Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hỏi: Con gái tôi 8 tuổi, gần đây hai ngực của cháu nhô lên, đi khám và xét nghiệm máu bác sĩ nói cháu dậy thì hơi sớm, nhưng cũng không sao. Tôi lo cháu sẽ lùn. Xin bác sĩ cho lời khuyên.
Một bạn đọc
Ðáp: Dậy thì xảy ra khi cơ thể trẻ có những phát triển và thay đổi đánh dấu sự khởi đầu quá trình trở thành người lớn. Các dấu hiệu dậy thì đặc trưng ở bé gái là đầu tiên ngực nhô lên, sau đó khoảng 2 năm sẽ xuất hiện kinh nguyệt. Trong giai đoạn này, các đặc tính sinh dục khác cũng xuất hiện như có lông ở vùng kín, phát triển nhanh chiều cao. Tuổi bắt đầu dậy thì ở nữ là khoảng 8-13 tuổi.
Bé gái gọi là dậy thì sớm nếu ngực nhô lên trước 8 tuổi hoặc thấy kinh nguyệt trước 10 tuổi. Ða số trường hợp dậy thì sớm là do não của trẻ bị kích thích tự nhiên, nên quá trình dậy thì khởi động sớm. Một số ít trường hợp là do bệnh lý như tổn thương ở não hoặc tuỷ sống (khối u, nhiễm trùng, chấn thương), u tuyến thượng thận bẩm sinh, nhược giáp, u buồng trứng, hoặc do tiếp xúc với estrogen ngoại sinh (thức ăn, sản phẩm chăm sóc cơ thể, thuốc điều trị…).
Nhiều nghiên cứu cho thấy thôi nhiễm BPA (chất có đặc tính estrogen, có mặt trong các sản phẩm nhựa gia dụng hoặc ở lớp tráng mặt trong hộp và lon thiết), organohalogens và phthalate (các chất có mặt trong nhiều sản phẩm nhựa gia dụng, sơn, đồ chơi trẻ em, đồ nội thất, vật dụng gia đình) có liên quan đến béo phì và dậy thì sớm. Trẻ béo phì dễ dậy thì sớm hơn trẻ có cân nặng bình thường.
Trường hợp của cháu, có thể là dậy thì bình thường. Tuy nhiên nếu lo lắng quá, bạn có thể đưa cháu đi khám chuyên khoa để bác sĩ khám và làm xét nghiệm xác định (hoặc loại trừ) cháu có dậy thì sớm hay không và chẩn đoán nguyên nhân để có hướng điều trị thích hợp. Nếu được can thiệp kịp thời, tạm dừng quá trình dậy thì sớm, cháu vẫn có thể phát triển bình thường. Ngoài ra, ăn uống đầy đủ, vận động hợp lý, chơi các môn thể thao (bơi, nhảy dây, chạy bộ, cầu lông, bóng rổ, đạp xe…) cũng giúp phát triển tối đa chiều cao của trẻ.
Bác sĩ Huỳnh Văn Tú