Những hạt đậu tương loại nhỏ, chỉ được trồng vào mùa xuân trên
đất bãi dọc sông Lam bóc ra phơi được nắng, nước dòng sông Lam múc lên đúng lúc
con nước đang ròng, tinh khiết…, tất cả làm nên những chai tương Nam Đàn sóng
sánh màu cánh gián, với 3 tầng đều nhau: mốc tương, nước tương và cái tương.
Tuy không phải là cao lương mỹ vị nhưng từ bao đời nay, tương Nam
Đàn vẫn được biết đến là thương hiệu mang nét đặc trưng riêng của xứ Nghệ.
Nghề làm tương ở Nam Đàn đã có từ rất lâu, ban đầu chỉ một số hộ
làm nhưng đến nay, gia đình nào cũng biết làm tương. Với nguồn nguyên liệu dồi
dào, nhân công dày dặn kinh nghiệm, hiện nay, làm tương là một trong những nghề
mang lại thu nhập cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, sản
phẩm đã khẳng định được uy tín trên thị trường cả nước. Thăm nhà kho của những
hộ làm tương chuyên nghiệp, chúng tôi tận mắt chứng kiến được mô hình làm tương
không đơn giản. Người Nam Đàn làm tương cầu kỳ ngay từ khâu chọn nguyên liệu,
những chai tương được làm ra là cả một quá trình kết tinh nhiều yếu tố. Phải
chăng vì thế mà đến tận bây giờ, nó vẫn còn ngọt lịm trong ký ức của những người
con xa quê hay những người đã có dịp ghé qua đây.
Dù đã được bịt kín mấy lần nhưng mùi thơm nồng nàn, ngọt lịm từ
những bao mốc tương vẫn bốc lên thơm lừng. Bác Phạm Hải Đường, Khối trưởng kiêm
Trưởng làng nghề làm tương Phan Bội Châu (thị trấn Nam Đàn) cho biết: "Ở bất cứ
thời điểm nào, người dân Nam Đàn vẫn giữ những nguyên tắc vàng khi làm tương".
Gia đình bác cũng vậy. Mỗi năm bác đầu tư hàng trăm triệu đồng, làm hết hơn 1
tấn nếp, hàng chục tấn muối và năm nào cũng để 5 - 6 chum tương bán Tết, bởi
tương càng để lâu càng ngọt và thơm. Đầu năm 2010, làng tương Phan Bội Châu được
công nhận là làng nghề truyền thống. Hiện, làng có trên 200 hộ, trong đó hơn 30
hộ làm tương chuyên nghiệp, hàng năm cung cấp cho thị trường 400.000 - 500.000
lít tương. Trung bình mỗi hộ sản xuất 30 - 40 chum tương/năm. Tương Nam Đàn
không hề dùng hóa chất, có vị ngọt đậm đà. Nhờ chung thủy với cách làm thủ công
truyền thống, cầu kỳ mà sản phẩm này được nhiều người biết đến. Ở TP. Vinh có
rất nhiều nhà hàng, khách sạn lớn sử dụng tương Nam Đàn. Và thật đáng tự hào khi
trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tương Nam Đàn cũng được
đem ra trưng bày, giới thiệu tại Thủ đô.
Xác định nghề làm tương là nghề cổ truyền, chính quyền địa phương
luôn có chính sách quan tâm, tạo điều kiện để làng nghề phát triển. Đặc biệt,
huyện Nam Đàn đang khuyến khích người dân trồng 300 - 400ha đậu tương truyền
thống, tránh phụ thuộc vào nguyên liệu ở bên ngoài như hiện nay. Để ai đặt chân
đến vùng đất này, có dịp được nếm tương Nam Đàn, sẽ không quên câu ca chân chất:
"Ai về ăn nhút Thanh Chương
Dừng chân nếm thử vị tương Nam Đàn".
K.D (st)