Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tuổi thơ không tươi đẹp
Thứ sáu: 12:09 ngày 25/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Kiệt mới 11 tuổi đầu mà trên người em chằng chịt những vết sẹo lớn có, nhỏ có do va vấp, tổn thương trên bước đường xuôi ngược mưu sinh.

Cả nhà Kiệt.

Trong khi bạn bè cùng trang lứa háo hức đón chào năm học mới thì em Lê Văn Kiệt, học sinh lớp 4, Trường tiểu học An Phú (xã An Hoà, huyện Trảng Bàng) vẫn miệt mài đi bán vé số. Năm học mới, Kiệt vui vì được gặp lại bạn bè sau kỳ nghỉ hè nhưng em sẽ càng vui hơn khi mỗi ngày đều bán hết vé số.

Ở trường, không thầy cô nào không biết đến Kiệt- đứa học trò nghèo bán vé số có đến 3 năm học lớp 1. Ở tuổi của Kiệt, các bạn đã vào lớp 6 còn em mới lên lớp 4.

Kiệt có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ba mẹ em Kiệt và những người họ hàng đều làm nghề bán vé số lâu năm nên từ nhỏ em đã biết công việc này thế nào. Và cũng nhờ cái nghề này mà ba mẹ Kiệt đã nuôi lớn 3 đứa con. Kiệt là con cả trong nhà, sau em còn có em gái sinh năm 2011 và em trai sinh năm 2013.

Từ năm 6 tuổi, Kiệt đã theo cha rong ruổi khắp các nẻo đường ở thị trấn Trảng Bàng để bán vé số. Được ba mẹ cho đi học, Kiệt cũng thích lắm nhưng quãng thời gian theo ba đi bán vé số với nếp sinh hoạt quá tự do đã khiến cậu bé cảm thấy gò bó khi vào lớp học.

Bên cạnh đó, công việc bán vé số thật quá mệt nhọc đối với một đứa trẻ nên hầu như vào lớp, Kiệt không thể tiếp thu bài vì mệt và thiếu ngủ. Không theo kịp bạn bè nên hết năm học đầu tiên Kiệt đã phải ở lại lớp.

Năm học tiếp theo của Kiệt, do ba em phát bệnh xơ gan, sức khoẻ kém nên không thể đi bán vé số được nhiều như trước. Thế là Kiệt bắt đầu tự mình đi bán. Buổi sáng, sau khi kết thúc giờ học, Kiệt về nhà ăn cơm rồi bắt đầu lên đường đi bán vé số. Bán hết 50 tờ vé số, Kiệt tranh thủ vào trường học cho đến chiều tối lại đi bán thêm 100 tờ vé số nữa.

Những ngày bán đắt, tầm 9 - 10 giờ tối là Kiệt đã có thể về nhà. Ngày nào bán ế thì trễ hơn, có khi đến hơn 12 giờ đêm em mới về. Kiệt thường bán vé số tại các nơi tập trung đông người như chợ, siêu thị, quán ăn...

Ba bệnh, mẹ bận trông em nhỏ nên gần như cậu bé trở thành trụ cột của gia đình. Cậu bé cũng sớm nhận thấy trách nhiệm của bản thân nên rất chú tâm vào việc bán vé số. Những buổi lên lớp chính là khoảng thời gian ít ỏi để cậu tự cho phép đôi chân còm cõi của mình được nghỉ ngơi. Rồi cũng như năm học đầu tiên, Kiệt tiếp tục ngồi lại lớp 1.

Biết được gia cảnh của Kiệt, các thầy cô trong trường đều rất thương và tạo điều kiện để em không phải bỏ học. Cô Nguyễn Thị Việt Trang, giáo viên chủ nhiệm 3 năm lớp 1 của Kiệt là người đã tích cực động viên để giữ Kiệt lại với trường lớp. Cứ khi nào thấy cậu học trò có vẻ chểnh mảng việc học là cô lại khuyên nhủ.

Còn nhớ, năm đầu tiên Kiệt ở lại lớp, mẹ em quyết định cho con nghỉ học vì sợ con không theo nổi bạn bè. Nhờ cô Trang phân tích, giảng giải về lợi ích của việc học, người mẹ mới đồng ý cho con tiếp tục đến trường.

Được cô Trang chịu khó nhắc nhở, giảng lại bài, Kiệt dần tiếp thu được bài học. Vậy mà cũng phải qua 3 năm lớp 1, Kiệt mới được lên lớp. Lên lớp nào, em lại được các thầy cô chủ nhiệm lớp đó quan tâm, giúp đỡ. Tình cảm thầy trò cứ thế ngày càng gắn kết hơn.

Ban Giám hiệu nhà trường cũng thường xuyên hỗ trợ gia đình Kiệt bằng cách ưu tiên cho em được nhận sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân vào những dịp lễ, tết. Cách đây không lâu, cô Đặng Thị Hồng Như- một giáo viên của trường đã kêu gọi bạn bè trên mạng xã hội facebook cùng đóng góp trợ giúp gia đình em Kiệt hơn 4 triệu đồng. Số tiền này được dùng để chữa bệnh cho ba của em.

Mới 34, nhưng chị Nguyễn Thị Hiền- mẹ của Kiệt trông già hơn so với tuổi. Chị bảo, cả hai vợ chồng đều không biết chữ, cũng vì dốt chữ nên trong làm ăn thường chịu thiệt thòi do người ta nói gì nghe đó, chẳng biết đường nào mà lần. Chị mong các con của mình được đi học, biết chữ với người ta để sau này không phải thiệt thòi như ba mẹ chúng.

Hơn 1 năm trở lại đây, bệnh của ba Kiệt ngày càng trở nặng, tiền bạc không có, anh uống thuốc Nam từ thiện để cầm cự qua ngày. Nhờ có Kiệt gánh vác việc mưu sinh mà chị Hiền đỡ lo hơn. Buổi chiều, chị cũng đi bán vé số, chở cả hai đứa nhỏ theo luôn vì để chúng ở nhà không an tâm. Năm nay, em gái của Kiệt vào lớp 1. Gia đình đã nghèo lại thêm một khoản lo mới nhưng chị Hiền vẫn cố gắng sắm sửa quần áo, cặp vở cho con gái.

Sau nhiều năm lăn lộn với nghề bán vé số, cậu bé Kiệt ngây ngô ngày nào giờ đã trở nên già dặn hơn và có phần chai lì cảm xúc. Kiệt rất ngại tâm sự với người khác về cuộc sống, ước mơ của mình.

Trước đây, em từng kể với cô Đào - giáo viên chủ nhiệm lớp 3 rằng em chỉ muốn sau này được làm thợ hồ để có tiền phụ giúp gia đình. Ước mơ giản đơn của đứa học trò nghèo khó đã khiến cô giáo xúc động, thương cảm.

Trong khi ở lứa tuổi của Kiệt, nhiều em học sinh khác đã biết vẽ nên những ước mơ đẹp đẽ thì cậu học trò nghèo chỉ cần một công việc kiếm tiền, bất kể đó là công việc lao động chân tay đầy nặng nhọc.

Tương lai là một cái gì đó xa vời với Kiệt. Có lẽ với em, kiếm tiền vẫn là việc quan trọng nhất bây giờ. Em không còn thời gian để mơ mộng như những đứa trẻ khác.

Trong thời gian đi bán vé số, Kiệt quen với em Vũ Công Hải, 10 tuổi, cũng đi bán vé số như mình. Hai anh em cùng đi bán, cùng chơi, cùng tâm sự thân thiết như anh em ruột thịt. Hải tới nhà Kiệt chơi, ở lại nhà luôn và cũng gọi ba mẹ Kiệt là ba mẹ.

Khi biết Hải có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ba mẹ Kiệt cũng thương như con trong gia đình. Bà của Hải đôi lần tìm đến, khi biết Hải được gia đình Kiệt yêu thương, bà mới an tâm, không đi tìm kiếm nữa. Do không có giấy tờ, hộ khẩu nên từ đó đến nay Hải chưa từng được đi học.

Thấy ba mẹ Kiệt chuẩn bị cho hai anh em Kiệt đi học, Hải thích lắm. Em bảo muốn đi học nhưng không biết làm cách nào vì bà và mẹ em cũng không có điều kiện cho em được đến trường.

Kiệt (bên trái) và Hải trên đường đi bán vé số.

Gia đình Kiệt ở trong một căn nhà nhỏ cũ kỹ và quá chật hẹp cho 6 người- tính luôn cả Hải. Anh em Kiệt lúc nào cũng lấm lem trong bộ quần áo cũ kỹ, thường là áo này quần nọ. Cuộc sống vất vả khiến chúng trưởng thành sớm và tự lập sớm hơn các bạn bè cùng trang lứa.

Do không biết chữ, lại không giỏi tính toán nên chị Hiền- mẹ Kiệt không biết làm việc gì khác ngoài bán vé số. Chị bảo, nhìn các con đi bán vé số và sống thiếu thốn hơn những đứa trẻ khác, chị xót xa lắm nhưng chẳng biết làm sao. Kiệt mới 11 tuổi đầu mà trên người em chằng chịt những vết sẹo lớn có, nhỏ có do va vấp, tổn thương trên bước đường xuôi ngược mưu sinh. Chị Hiền cũng chỉ mong cho con đi học để biết đọc, biết viết chứ chẳng dám hy vọng chúng thành tài sau này.

Chia tay gia đình Kiệt, trong đầu tôi luôn vương vấn hình ảnh cậu bé nghèo già dặn trước tuổi. Và tôi có thể dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ cùng số phận như Kiệt ở khắp nơi.

Đó là những đứa trẻ kém may mắn khi không được hưởng một cuộc sống vô tư, bình yên như bạn bè đồng trang lứa. Để vượt qua nghịch cảnh, đòi hỏi các em phải có ý chí, nghị lực lớn lao. Nhưng tương lai nào đang chờ đợi các em khi mà con đường đến lớp hôm nay còn quá gập ghềnh, trắc trở?

Lê Thuỳ

Tin cùng chuyên mục