã từng bước khôi phục và hoạt động trở lại sau thời gian dài thực hiện biện pháp cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh việc tăng cường quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho khách du lịch, triển khai nhiều giải pháp phù hợp đón và phục vụ khách du lịch trong nước, lượng khách đang dần quay trở lại, cho thấy cơ hội hồi phục của ngành du lịch Việt Nam.

Hồ Xuân Hương (TP Đà Lạt), điểm tham quan hấp dẫn du khách dịp nghỉ lễ. Ảnh: MAI VĂN BẢO

Những tín hiệu khả quan

Sau khi UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị 07 về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, trong đó cho phép các khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan trên địa bàn được hoạt động trở lại, nhiều điểm tham quan, du lịch trong thành phố đã nhộn nhịp đón khách.

Trong các ngày 30-4, 1-5 và 2-5, nơi tập trung đông khách tham quan là khu vực hồ Hoàn Kiếm. Lượng khách có giảm đáng kể so với dịp này năm trước, nhưng vẫn khá đông và chủ yếu là khách đến từ ngoại thành Hà Nội, hoặc khách ngoại tỉnh đi du lịch tự túc. Lượng khách đi theo tua không đáng kể.

Các điểm văn hóa ở khu vực trung tâm: Nhà di sản số 87 phố Mã Mây, đình Kim Ngân, Phố Sách 19-12... đều đã mở cửa hoạt động, song lượng khách vẫn thưa vắng. Đáng chú ý, nhiều điểm nổi tiếng như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Hà Nội, Vườn thú Hà Nội... vẫn tiếp tục đóng cửa, cho nên người dân có xu hướng di chuyển ra các điểm du lịch ngoại thành. Làng gốm Bát Tràng bắt đầu đón khách từ sáng 30-4 với khu vực chợ gốm khá nhộn nhịp. Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) cũng là địa chỉ thu hút khá đông khách trong dịp nghỉ lễ.

TP Hồ Chí Minh năm nay kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong không khí khá yên tĩnh. Tuân thủ việc phòng, chống dịch Covid-19, nhiều gia đình hạn chế ra đường. Hầu hết các điểm tham quan nổi tiếng tại trung tâm thành phố cũng chưa mở cửa trở lại. Một số doanh nghiệp lữ hành khởi động các tua du lịch, song lượng khách khá hạn chế.

Trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, tua du lịch “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn” tạo sự thu hút cho nhiều du khách. Để bảo đảm an toàn, du khách chia ra từng nhóm nhỏ đến tham quan các điểm trong lịch trình. Tất cả đều mang khẩu trang, giữ khoảng cách theo đúng quy định.

Trong dịp này, thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã phối hợp Hiệp hội Du lịch Sa Pa, cáp treo Phan Xi Păng, cùng gần 30 khách sạn, nhà hàng và hai hãng ta-xi thực hiện giảm giá sâu, từ 35 đến 60% so với giá niêm yết trước đó để đón du khách trở lại từ nay cho đến hết tháng 6, nhằm kích cầu du lịch.

Nhờ vậy, trong bốn ngày nghỉ lễ, khu du lịch Sa Pa thu hút khá đông du khách. Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin Sa Pa, du khách đến đây đông nhất trong hai ngày 1 và 2-5, ước tính có khoảng 8.000 lượt du khách, chủ yếu là khách nội địa đến nghỉ dưỡng, khám phá bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc bản địa và cáp treo Phan Xi Păng.

Các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đón khách từ 12 giờ ngày 1-5. Theo số liệu thống kê của các đơn vị kinh doanh du lịch, lượng khách tăng dần. Tính đến 15 giờ ngày 2-5, đại diện lãnh đạo Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh cho biết, đã có 46 chuyến tàu du lịch đưa hơn 500 khách tham quan vịnh Hạ Long, trong đó khách quốc tế là 30 người; Khu di tích danh thắng Yên Tử đón khoảng gần 800 lượt khách; Bảo tàng Quảng Ninh đón gần 700 lượt khách.

Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, các khu, điểm du lịch tại tỉnh Ninh Bình đón 17.340 lượt khách, trong đó có 358 khách quốc tế, chủ yếu là chuyên gia, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Các cơ sở lưu trú của tỉnh đón 1.025 khách, trong đó có 115 khách nước ngoài.

Các điểm đến đón lượng lớn khách tham quan như: Khu quần thể danh thắng Tràng An đón hơn 4.400 lượt khách; Tam Cốc - Bích Động đón 1.680 lượt khách; Cố đô Hoa Lư 465 khách; riêng khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính đón hàng trăm lượt khách/ngày. Các điểm khác như rừng quốc gia Cúc Phương, khu du lịch đất ngập nước Vân Long, nhà thờ đá Phát Diệm cũng đông khách tham quan.

Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng (Hà Nam) đã mở cửa đón khách trở lại từ ngày 28-4, song số lượng cũng giảm nhiều so với các kỳ nghỉ dài ngày của năm trước. Đại diện Ban quản lý khu du lịch quốc gia Tam Chúc cho biết: Mỗi ngày Tam Chúc đón khoảng 10 nghìn lượt du khách. Lượng khách vừa phải, không quá đông, công tác đón tiếp được Ban tổ chức chuẩn bị chu đáo tạo sự yên tâm, thoải mái cho du khách.

Dịp 30-4 năm nay, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) không tổ chức khai trương mùa du lịch và vẫn tạm dừng tổ chức các giải thể thao, lễ hội thường niên, cho nên khách đến đây chủ yếu là khách nội tỉnh. Công suất khai thác phòng lưu trú đạt khoảng 50%. Mặc dù vậy, trong những ngày vừa qua, đã có hàng nghìn người đến tắm biển Sầm Sơn, không bảo đảm thực hiện giãn cách theo nhóm, nhiều người không đeo khẩu trang.

Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, do dịch Covid-19 đang được kiểm soát nên các khu, điểm tham quan, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã được phép hoạt động trở lại từ ngày 27-4, nhưng các cơ sở phải thực hiện biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo rà soát để giảm các loại phí du lịch; đồng thời vận động các doanh nghiệp giảm giá tại các khu, điểm du lịch và các dịch vụ liên quan. Các chuyến bay từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến Quảng Bình được nối lại. Chuyến tàu du lịch Hà Nội - Đồng Hới đã khôi phục.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Võ Lê Nhật cho biết, nhằm kích cầu phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép miễn phí vé tham quan các điểm di tích tại Huế đến hết ngày 7-5. Theo đó, trung tâm miễn 100% phí tham quan tất cả các điểm thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế trong thời gian từ ngày 30-4 (sau khi mở cửa trở lại) đến hết ngày 7-5. Trong bốn ngày nghỉ lễ, các di tích ở Huế đã đón hơn 3.000 lượt du khách.

Tại Đà Nẵng, khu du lịch lớn nhất miền trung Bà Nà Hills, nổi tiếng với cây Cầu Vàng có chương trình khuyến mãi đặc biệt, áp dụng giảm giá vé cáp treo tới 60% cho du khách 19 tỉnh, thành phố, bao gồm 14 tỉnh duyên hải miền trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và năm tỉnh Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chương trình sẽ kéo dài trong một tháng, từ ngày 30-4 đến hết 31-5. Một số điểm du lịch khác của Đà Nẵng bắt đầu đón khách trở lại. Vào buổi sáng và chiều tối, các bãi biển ở Đà Nẵng đã có người đến tắm biển, vui chơi giải trí nhưng số lượng còn khiêm tốn.

Thành phố Hội An đã mở cửa đón khách tham quan miễn phí tất cả điểm du lịch trên địa bàn trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cùng nhiều điểm du lịch khác trong tỉnh Quảng Nam như: Khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên), Khu du lịch sinh thái Phú Ninh (huyện Phú Ninh) cũng bắt đầu mở cửa đón khách tham quan.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, số lượng khách đến tham quan, lưu trú du lịch tại Quảng Nam trong dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Tổng lượng khách tham quan, lưu trú du lịch trong hai ngày lễ ước đạt 10.800 lượt, chỉ bằng 5% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, khách quốc tế ước đạt 800 lượt (giảm 99%).

Đối với huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), sau gần hai tháng tạm dừng đón khách kể từ ngày 30-4 tiếp tục được đón khách du lịch nội địa. Hơn 110 cơ sở lưu trú trên đảo đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch để đón, phục vụ du khách ra đảo tham quan, nghỉ dưỡng.

Thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, các khu, điểm tham quan du lịch tại Đà Lạt - Lâm Đồng đã mở cửa trở lại trong bốn ngày nghỉ lễ. Năm nay, du khách đến với Đà Lạt chủ yếu bằng ô-tô gia đình và xe máy. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, ngành đã có văn bản yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Theo thống kê ban đầu của UBND thành phố Đà Lạt, dịp lễ 30-4 và 1-5, có hơn 58 nghìn lượt du khách đến đây tham quan, trong đó, hơn 1.300 du khách nước ngoài. Dù lượng du khách giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tình hình có tín hiệu khả quan.

Dịp nghỉ lễ năm nay, có khoảng 35 nghìn khách du lịch đến Bình Thuận, hầu hết ở các cơ sở lưu trú du lịch thuộc Khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, TP Phan Thiết. Số lượng chỉ bằng khoảng một nửa so với năm 2019.

Các điểm du lịch nổi tiếng của TP Cần Thơ như: Chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng), làng du lịch cộng đồng Cồn Sơn, nhà cổ Bình Thủy (quận Bình Thủy), vườn cò Bằng Lăng (quận Thốt Nốt), làng du lịch Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) mở cửa trở lại phục vụ khách du lịch dịp lễ nhưng lượng khách đến chỉ khoảng 50% so với kỳ nghỉ lễ năm trước.

Tại chợ nổi Cái Răng, mỗi ngày, có hơn 10 tàu chở khách xuất bến, chỉ bằng một phần ba so với kỳ nghỉ trước. Nhiều tàu nằm đợi khách, giá thuê tàu tham quan bằng với ngày thường, chỉ từ 300.000 đến 400.000 đồng/chuyến chở 10 khách, chủ yếu khách đi theo nhóm đến từ một số địa bàn lân cận. Tại An Giang, từ ngày 28-4, tất cả các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã chính thức mở cửa đón khách trở lại.

Trong đó, Khu du lịch núi Cấm, huyện Tịnh Biên và Khu du lịch quốc gia (KDLQG) núi Sam thuộc phường Núi Sam, TP Châu Đốc là hai điểm lớn nhất của tỉnh thu hút du khách. Riêng tại KDLQG núi Sam với quần thể di tích kiến trúc, văn hóa đặc sắc như Miếu Bà Chúa xứ, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang… hằng năm đón hơn năm triệu lượt khách, song năm nay lượng khách không đông, đường đi lại khá thông thoáng.

Tăng cường kiểm soát, bảo đảm an toàn

Tuy các điểm đến du lịch hoạt động trở lại, nhưng hầu hết các địa phương đều tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc phòng, chống dịch Covid-19. Thậm chí có những tỉnh, thành phố như Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa vẫn thực hiện hạn chế khách tắm biển do lo ngại tình hình lây lan của dịch bệnh. Tất cả các điểm đến đều có lực lượng kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở khách đeo khẩu trang, thực hiện đo thân nhiệt, giữ khoảng cách tiếp xúc.

Đại diện nhiều cơ sở lưu trú còn ghi chép thông tin về đoàn khách, quá trình di chuyển, số điện thoại cá nhân, lắp đặt thêm vòi nước, trang bị xà-phòng rửa tay, dung dịch sát khuẩn khô, thực hiện đo kiểm tra thân nhiệt hằng ngày đồng thời nhắc nhở du khách thực hiện các quy định. Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, các đơn vị đều cam kết thực hiện du lịch an toàn nên số lượng khách tham quan cùng một điểm không vượt quá quy định.

Ngành du lịch cũng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch, các khu, điểm du lịch tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động và khách du lịch. Đồng thời, ngành du lịch định hướng cho các đơn vị, các địa phương, điểm du lịch tập trung chuyển hướng khai thác thị trường nội địa; chuẩn bị kế hoạch xúc tiến, quảng bá, kích cầu để tạo đà cho du lịch phục hồi nhanh sau mùa dịch Covid-19.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến cho biết: Tỉnh đã phát động xây dựng điểm đến an toàn, kêu gọi mỗi tập thể, cá nhân thực hiện “Người Việt Nam đi du lịch ở Việt Nam, người Thanh Hóa đi du lịch ở Thanh Hóa”; tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, kinh doanh đăng ký tham gia chương trình kích cầu du lịch, phấn đấu các cơ sở lưu trú giảm 10 đến 30% giá phòng lưu trú; cơ sở dịch vụ ăn uống giảm 5 đến 20%, doanh nghiệp vận tải du lịch giảm 20 đến 50%, du lịch lữ hành giảm 10 đến 40% giá dịch vụ.

Theo lãnh đạo ngành du lịch Thừa Thiên Huế, hiện các đơn vị trong tỉnh tập trung vào thị trường khách nội địa là chủ yếu. Từ tháng 5 đến cuối năm 2020, tỉnh sẽ có nhiều đợt giảm sâu giá vé tham quan các điểm di tích nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch. Festival Huế lần thứ XI năm 2020 vẫn sẽ được tổ chức từ ngày 28-8 đến 2-9 theo kế hoạch, tuy nhiên có sự thay đổi về quy mô lễ hội để phù hợp với điều kiện thực tế.

Trước đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các bộ tiêu chí về điểm tham quan, cơ sở dịch vụ du lịch an toàn, doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú an toàn. Tỉnh sẽ sớm ban hành Đề án phục hồi, kích cầu phát triển du lịch giai đoạn 2020-2021. Cùng mục tiêu nêu trên, tỉnh Khánh Hòa cũng xác định tập trung thực hiện nhiều giải pháp như: Tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua; triển khai đồng bộ công tác truyền thông; thực hiện chương trình kích cầu thu hút khách du lịch từ tháng 6 đến tháng 12-2020, với thông điệp “Việt Nam an toàn”, thông tin chương trình đăng trên trang web nhatrangnow.com; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch trọng tâm, tạo sức hút cho thị trường...

Tại An Giang, Phó Chủ tịch UBND thành phố Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết, các cơ quan chức năng thành phố đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, du khách, đại diện các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, hàng quán và các tiệm cơm có ý thức phòng tránh dịch bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. UBND thành phố Châu Đốc phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang tổ chức kiểm soát chặt chẽ hành khách, du khách nhập cảnh tại cửa khẩu. Thông tin về du khách khi đến TP Châu Đốc sẽ được ghi lại. Nếu ai có thân nhiệt quá cao, người có trách nhiệm sẽ hướng dẫn du khách đến các bệnh viện lớn ở Châu Đốc hay trung tâm y tế xét nghiệm.

Với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, bảo đảm an toàn cho khách du lịch và tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, hy vọng du lịch nước ta sẽ có sự hồi phục nhanh chóng trong thời kỳ sau dịch bệnh. Đây cũng là cơ hội để quảng bá về một điểm đến Việt Nam an toàn và thân thiện, chu đáo với du khách.

Nguồn nhandan

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục