Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thầy nổi tiếng là khó nhất trường. Vậy mà ba tôi lại rất hài lòng về thầy. Ba nói: “Thầy khó như vậy tao chịu. Thầy khó thì trò mới nên”.

Ở mỗi cấp học đều có những người thầy, người cô để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Thầy Trần Văn Thành, chủ nhiệm của tôi năm lớp 4 là một ví dụ. Thầy nổi tiếng là khó nhất trường. Vậy mà ba tôi lại rất hài lòng về thầy. Ba nói: “Thầy khó như vậy tao chịu. Thầy khó thì trò mới nên”.
Những đứa lười học trong lớp hồi đó thường xuyên “ăn” đòn của thầy. Lần lượt từng đứa cúi sấp lên bàn, thầy cầm roi mây giơ cao tay quất xuống mông cái “trót”. Cây roi nhỏ xíu, đánh đau điếng. Đứa nào đứa nấy hai tay xoa xoa mông, nhăn mặt. Những đứa ngồi dưới thấy cũng “nổi da gà”. Thầy quy định hằng ngày phải nhúng bông lau bảng cá nhân để khi lau không bị bụi. Ai ai cũng thực hiện. Thỉnh thoảng có đứa lười, khi thầy kiểm tra, bị khẽ tay. Tôi thực hiện đều đặn mỗi ngày. Phấn bám vào bông lau ướt, sau khi xoá bảng phấn khô nổi quằn quện. Thấy đã mấy hôm thầy không kiểm tra bông lau, tôi nắn thấy bông lau của mình nhúng nước hôm qua, nay còn ẩm, nếu thầy có kiểm tra chắc cũng không phạt, mà chắc thầy… không kiểm tra đâu nên cứ để vậy. Xui, hôm ấy thầy kiểm tra. Duy nhất mình tôi bông lau không nhúng nước. Thế là bị “mời” lên bàn nhất cúi sấp xuống. Thầy cầm roi mây nhịp nhịp rồi giơ thật cao. Thầy chưa đánh mà tôi đã ớn lạnh. Tưởng tượng cây roi nó “đáp” vô mông chắc đau điếng. Tôi nhắm mắt trân mình chờ! Ủa, sao lâu vậy? Tôi thắc mắc thầm, mở mắt ra nhìn. Có lẽ phần vì thấy tôi quá nhát đòn, phần thì thường ngày tôi là đứa ngoan, chăm học nên thầy không đành lòng phạt. Thầy cười bảo tôi về chỗ. Từ đó về sau tôi hết dám lười. Những tối thầy trực trường, tôi cùng vài đứa bạn thường đến để xem thầy pha mực cho lớp. Để rèn chữ viết đẹp, thầy mua cho chúng tôi ngòi viết bầu viết chữ có nét thanh, nét đậm. Thầy lại mua mực hột về pha, rồi lượt. Sau đó cho vào bình mực của chúng tôi. Mực thầy pha đậm nên viết nhìn đẹp. Có lúc đậm quá, khi khô mực tím óng ánh. Tập của tôi, Trang, Ánh được chọn làm tập mẫu cho các lớp (kể ra thật xấu hổ vì chữ viết của tôi hiện giờ không còn đẹp như ngày xưa, chỉ còn lại giấy khen “vở sạch chữ đẹp” làm kỷ niệm). Chính nhờ sự nghiêm khắc của thầy mà lớp tôi trở nên chăm ngoan, được thầy Thưa (hiệu trưởng) đến đọc cho nghe truyện “Nghìn lẻ một đêm”. Xong, thầy khuyến khích: “Các em cố gắng chăm ngoan, cuối tuần thầy sẽ đến đọc truyện tiếp cho các em nghe”. Vì chuyện đó, chúng tôi cảm thấy vinh hạnh với các lớp khác lắm. Thế là cố gắng học, đứa nào cũng háo hức mong ngày cuối tuần để được thầy đọc truyện cho nghe.
![]() |
Lên cấp hai, tôi gặp thầy Nguyễn Văn Hiếu dạy Pháp văn. Lúc ấy nhiều người bỏ nghề vì đồng lương không đủ nuôi thân. Vậy mà thầy tôi không quản khó nhọc, chỉ biết dồn tâm sức vào bài giảng. Tiết học nào thầy cũng có tranh minh hoạ. Tập tranh khổ A3 được vẽ bằng mực tàu. Chúng tôi hỏi: “Ai vẽ đẹp vậy thầy? Thầy vẽ hả thầy?”. Thầy mỉm cười gật đầu. Cả lớp ồ lên thán phục. Vất vả nhất là những tiết học ngữ pháp, thầy phải xách bảng chia động từ hoặc cấu trúc cách chia động từ (được viết trên giấy cứng, đóng khung. Thầy đạp xe 8km từ nhà đến trường, một tay lái xe một tay xách mớ đồ dùng dạy học chắc là mỏi nhừ. Gần cuối năm học lớp 9, lớp tôi bắt đầu “quậy”, con trai cúp tiết đi đánh bi-da. Con gái thì qua chùa chơi, lo chụp hình gắn sổ lưu ảnh. Trong lớp chỉ còn lại 3 đứa con trai và 10 đứa con gái ngoan, khá giỏi, trong đó có tôi, thầy vẫn tận tình giảng dạy (chắc lúc đó trong lòng thầy buồn lắm). Đáng trách nhất là tôi. Nhà tôi gần trường nên thầy hay nhờ tôi mang những tấm bảng phụ về cất giữ hộ. Tôi vui vẻ mang giúp thầy. Rồi một hôm nghe lời đám bạn xúi, tôi không thèm giúp thầy nữa. Hôm ấy, thầy phải tự mang đồ dùng về. Nhìn thầy một tay cầm lái, một tay xách bảng, tấm bảng bị “bê” gió khiến thầy đảo tay lái, tôi hối hận quá. Mấy chục năm trôi qua, biết bao thế hệ học trò nối tiếp, vậy mà thầy Hiếu vẫn nhớ khi tôi đến thăm thầy. Thầy già và gầy nhiều. Ngồi ôn lại kỷ niệm, tôi nhắc lại những việc làm dại dột của mình năm xưa khiến thầy buồn, thầy mỉm cười độ lượng. Tôi học được ở các thầy lòng khoan dung và tâm huyết yêu nghề, không ngại khó, tất cả vì học sinh thân yêu...
P.T.T.A