Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) lần thứ 45 sẽ diễn ra từ 24 đến 26-8 tại thành phố biển Biarritz, miền Tây Nam nước Pháp. Đây là lần thứ bảy Pháp đảm nhận vai trò chủ nhà Hội nghị G7.
Trong ảnh (từ trái sang): Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John J. Sullivan, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland, Ngoại trưởng Italy Enzo Moavero Milanesi và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono chụp ảnh chung tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 ở Dinard, Pháp, ngày 5-4-2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, khi thế giới đang phải trải qua những chuyển biến sâu sắc, khó lường, bản thân trong nội bộ các nước G7 cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, giữa các thành viên G7 với nhau chưa hết chia rẽ.
Chủ đề Brexit và tương lai của Liên minh châu Âu (EU) đang là mối bận tâm lớn khi tân Thủ tướng Anh Boris Johnson tỏ ra dứt khoát "chia tay" với EU dù có hay không có thỏa thuận, mà cũng không giấu tham vọng hướng tới một hiệp định thương mại riêng rộng hơn với Mỹ.
Chính trường Italy lâm vào khủng hoảng với sụp đổ của liên minh cầm quyền sau 14 tháng thành lập, khi mà "cuộc đối đầu" giữa Roma và Paris liên quan chủ đề tiếp nhận người di cư càng khoét sâu những bất động trong EU. Nhật Bản vướng vào tranh cãi thương mại với Hàn Quốc, làm lung lay liên minh giữa hai quốc gia Đông Bắc Á này với Mỹ.
Pháp và Mỹ đang có dấu hiệu bị cuốn vào "cuộc chiến thương mại" sau quyết định của Paris áp thuế 3% với hàng công nghệ kỹ thuật số, tác động tới các tập đoàn lớn của Mỹ... Bao trùm lên đó vẫn là bất đồng giữa chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald với các thành viên còn lại của G7 trong hàng loạt vấn đề quan trọng, vốn là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng "rối loạn" của hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái ở Canada, khi Tổng thống Trump rời hội nghị sớm hơn so với dự kiến và không ký vào bản tuyên bố chung.
Hội nghị thường niên G7 vẫn được xem là cơ hội để các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia thành viên (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Canada) và khách mời cùng nhau tìm kiếm đồng thuận nhằm ứng phó với những thách thức chung toàn cầu, đưa ra các cam kết cho những mục tiêu cụ thể.
Song từ 2 năm nay, thế giới đã chứng kiến những kỳ hội nghị G7 căng thẳng và bất hòa. Hội nghị thượng đỉnh năm 2017 tại Italy bị đánh giá là "u ám" bởi những tranh cãi liên quan tới việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Hội nghị năm 2018 tại Canada cũng bị giới phân tích coi như "thất bại" khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối ký tuyên bố chung do những bất đồng liên quan đến việc Washington áp thuế cao đối với các sản phẩm thép và nhôm của EU và Canada xuất khẩu sang thị trường Mỹ. "Có những khác biệt về quan điểm không thể hòa giải" là những gì được nhắc tới về quan hệ giữa Mỹ và các thành viên G7 còn lại thời gian gần đây.
Trong khi đó, những căng thẳng thương mại quốc tế không hề dịu đi trong thời gian qua, mà thậm chí còn leo thang và biến thành "chiến tranh", đặc biệt tranh cãi thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến châu Âu hứng chịu những hậu quả đầu tiên, đồng thời "bóng ma" suy thoái kinh tế toàn cầu đang hiện hữu. Sự chững lại trong hoạt động kinh tế toàn cầu thời gian qua đã gây tổn hại lớn.
Sau loạt biện pháp leo thang trả đũa về thuế quan giữa Bắc Kinh và Washington, các tổ chức tín dụng quốc tế lớn đang xem xét lại dự báo tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Thế giới (WB) đã giảm mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 từ 2,9% xuống 2,6%, và của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) từ 1,6% xuống 1,2%. Tác động kinh tế đối với Eurozone chắc chắn sẽ còn nặng nề hơn nữa khi nguy cơ Anh rời khỏi EU không có thỏa thuận vào ngày 31-0, đang trở nên rõ rệt.
Những diễn biến trên đang tạo sức ép đối với các nhà lãnh đạo G7, nhất là năm nay G7 đưa ra mục tiêu tham vọng: tiếp tục đóng vai trò quyết định trong 3 lĩnh vực lớn bao gồm bảo vệ khí hậu và đa dạng sinh học, với trọng tâm là tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường và thay đổi phương thức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa; hành động vì hòa bình, chống lại các mối đe dọa an ninh và khủng bố, bằng cách cải thiện cách thức phản ứng đối với khủng hoảng và xung đột gây bất ổn xã hội; bảo vệ dân chủ, chú trọng việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo phục vụ quyền và lợi ích của con người.
Riêng với nước chủ nhà Pháp, nội dung ưu tiên chính trong năm Chủ tịch G7 là chống bất bình đẳng, bởi Pháp cho rằng thế giới vẫn còn “bất bình đẳng một cách không thể chấp nhận được” và hy vọng G7 sẽ tìm ra hướng giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này. Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, mâu thuẫn, bất đồng nảy sinh từ sự bất bình đẳng.
Chủ nghĩa đa phương mà các nhà lãnh đạo châu Âu bảo vệ bị đe dọa trước sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng dân túy mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cổ xúy. Bên cạnh đó, các nước phải đối mặt với "nỗi sợ hãi" của thời hiện đại: sợ biến đổi khí hậu, sợ công nghệ, sợ di cư. Những hiện tượng đương đại này vượt xa khuôn khổ quốc gia và đòi hỏi các phương thức hợp tác mới hiệu quả hơn nhưng cũng đầy thách thức hơn.
Trong bối cảnh này, tại hội nghị G7, Pháp tập trung tìm kiếm các giải pháp đối với tình trạng bất bình đẳng, đặc biệt là thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận giáo dục và dịch vụ y tế chất lượng; thúc đẩy giảm bất bình đẳng môi trường bằng việc tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và cho chuyển đổi sinh thái đúng đắn; thúc đẩy các chính sách thương mại, thuế và phát triển công bằng hơn trong lĩnh vực kỹ thuật số...
Bên cạnh đó, cuộc chiến chống bất bình đẳng được tăng cường ở cấp độ quốc tế, thông qua việc xây dựng quan hệ đối tác mới với châu Phi và nhất là tại khu vực Sahel, nơi tập trung hầu hết thách thức của "lục địa Đen".
Bất chấp nội dung tham vọng trên, Tổng thống Pháp Macron quyết định không chuẩn bị trước dự thảo tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh G7, một phần bởi những diễn biến bất lợi trước thềm hội nghị. Điều này góp phần phản ánh rõ thêm sự rạn nứt sâu sắc giữa nguyên thủ các nước công nghiệp lớn nhất thế giới.
Điều đáng nói là Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã không dự hội nghị ngoại trưởng G7 hồi tháng 4 vừa qua, lần thứ hai liên tiếp ông Pompeo vắng mặt tại cuộc họp G7, làm dấy lên nghi ngờ rằng Mỹ đang "cố tình phá bỏ" cấu trúc này trong khi những nước khác, nhất là EU, đang cố gắng duy trì.
Khi "quay lưng" với chủ nghĩa thương mại quốc tế đa phương, rút khỏi Hiệp định Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran, áp dụng chính sách Trung Đông gây nhiều tranh cãi..., nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump tỏ ra đã đi "chệch" khỏi mục tiêu chung mà trước đây G7 vẫn luôn đạt được sự đồng thuận.
Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 tại Pháp, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng "sẽ phù hợp hơn nhiều" khi Nga là thành viên trong nhóm các cường quốc thế giới này. Theo ông, nhóm các nền kinh tế hàng đầu này "sẽ phải là G8, bởi rất nhiều điều chúng ta thảo luận có liên quan đến Nga". Thực tế này ngày càng khiến dư luận đặt câu hỏi về vai trò và sức ảnh hưởng của G7 trong tình hình mới.
Nguồn TTXVN