Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hiện nay, việc trao đổi, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội trở nên thuận lợi, nhanh chóng. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, mọi người có thể tiếp cận thông tin dễ dàng. Tuy nhiên, việc chọn lọc thông tin chưa được chọn lọc, tiềm ẩn rủi ro, gây ảnh hưởng nhiều người.
Lực lượng công an làm việc với một trường hợp đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Tha hồ “giật tít, câu view”
Hiện nay, trên mạng xã hội Facebook có nhiều trang fanpage cập nhật tin tức thời sự, địa điểm vui chơi, ăn uống trên địa bàn tỉnh để giới thiệu đến mọi người. Nội dung của trang do một admin (người quản lý) hay nhóm admin chịu trách nhiệm; chủ yếu là sưu tầm, cóp nhặt từ nhiều nguồn khác nhau. Những trang được xây dựng với mục đích chia sẻ thông tin du lịch, quảng bá hình ảnh quê hương, fanpage để kiếm tiền quảng cáo.
Nhằm “câu like”, các admin bày ra không ít chiêu trò, phổ biến là việc đăng tải thông tin tai nạn giao thông, án mạng, ẩu đả, tâm linh… Một số trang còn đăng tin theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, phản ánh không đầy đủ, chính xác bản chất vấn đề.
Bạn N.T.T.T, ngụ phường IV, TP.Tây Ninh cho biết, bức xúc trước nạn câu like bằng những bài viết về tai nạn giao thông. Bạn T cho rằng: “Gần đây, số ít trang fanpage câu like bằng việc dẫn link, viết bài về tai nạn giao thông. Có trường hợp đăng tải những vụ tai nạn ở tỉnh khác hay xảy ra vài năm trước, không giải thích rõ gây nhầm lẫn cho người đọc”.
Còn anh Nguyễn Hoài Nam, ngụ xã An Bình, huyện Châu Thành bức xúc khi thấy hình ảnh người gặp tai nạn bị đăng tải trên mạng. Có những tài khoản Facebook đăng hình người treo cổ tự tử, máu đầy người gây ám ảnh và phản cảm. Đáng buồn là những thông tin này lại thu hút nhiều người xem và bình luận.
Gần đây, có khá nhiều thông tin chia sẻ về việc Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đóng cửa. Nhiều người hoang mang. Đại diện Công ty cổ phần du lịch thương mại Tây Ninh cho biết, phía đơn vị cũng nhận được khá nhiều thắc mắc xoay quanh việc khu du lịch ngừng hoạt động. Tuy nhiên, thông tin này là không chính xác. Khu du lịch chỉ đóng cổng phụ, còn cổng chính vẫn đón du khách đến tham quan.
“Thông tin sai sự thật trên đã ảnh hưởng ít nhiều đến lượng khách đến. Nhiều người ở tỉnh khác cho rằng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đóng cửa nên hoãn kế hoạch tham quan. Buôn bán ế ẩm, khách vắng hơn những năm trước. Hành vi tung tin giả gây ảnh hưởng tiêu cực rất đáng lên án”, cô T.N.T, hộ kinh doanh tại khu du lịch than thở.
Mệt mỏi vì “tin vịt”
Nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng tâm lý tò mò của người dân, tung ra nguồn tin có tính chất “độc, lạ” để thu hút cộng đồng. Người dùng mạng xã hội bị kích thích bởi tin “giật gân”, không biết đúng sai.
Vào thời điểm cuối năm 2019, một tài khoản Facebook đăng tải thông tin cảnh báo mọi người về tình trạng bắt cóc trẻ em trên địa bàn thị xã Hoà Thành. Thông tin trên nhận được sự quan tâm của cộng đồng, gây hoang mang cho nhiều gia đình. Qua tìm hiểu, trên địa bàn thị xã Hoà Thành không hề xảy ra vụ việc bắt cóc như tài khoản trên nêu. Việc đăng tin để thu hút sự chú ý để bán hàng online. Công an địa phương đã kịp thời mời chủ tài khoản Facebook trên đến làm việc, yêu cầu tháo gỡ bài viết, không để tình hình thêm phức tạp.
Những ngày qua, thông tin về vụ việc đối tượng Lê Quốc Tuấn (tự Tuấn Khỉ) sử dụng súng AK bắn làm 4 người chết, 1 người bị thương rồi bỏ trốn ở Củ Chi xuất hiện tràn lan trên Facebook. Nhiều người hoang mang trước những luồng thông tin khác nhau, cập nhật liên tục, chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội xoay quanh vấn đề này. Những chia sẻ, phát tán thông tin thiếu căn cứ, sai sự thật về dịch bệnh Covid-19. Chỉ nghe lời đồn, thậm chí tự bịa đặt thông tin để phát tán, nhẹ dạ, không biết tin giả, tiếp tay lan truyền thông tin (like, chia sẻ bài viết) gây hoang mang dư luận.
Công an Tây Ninh cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19.
Một giảng viên Trường cao đẳng nghề Tây Ninh cho rằng, phát ngôn không đúng sự thật sẽ gây tác động xấu cho người khác và xã hội. Giảng viên này bộc bạch: “Tôi khá bất bình trước hành vi tung tin không đúng về dịch bệnh Covid-19. Một số người đã hoang mang lại càng lo lắng hơn vì đọc và tin tưởng vào bài viết của một tài khoản nào đó. Mọi người phải có trách nhiệm đối với phát ngôn, thông tin đăng tải trên mạng xã hội của mình. Việc xử phạt nặng hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật là cách kiểm soát tin giả, làm sạch không gian mạng”.
Nghị định 15/2020 mạnh mẽ, quyết liệt hơn
Bà Nguyễn Thị Kim Hương - Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp cho biết, hiện nay, nhiều người còn khá mơ hồ và thiếu kiến thức cần thiết khi sử dụng mạng xã hội. Nhiều người cho rằng, với tài khoản cá nhân, họ có quyền đăng tải mọi thông tin, thậm chí cả thông tin sai sự thật, hoặc chia sẻ nội dung không rõ nguồn gốc, thiếu kiểm chứng để tạo sự chú ý hoặc phục vụ cho mục đích nào khác.
Việc đưa thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Ngày 3.2.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15.4.2020 thay thế Nghị định 174/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Trước đây, Nghị định 174/2013/NĐ-CP có 114 điều liên quan đến việc xử lý các vi phạm hành chính trong môi trường bưu chính, viễn thông; Nghị định 15/2020/NĐ-CP đã quy định rõ, chi tiết hơn với 224 điều. Nghị định 174/2013/NĐ-CP chưa phân định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc sử dụng môi trường mạng- nhất là mạng xã hội. Để khắc phục những hạn chế này, Nghị định 15/2020/NĐ-CP đã quy định rõ từng hành vi, trong đó có những hành vi mới được đưa vào như “cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân”.
Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật cho biết, Nghị định 15/2020/NĐ-CP đã quy định rõ trách nhiệm cá nhân của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Theo Điều 101 quy định mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xuý các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hoá, dịch vụ bị cấm. Ngoài phạt tiền, Nghị định quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Nghị định 15/2020/NĐ-CP ra đời trong thời điểm hiện nay là cần thiết, giúp đưa các hoạt động trên không gian mạng đi vào nề nếp, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, tạo thói quen cho người dùng có trách nhiệm với phát ngôn cũng như việc đưa thông tin của mình.
Hy vọng, nghị định mới cùng với Luật An ninh mạng sẽ là giải pháp mạnh trong việc phòng chống thông tin giả, sai lệch trên mạng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức và người dân. Người dùng mạng xã hội cần cảnh giác, sàng lọc, kiểm tra độ chính xác của thông tin, hình thành thói quen so sánh, đối chiếu với thông tin chính thống được đăng tải từ các đơn vị có thẩm quyền. Hãy tỉnh táo, không vì thiếu hiểu biết hay bức xúc mà vô tình tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền thông tin sai sự thật.
Phương Thảo - Ngọc Diêu