BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tuổi cao nhưng lòng không già

Cập nhật ngày: 10/08/2009 - 06:17

Trưa nắng chang chang, trên đoạn đường nối liền từ giữa ấp Tân Hoà đến  UBND xã Tân Bình, có một ông cụ trạc tuổi 80, dáng người thấp, gầy, tóc bạc, đầu đội chiếc nón cối cũ kỹ, gò lưng trên chiếc xe đạp cà tàng dưới cái nắng như đổ lửa. Thỉnh thoảng, ông cụ dừng xe, cúi lượm vài mẩu củ mì rơi vãi bên đường. Có người nhìn cụ, thắc mắc: Đây là xứ củ mì, bác lượm làm chi vài mẩu rơi vãi như thế? Ông cụ cười hiền hoà: “Củ mì rơi rớt thế này, bỏ đi tiếc quá! Lượm về biết đâu có ích, cho gà ăn cũng được”.

Nhiều em nhỏ trong vùng, gặp ông cụ là gọi “ông nội” hoặc “ông ngoại” một cách thân thiết. Mọi người rất ngạc nhiên và xúc động khi biết rằng từ việc lượm lặt từng mẩu củ mì rơi trên đường, ông cụ đã bán, tích góp được số tiền lên đến hàng trăm ngàn đồng. Số tiền đó, ông cụ dùng mua nón vải, thấy em nhỏ nào đi không có nón đội, cụ tặng nón cho để có cái mà che nắng.

Tuổi đã 79, cụ Hạnh vẫn còn khoẻ mạnh, minh mẫn và thích lo việc xã hội.

Ông cụ ấy tên là Phạm Văn Hạnh, sinh năm 1930, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Tân Bình và là một trong những gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở địa phương.

Ở tuổi 79, cái tuổi “xưa nay hiếm”, thay vì ở nhà để vui vầy, an nhàn bên con cháu sau bao nhiêu năm phục vụ trong quân đội. Nhưng với suy nghĩ “còn sống ngày nào thì cho ra sống ngày đó!”, từ khi về hưu (1987) đến nay, cụ Hạnh vẫn miệt mài làm công tác xã hội, giúp đỡ mọi người xung quanh.

Tôi hỏi vì sao cụ lại quan tâm đến các em nhỏ đến vậy, cụ Hạnh bùi ngùi kể về khoảng thời gian cơ cực của mình lúc nhỏ. Cách mạng nổ ra, người nghèo trong đó có gia đình cụ được chia gạo thóc. Cảm cái ơn cách mạng, chàng trai Phạm Văn Hạnh đã tham gia kháng chiến. Trong mấy chục năm phục vụ quân ngũ chiến sĩ Phạm Văn Hạnh đã 3 lần được gặp mặt Bác Hồ kính yêu. Lần thứ nhất vào năm 1950, tại Tuyên Quang, Bác đã đến thăm và căn dặn khi đơn vị đang chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới. Lần thứ hai là vào tháng 9.1954, khi người lính trẻ về dự lễ kỷ niệm thành lập Nước tại thủ đô Hà Nội. Lần cuối cùng là vào năm 1960, khi chàng trai được trở về quê công tác tại Tỉnh đội Thái Bình.

Cụ Hạnh bảo, đó là sự may mắn và cũng là vinh dự lớn lao mà suốt đời cụ chẳng bao giờ quên. Cho đến giờ, cụ Hạnh vẫn nhớ mãi hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, có lối sống giản dị, tiết kiệm và hết sức quan tâm, gần gũi với nhân dân. Trong đời sống thường ngày, cụ Hạnh luôn thực hiện theo tấm gương của Bác và dạy dỗ các con cháu mình cũng sống như thế. Cụ Hạnh nghĩ đơn giản: “Bác Hồ là một vị lãnh tụ vĩ đại vậy mà sống rất giản dị, tiết kiệm, yêu thương mọi người, cớ gì mình chỉ là một người dân bình thường lại không làm như vậy?”.

Cụ Hạnh chia sẻ, cả cuộc đời cụ ngoài ơn cha mẹ đã sinh thành, ơn Đảng và Bác Hồ đã cho cụ cuộc sống mới, cụ còn biết ơn chính người vợ. Mấy chục năm phục vụ trong quân đội, cụ Hạnh cứ rày đây mai đó, chẳng có thời gian chăm sóc gia đình, cụ bà đã thay chồng làm lụng nuôi nấng dạy bảo các con nên người. Bây giờ, các con của cụ đã được học hành, có công ăn việc làm tử tế. Thực hiện tiết kiệm, hai vợ chồng cụ Hạnh chỉ sống dựa vào đồng lương hưu là chính. Tuy cuộc sống chẳng dư dả gì nhưng hễ có ai mượn tiền để lo việc học cho con cái là cụ đều tìm cách giúp đỡ. Cụ Hạnh tâm sự: “Mình có sống trong cái khó, cái khổ mới hiểu thấu cái khó, cái khổ của người khác. Lúc tui còn nhỏ, cái ăn, cái mặc còn không có thì lấy gì mà được học hành, vì thế mà bây giờ được giúp các cháu nhỏ học hành là tôi vui lắm!”.

Ở địa phương, cụ Hạnh rất được bà con chung quanh kính trọng, tín nhiệm. Với cương vị là phó trưởng Ban hoà giải của ấp Tân Hoà, trong 6 năm qua, cụ Hạnh đã góp sức hoà giải thành 51 vụ thưa kiện trong nhân dân. Cụ được các cháu nhỏ đặc biệt quý mến nên những lời cụ dạy thường được các em lắng nghe và làm theo. Trong ấp có hai em ngang đầu cứng cổ, quậy phá… được ấp và công an gọi giáo dục nhiều lần nhưng không thành. Cụ Hạnh đã đứng ra bảo lãnh và nhận trách nhiệm giáo dục hai em này. Qua 6 tháng “sống” với cụ, hai em này đã ngoan ngoãn, biết phân biệt đúng sai, phải trái, không còn quậy phá.

Trong công tác đấu tranh xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, cụ Hạnh thẳng thắn đóng góp ý kiến, phê bình, nói lên cái đúng, điều sai để anh em đồng chí hiểu, rút kinh nghiệm mà sửa chữa.

Khi được hỏi: “Theo cụ, cán bộ, công chức ta hiện nay cần học tập ở Bác Hồ điều gì trước nhất?”, cụ Hạnh thẳng thắn: “Công chức ta hiện nay nên học ở Bác Hồ trước hết là đức tính tận tuỵ, phấn đấu suốt đời để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc và lòng dũng cảm để đấu tranh chống lại cái sai, cái xấu, những cám dỗ vật chất tầm thường…”. Bây giờ, dù đã cao tuổi nhưng cụ Phạm Văn Hạnh trông vẫn còn nhanh nhẹn và khoẻ khoắn. Tôi hỏi: “Cụ định làm việc đến khi nào thì nghỉ?”. Cụ cười giòn: “Cứ hễ còn đạp xe được thì tôi còn tham gia công tác xã hội, đoàn thể ở địa phương, ai nhờ gì giúp đó, không từ nan…”.

NGUYỄN NHIÊN