Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (LRAMP) của Tổng cục Ðường bộ, Tây Ninh được đầu tư 28 cây cầu dân sinh thuộc các xã nông thôn, biên giới.
Trước khi có cống, người dân tại ấp Đông Hà, xã Tân Đông, huyện Tân Châu phải sử dụng cầu tạm bắc qua suối cạn.
Sau khi triển khai thực hiện, mới đây, Sở GT-VT đã bàn giao 5 cây cầu, cống cho địa phương quản lý, khai thác và sử dụng gồm cầu Thành Trung (xã Thành Long, huyện Châu Thành); cầu Gò Kén (xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành); cống Tân Lợi (xã Tân Hưng), cống Ðông Hà và cống Ðông Lợi (xã Tân Ðông) thuộc huyện Tân Châu.
Theo Sở GT-VT, tuổi thọ của các cây cầu là 75 năm, đối với cống là 50 năm. Cầu được thiết kế bê tông cốt thép, rộng 4m; cống bê tông cốt thép rộng 3m, bảo đảm cho các phương tiện vận tải nhỏ lưu thông.
Việc đầu tư xây dựng các cầu (cống) dân sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, bảo đảm an toàn giao thông cho người dân tại các vùng sâu, vùng xa, có điều kiện đi lại khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ; giúp kết nối liên vùng nhằm bảo đảm phát triển bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu kết nối giữa các loại đường trong hệ thống giao thông nông thôn.
Một cán bộ xã Tân Ðông cho biết, trước đây, người dân làm rẫy bên kia bờ suối cạn ở các ấp Ðông Hà và Ðông Lợi đi lại, vận chuyển nông sản rất khó khăn. Người dân dùng trụ bê tông bắc ngang qua suối để làm cầu tạm cho người đi bộ và xe gắn máy lưu thông nên rất nguy hiểm. Việc đầu tư 2 cống qua suối giúp người dân lưu thông an toàn, thuận tiện trong sản xuất.
Theo Ban quản lý dự án ngành giao thông tỉnh, sắp tới, ngành sẽ triển khai thi công 5 cây cầu dân sinh để bàn giao cho các địa phương, cũng như đẩy nhanh thủ tục để kịp triển khai thi công 18 cây cầu dân sinh còn lại theo dự án được phê duyệt, tiến tới xoá hoàn toàn cầu tạm ở vùng nông thôn.
THIÊN TÂM