Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Sau hàng chục năm hình thành và phát triển, hệ giáo dục thường xuyên đã có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giai đoạn sau năm 1975. Rất nhiều thế hệ cán bộ, CNVC, vì nhiều lý do khác nhau đã theo học hệ giáo dục thường xuyên để chuẩn hoá trình độ, văn bằng. Từ bước đệm này, nhiều người đã học lên cao hơn. Thế nhưng…

|
Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Tây Ninh trong giờ học môn Toán.
Những nghịch lý
Ông Dương Văn Trí- Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Tây Ninh cho biết, tại thời điểm này, Trung tâm có 12 lớp với tổng cộng 450 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12. Trong đó có 3 lớp học ban ngày và 9 lớp học ban đêm.
Học sinh ban đêm gồm nhiều nhóm đối tượng, lứa tuổi khác nhau, có những người chưa có bằng tốt nghiệp THPT, ban ngày đi làm hoặc đi học trường nghề, trường trung cấp nên phải tranh thủ thời gian ban đêm để học chuẩn hoá văn bằng trước khi học lên các cấp, bậc học cao hơn.
Buổi tối, hoạt động của Trung tâm còn sôi động, nhộn nhịp hơn cả ban ngày do số học sinh đông hơn. Ngoài hoạt động chính- dạy bổ túc văn hoá cho học sinh, mỗi năm Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Tây Ninh dạy nghề phổ thông cho khoảng 5.000 học sinh của các trường THCS trên địa bàn. Từ năm 2012 trở về trước, Trung tâm có tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ.
Tiền thân là Trường Bổ túc văn hoá tỉnh, năm 2006, Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Tây Ninh mới chính thức mang tên mới và đi vào hoạt động. Một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay là cơ sở vật chất của Trung tâm quá cũ kỹ, chật hẹp.
Toàn bộ diện tích chỉ rộng hơn 3.500 mét vuông; phòng học vừa thấp, vừa chật, không đúng quy cách; một số phòng học không có cửa sổ. Từ năm 2007 đến nay, đã có 3 phương án đề ra đối với Trung tâm này. Phương án 1 là tiến hành mở rộng ra phía sau với diện tích đất lớn hơn một hecta.
Phương án 2 là di dời Trung tâm lên gần Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh và phương án 3 là di dời đến gần Trường THPT Tây Ninh, tức gần với địa điểm dự kiến xây mới Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha. Tuy nhiên, sau khoảng 8 năm kể từ ngày có kế hoạch cho đến nay, vì nhiều lý do khác nhau, cả 3 phương án trên đều chưa được thực hiện.
Theo ông Trí, có một khó khăn khách quan là các trung tâm giáo dục thường xuyên càng ngày càng khó tuyển sinh. Đây có thể là một trong những lý do để Nhà nước xem xét, tính toán đầu tư cho hệ giáo dục thường xuyên như thế nào cho hợp lý, tránh lãng phí.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Trí, nếu xu hướng gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học vào làm một như vừa qua vẫn được thực hiện tiếp tục thì trong tương lai, học sinh có thể sẽ lại chọn học hệ giáo dục thường xuyên.
Lý do là vì ở hệ giáo dục thường xuyên, học sinh chỉ phải học 8 môn khoa học cơ bản, không phải học các môn khác. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh có nhu cầu vào đại học trong khi văn bằng tốt nghiệp là như nhau, không phân biệt bằng trung học phổ thông hay bằng bổ túc văn hoá.
|
Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Châu Thành trong giờ học môn Ngữ văn.
Có thể thấy Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Tây Ninh đang tồn tại những nghịch lý: tổng số học sinh của Trung tâm tương đối đông so với các đơn vị bạn trong tỉnh (trừ Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh) nhưng cơ sở vật chất lại không tương xứng. Trong khi đó, một số trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện được xây dựng khá “hoành tráng” nhưng học sinh lại rất ít.
Vào tháng 9 vừa qua, lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo có báo cáo với HĐND tỉnh rằng, trong thời gian tới sẽ xem xét để tiến hành sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Tây Ninh với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh.
Nếu việc sáp nhập được thực hiện thì tỉnh không phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây mới Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Tây Ninh. Sau khi có thông tin về chủ trương xem xét sáp nhập hai trung tâm nói trên, một số cán bộ quản lý đang làm việc ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện bày tỏ thái độ không tán thành.
Phía ý kiến này cho rằng: chức năng, nhiệm vụ của hai đơn vị (cấp tỉnh và cấp huyện, thành phố) khác nhau nên sáp nhập là điều không hợp lý. Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh hầu như chỉ thực hiện chức năng liên kết đào tạo, không thực hiện các chức năng khác của đơn vị cấp huyện như dạy bổ túc văn hoá, dạy nghề cho học sinh phổ thông…
Liên quan đến việc có hay không chuyện sáp nhập trên, hiện có ý kiến đề xuất: sau khi xây xong Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha ở địa điểm mới, có thể chuyển toàn bộ Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Tây Ninh về cơ sở của Trường chuyên hiện nay.
Nhưng, với những gì đã diễn ra, có thể thấy, phải mất rất nhiều năm nữa mới hy vọng về một cơ ngơi mới dành cho trường chuyên. Bởi kế hoạch xây mới ngôi trường này có từ năm 2009 nhưng cho đến nay, sau 6 năm, mọi việc vẫn chưa thấy chuyển động.
Đối mặt cùng thách thức
Theo con số mới nhất, hiện nay toàn tỉnh chỉ còn 1.179 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 đang theo học ở 9 trung tâm giáo dục thường xuyên. Con số vừa nêu không bao gồm các lớp trung cấp hoặc dạy nghề được thực hiện bằng hình thức liên kết.
Như vậy, nếu lấy con số 1.179 trừ đi 450 học sinh ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Tây Ninh thì 8 trung tâm giáo dục thường xuyên còn lại chỉ còn hơn 700 học sinh. Con số này chỉ tính bình quân, vì có những trung tâm hiện rất ít học sinh.
Ví dụ, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành nay chỉ còn 3 lớp 10, 11 và 12 với khoảng 90 học sinh (không tính một số lớp trung cấp được thực hiện bằng hình thức liên kết). Năm học 2014 - 2015, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành chỉ tuyển được 9 học sinh vào lớp 10, sau đó tăng thêm 4.
Số học sinh ngày càng ít, tuyển sinh năm sau khó hơn năm trước nhưng cơ ngơi mới của Trung tâm lại có quy mô quá lớn. Đây chính là nguyên nhân để các cấp có thẩm quyền quyết định đưa Trường THPT Châu Thành về “sống chung” với Trung tâm.
Quyết định này được coi là hợp lý, tránh sự lãng phí về cơ sở vật chất, tiết kiệm đươc nhiều chục tỷ đồng (nếu phải xây mới Trường THPT Châu Thành). Nhưng mặt khác cũng xuất hiện một tình huống: khi không trúng tuyển vào Trường THPT Hoàng Văn Thụ, đa số học sinh lớp 9 ở các xã lân cận đã chọn vào Trường THPT Châu Thành để học, mà “bỏ qua” Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Điều này khiến cho công tác tuyển sinh của Trung tâm vốn đã khó lại càng khó hơn.
|
Cơ ngơi mới của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Bến Cầu (ảnh chụp tháng 7.2015).
Không chỉ ở Châu Thành, hầu hết các trung tâm giáo dục thường xuyên còn lại trên địa bàn tỉnh cũng đang tồn tại trong khung cảnh hiu hắt vì số người học ngày càng ít, nhiều lớp chỉ lơ thơ mấy học sinh. Trước đây, Báo Tây Ninh từng nhiều lần đề cập chuyện học sinh bỏ học.
Một số lượng không nhỏ học sinh sau khi học xong lớp 9, không tiếp tục học lên lớp 10, cũng không vào các trường nghề mà tham gia lao động sản xuất. Nhiều năm trước, học sinh lớp 9 - nếu như không học lên THPT sẽ vào bổ túc. Nay, tình hình đã khác khiến hệ giáo dục thường xuyên cứ phải chật vật để tồn tại.
Nếu tính theo suất đầu tư bình quân, rõ ràng ngân sách đang phải chi trả một mức rất cao trên một người học ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Ví dụ, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Châu Thành hiện có khoảng 20 cán bộ, giáo viên nhưng lại có chưa đến 100 học sinh.
Tính cho chi li thì ở nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, chi phí đào tạo một học sinh bổ túc có khi còn cao hơn đào tạo một sinh viên đại học sư phạm, tính theo từng năm một. Năm 2008, khi Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn ra đời, Trung ương đã có chủ trương mỗi huyện và thành phố trực thuộc tỉnh có một trung tâm hướng nghiệp tổng hợp để thực hiện chức năng đào tạo nghề cho nhiều nhóm đối tượng, trong đó có lao động nông thôn.
Tại Tây Ninh, có 2 trung tâm giáo dục thường xuyên được xây dựng theo tinh thần đó- ở Châu Thành và Bến Cầu. Đề án 1956 đã đi được hơn nửa chặng đường, thực tế diễn ra cho thấy: việc các trung tâm giáo dục thường xuyên tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn ở mức hạn chế.
Lý do chính là chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn thật ra chỉ là hình thức đào tạo giản đơn, ngắn hạn, gắn với các nghề nông nghiệp. Các nghề này không phải là thế mạnh của các trung tâm giáo dục thường xuyên. Điều này giải thích vì sao nhiều thiết bị cung ứng cho trung tâm giáo dục thường xuyên để tham gia đào tạo nghề nhưng chưa một lần được sử dụng.
Có những thiết bị giá trị nhiều chục triệu đồng cứ phải để trong trạng thái “niêm phong”. Mặt khác, sự phối hợp trong đào tạo nghề giữa ngành Giáo dục và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có lúc chưa thật ăn ý.
Chẳng hạn, nếu trung tâm giáo dục thường xuyên muốn mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì phải có học viên. Muốn mở lớp đào tạo, trung tâm lại phải phụ thuộc vào việc ngành Lao động - Thương binh và xã hội cùng cấp có giao (hoặc thuê) trung tâm dạy hay không.
Buổi đầu sau ngày miền Nam được giải phóng, do nhu cầu đào tạo, chuẩn hoá cán bộ, suốt một thời gian dài, hệ giáo dục thường xuyên giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Nay, với sự phát triển của mạng lưới trường phổ thông, hệ giáo dục thường xuyên thật sự đang chạm trán với nhiều thách thức.
VIỆT ĐÔNG