BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tương lai nào cho y tế cơ sở ? 

Cập nhật ngày: 19/06/2017 - 04:50

BTN - Câu hỏi trên đặt ra lúc này kể ra có… hơi muộn. Thời gian qua, từng có nhiều ý kiến đề nghị cần xem xét, tổ chức lại y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã. Thực tế cho thấy, hệ thống y tế tuyến cơ sở (xã, phường, thị trấn, huyện) đang đối mặt với nhiều vấn đề.

Người bệnh nhận thuốc BHYT tại Trung tâm Y tế Châu Thành.

Tại buổi làm việc hôm 2.6 với đoàn khảo sát của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh xung quanh hiệu quả dự án đầu tư thiết bị y tế tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, lãnh đạo Trung tâm này cho biết, sau khi triển khai dự án, Trung tâm được trang bị một máy siêu âm màu bốn chiều trị giá gần 1,5 tỷ đồng và một máy điện tim giá 36 triệu đồng.

Sau một thời gian đưa vào sử dụng, máy siêu âm màu đã phát huy được tính năng của một thiết bị hiện đại, hoạt động tốt. Tuy vậy, với hai máy siêu âm xách tay (đen trắng) được trang bị, cả hai trạm y tế của 2 xã Thái Bình và An Bình đều chưa đưa vào sử dụng. Nguyên nhân do nhân viên trạm chưa đủ điều kiện để sử dụng loại máy này.

Máy móc… sử dụng chưa hết công suất

 Trước đó, đoàn khảo sát của Liên hiệp Hội có làm việc với một số trạm y tế trên địa bàn TP. Tây Ninh. Tại Trạm y tế xã Tân Bình, bác sĩ Mai Thị Thu Minh, Trạm trưởng cho biết, tháng 6.2016, Trạm được trang bị một máy đo điện tim do Trung Quốc sản xuất. Trong 6 tháng cuối năm 2016, máy chỉ hoạt động vỏn vẹn… 6 lần.

Tình hình chung hiện nay là số lượng người dân đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến xã không nhiều. Ở xã Thạnh Tân, tháng 10.2015, Trạm y tế xã này được trang bị một máy siêu âm xách tay.

Trong năm 2016, máy hoạt động được 30 lần. Hiện tại, Trạm y tế xã Thạnh Tân chưa có bác sĩ, chỉ có bác sĩ tăng cường mỗi tuần 2 ngày. Còn ở xã Bình Minh, Trạm y tế cũng được trang bị một máy siêu âm xách tay và chỉ mới sử dụng được… 3 lần.

Tại buổi làm việc, một thành viên trong đoàn khảo sát cho biết, nếu hoạt động hết công suất, máy đo điện tim có thể làm việc 600 lần cho 600 người trong thời gian 1 tháng, còn máy siêu âm là 300 lần.

Việc đầu tư trang thiết bị y tế cho tuyến tỉnh và huyện lấy từ ngân sách của tỉnh và Trung ương. Tháng 6.2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1498/QĐ-UBND phê duyệt dự toán dự án đầu tư trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế thuộc tuyến tỉnh, tuyến huyện.

Theo quyết định, các cơ sở y tế được đầu tư gồm cả tuyến tỉnh, huyện và xã, phường. Ở tuyến tỉnh, các cơ sở đươc đầu tư gồm Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng và Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản.

Ngoài tuyến tỉnh, một số trung tâm y tế thuộc cấp huyện, thành phố và 13/25 xã trong danh sách xã xây dựng nông thôn mới cũng thuộc diện được đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế. Trong tổng số hơn 35 tỷ đồng thực hiện dự án trên, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 1/3, còn lại là ngân sách địa phương.

Tháng 9.2016, UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh dự toán của dự án nêu trên nhưng nội dung điều chỉnh không thay đổi nhiều. Tiếp đến, tháng 11.2016, UBND tỉnh ra quyết định điều chỉnh dự án bổ sung danh mục thiết bị đầu tư, cụ thể là mua 6 xe cứu thương để cấp cho một số bệnh viện, trung tâm y tế, không liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị phục vụ chuyên môn.

Dự án được triển khai thực hiện trong hai năm 2015 - 2016

Theo lãnh đạo Sở Y tế, việc xây dựng và triển khai dự án là cần thiết. Bởi vì một số cơ sở y tế chưa được trang bị dụng cụ, máy móc theo tiêu chuẩn quy định, ví dụ như máy phân tích sinh hoá, máy chụp X-quang di động.

Lâu nay, chỉ có máy X-quang cố định, khi di chuyển bệnh nhân đi chụp phim có thể gặp rủi ro, nếu như người bệnh có vấn đề về tim mạch. Trước khi được đầu tư, tại trạm y tế tuyến xã chưa có máy siêu âm, máy đo điện tim… mà đó là những thiết bị được quy định trong bộ tiêu chí quốc gia về y tế tuyến xã- nhất là với những xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới.

Tính đến tháng 5 vừa qua, hầu hết các thiết bị đã được bàn giao cho các đơn vị đúng như trong kế hoạch của dự án.

Riêng với y tế tuyến xã, trong thời gian triển khai dự án còn được cấp một số thiết bị khác do các tổ chức, cá nhân cho, tặng, tài trợ nên trung tâm y tế các huyện đã chủ động phân phối các thiết bị sao cho bảo đảm tính hợp lý, tránh trùng lặp.

Theo đánh giá, hầu hết các thiết bị tuyến huyện, tỉnh được khai thác có hiệu quả, tần suất sử dụng phù hợp với tính năng của trang thiết bị.

Tuy nhiên, tại tuyến xã, trang thiết bị được mua sắm hiện chưa được sử dụng hoặc sử dụng rất ít. Nguyên nhân, nhiều trạm y tế tuyến xã thiếu bác sĩ, trong một tuần có khi chỉ khám bệnh từ một đến hai ngày, do bác sĩ còn phải làm nhiều việc khác.

Mặt khác, do quy định thông tuyến khám, chữa bệnh đối với người có thẻ bảo hiểm y tế (tháng 3.2016) cộng với một số yếu tố khác như giao thông thuận tiện, nên người dân thường đi thẳng lên tuyến trên để khám, chữa bệnh.

Bảng thông báo lịch siêu âm, đo điện tim tại Trạm Y tế xã Bình Minh (TP Tây Ninh).

Người dân vẫn thích “lên tuyến trên”

Một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là làm gì với y tế tuyến xã, phường? Y tế tuyến xã, phường đã được hình thành từ lâu và trong một khoảng thời gian dài, mô hình này đã đóng góp không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng dân cư. Cùng với sự phát triển chung của xã hội, những năm gần đây, nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở ngày càng nhiều.

Tại Tây Ninh, hiện nay có nhiều trạm y tế được đầu tư quy mô, khang trang; mỗi đơn vị có từ 12 - 14 phòng chức năng, chuyên môn, thậm chí còn nhiều hơn thế. Về nhân lực, mỗi trạm thường có 6 vị trí trong biên chế.

Được đầu tư cả về trang thiết bị, cơ ngơi mới nhưng y tế tuyến xã ngày càng… ế khách. Có những trạm y tế mỗi tháng chỉ chừng 30 - 40 lượt người tới khám, chữa bệnh, lấy thuốc. Có trạm tiếng là vẫn hoạt động hằng ngày nhưng nhiều phòng chức năng, phòng chuyên môn đều “cửa đóng then cài”.

 Do quy định thông tuyến khám, chữa bệnh đối với người có thẻ bảo hiểm y tế cộng với giao thông thuận tiện, người dân có điều kiện kinh tế nên thường đi thẳng lên tuyến trên để khám, chữa bệnh! Nhận định này không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Bởi vì tình trạng người dân khám, chữa bệnh vượt tuyến không phải là điều mới xảy ra.

Xét về tâm lý, khi một người chẳng may lâm bệnh, nhu cầu cao nhất của họ lúc này là nhanh khỏi bệnh, do đó, người ta thường chọn lên tuyến trên cho dù bệnh tình không lấy gì làm nghiêm trọng.

Như vậy, có thể thấy, tình trạng vượt tuyến, quá tải còn có nguyên nhân từ niềm tin. Niềm tin người bệnh và gia đình họ dành cho tuyến y tế cơ sở thường… rất thấp nên khi cần là họ “chạy thẳng lên tuyến trên”.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh hồi cuối năm 2016, một vị lãnh đạo tỉnh trong phiên thảo luận tổ có gợi ý: lãnh đạo ngành Y tế cần nghiên cứu, tìm tòi, đề xuất một giải pháp nào đó khả dĩ nâng cao hiệu quả hoạt động của trạm y tế tuyến xã, phường.

Ví dụ như có thể tập trung đầu tư cho một trạm y tế nào đó trong vùng, tạm gọi là trạm chất lượng cao, có thể thu hút người dân các xã lân cận đến khám, chữa bệnh cũng như làm các dịch vụ y tế khác. Ý kiến vừa nêu có thể khó triển khai trong thực tế nhưng cũng nói lên một điều: trạm y tế tuyến xã, phường, thị trấn đang cảnh “chợ chiều”.

Trước thực trạng như nói trên, cũng có ý kiến bình luận rằng: đối với hệ thống y tế công lập- nhất là tuyến cơ sở thì không nên nhìn nhận vấn đề đầu tư mua sắm trang thiết bị như một hoạt động kinh doanh.

Theo ý kiến này, y tế công lập là nơi được đầu tư để phục vụ, do đó, không nên lẫn lộn giữa khái niệm dịch vụ phục vụ công ích với kinh doanh. Nếu có đánh giá hiệu quả của dự án, chỉ nên nhìn nhận về hiệu quả sử dụng chứ không nên đưa con mắt “nhà buôn” để đánh giá “lời - lỗ” trong chuyện này.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản bác lại: đầu tư cho y tế công lập thuộc lĩnh vực đầu tư công và được điều chỉnh, chi phối bởi Luật Đầu tư công. Đã nói đến đầu tư thì không thể bỏ qua hiệu quả kinh tế. Nếu hiệu quả thấp hoặc không có hiệu quả thì đó chính là lãng phí trong đầu tư công và như thế không nên đầu tư quá mức cần thiết cho y tế cơ sở.

Tương lai nào cho y tế tuyến cơ sở? Câu hỏi này e vẫn khó tìm ra đáp án.

VIỆT ĐÔNG